Du lịch Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số và bền vững
TS Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Du lịch và Khách sạn, Khoa Kinh doanh - Đại học RMIT nhận định, với di sản văn hóa phong phú, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và chiến lược tích hợp công nghệ, Việt Nam có cơ hội lớn trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch thông minh và bền vững trong khu vực.
Du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình khi tăng trưởng liên tục những năm gần đây. Đâu là nguyên nhân để ngành Du lịch vượt qua được những khó khăn sau đại dịch, lấy đà tăng trưởng và xác định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới?
TS Phạm Hương Trang: Ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, trong khi doanh nghiệp nỗ lực phát triển sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn. Hợp tác công thương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
![TS Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Du lịch và Khách sạn, Khoa Kinh doanh - Đại học RMIT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_603_51474657/9b05e2ecd0a239fc60b3.jpg)
TS Phạm Hương Trang, giảng viên ngành Du lịch và Khách sạn, Khoa Kinh doanh - Đại học RMIT
Ngành Du lịch Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với nhiều yếu tố quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng này.
Đầu tiên, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lich, ví dụ như các chính sách visa thuận lợi (e-visa, kéo dài thời gian thị thực) đã thu hút khoảng 17,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, gần đạt mức trước đại dịch.
Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch tập trung áp dụng công nghệ số và phát triển các sản phẩm mới như du lịch bền vững, du lịch sức khỏe, hay như tour ẩm thực, tour đường sắt khám phá thiên nhiên, trải nghiệm di sản văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Qua giai đoạn đại dịch, các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn vào việc phát triển thị trường nội địa, với kết quả ấn tượng 110 triệu lượt khách.
Sau đại dịch, du khách có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm an toàn, cá nhân hóa và bền vững hơn, vì vậy Việt Nam có nhiều lợi thế khi cung cấp các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa di sản, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển bền vững của Việt Nam.
Để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng và bền vững, ngành Du lịch cần hoàn thiện, bổ sung thêm những yếu tố nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, cũng như xác định vị thế của mình?
TS Phạm Hương Trang: Việt Nam, với di sản văn hóa phong phú và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, đang vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch trải nghiệm và bền vững. Những lợi thế độc đáo này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các hành trình có ý nghĩa, mà còn giúp Việt Nam định vị mình như một quốc gia có khả năng cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm môi trường.
Sự kết hợp này khiến Việt Nam trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với du khách quốc tế đang tìm kiếm những hành trình độc đáo và chân thực.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_603_51474657/a295de7cec32056c5c23.jpg)
Trong khi tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đóng vai trò nền tảng vững chắc, việc tích hợp các công nghệ số giúp gia tăng sức hút của Việt Nam. Ngoài tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam đang đạt được những bước tiến đáng kể trong chuyển đổi số trong ngành du lịch. Các công nghệ như tour du lịch ảo, vé điện tử và giải pháp thanh toán kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến, mang lại sự tiện lợi và nâng cao khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, chiến lược quốc gia về blockchain của Việt Nam đang mở ra những cơ hội mới về minh bạch trong đặt dịch vụ, đảm bảo chất lượng và bảo mật dữ liệu du khách, củng cố hơn nữa vị thế của Việt Nam như một điểm đến hiện đại và đổi mới.
Tuy nhiên, để tận dụng triệt để những tiến bộ này, Việt Nam phải giải quyết những thách thức do bối cảnh du lịch phát triển nhanh chóng mang lại, ví dụ như tác động đột phá của các nền tảng mới nổi như Airbnb đối với các mô hình kinh doanh du lịch truyền thống. Để duy trì tính cạnh tranh, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cần đổi mới bằng cách mang đến những trải nghiệm chân thật, chất lượng cao, phản ánh bản sắc độc đáo của Việt Nam.
Kết hợp các thế mạnh tự nhiên với tiến bộ công nghệ và các sáng kiến bền vững mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh trên thị trường du lịch khu vực. Tận dụng tốt những yếu tố này, Việt Nam có cơ hội đáng kể để định vị đất nước là nhân tố tiên phong trong lĩnh vực du lịch thông minh của khu vực.
Cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm môi trường, ngành Du lịch Việt Nam cần làm gì?
TS Phạm Hương Trang: Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục.
Chính phủ cần ban hành các chính sách bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và thúc đẩy chứng nhận du lịch bền vững, như GSTC, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về phát triển du lịch có trách nhiệm.
Doanh nghiệp cần đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý chất thải hiệu quả, và hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, đồng thời khuyến khích các mô hình du lịch bền vững.
Các tổ chức giáo dục cũng nên đóng góp bằng cách cung cấp kiến thức và đào tạo về công nghệ xanh, mô hình du lịch bền vững giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nhân lực trong ngành du lịch. Sự phối hợp này sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong khi vẫn tạo ra lợi ích kinh tế bền vững.
Đổi mới và hợp tác sẽ là chìa khóa cho thành công bền vững của du lịch Việt. Tương lai của ngành nằm ở việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng bản sắc thương hiệu mạnh mẽ và đầu tư phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Hơn nữa, tương lai của ngành du lịch không chỉ tập trung tạo ra những hành trình, trải nghiệm tuyệt vời, mà còn đảm bảo rằng những hành trình đó đem lại tác động tích cực cho cộng đồng và môi trường tại điểm đến. Với các chiến lược và hợp tác phù hợp, kỳ vọng ngành Du lịch Việt Nam xác định tầm quan trọng của việc cân bằng giữa phát triển và trách nhiệm, sẵn sàng dẫn đầu lĩnh vực du lịch thông minh và bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Xin cảm ơn TS Phạm Hương Trang về cuộc trao đổi này.