Du lịch cộng đồng Hà Giang: Khi văn hóa nội sinh làm 'đòn bẩy' kinh tế
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Giang cho hay địa phương này xác định lấy văn hóa làm sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Du lịch phát triển thì sẽ góp phần quay trở lại bảo tồn văn hóa.
“Ai chưa đến với Hà Giang thì nên đi ít nhất một lần trong đời. Như tôi dù đã đi nhiều lần nhưng lần nào cũng đầy cảm xúc và mong muốn được trở lại. Tôi ấn tượng với con đường từ thị trấn Đồng Văn tới làng Thiên Hương thật sự quá đẹp. Phía bên này nước mình, còn bên kia là nước bạn chỉ cách một thung lũng sâu. Dừng chân trên đèo gió lộng, ngắm thiên nhiên bao la hùng vĩ, thật là tuyệt! Yêu thiên nhiên, yêu đất nước, cảm thấy hạnh phúc ngập tràn trong từng tế bào cơ thể!”

Ông Lại Quốc Tĩnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Có lẽ, nhiều người cũng sẽ có cảm xúc đẹp đẽ như anh Lam (Hà Nội) vừa chia sẻ sau khi đã khám phá vùng đất Hà Giang. Chẳng thế mà bước chân du khách cứ đổ về vùng biên viễn này ngày càng đông, đặc biệt mỗi dịp Xuân mới, khiến những cuối tuần ở các điểm đến nổi tiếng của Hà Giang như Đồng Văn, Mèo Vạc… thường xuyên lâm cảnh “cháy phòng” riêng. Du khách không đặt chỗ nghỉ trước phải di chuyển xa khu vực trung tâm hay sang huyện khác để tìm chỗ ngủ.
Ngay trong những tuần đầu năm mới này, lượng người đổ về du Xuân khiến Hà Giang liên tục quá tải, thậm chí cả đường đèo cũng không hiếm cảnh ùn tắc, như đoạn dốc Thẩm Mã, dốc Bắc Sum hay đèo Mã Pì Lèng. Vậy lý do gì khiến Hà Giang ngày càng trở nên hấp dẫn như vậy? Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Giang, ông Lại Quốc Tĩnh.
Dùng sức mạnh nội sinh phát triển du lịch
- Những năm qua, Hà Giang đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, hoạt động du lịch của địa phương nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đã trở thành hình mẫu cho nhiều nơi học tập. Là người gắn bó với hoạt động du lịch của mảnh đất này, theo ông, điều gì đã giúp Hà Giang có được thành công như vậy?
Ông Lại Quốc Tĩnh: Để du lịch Hà Giang nói chung và đặc biệt là du lịch cộng đồng Hà Giang có được thành quả như ngày hôm nay, đầu tiên phải kể đến định hướng đúng với thực tiễn của Đảng bộ tỉnh từ cách đây 2 nhiệm kỳ. Lãnh đạo địa phương đã định hướng rõ ràng lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, từ đó tạo mọi điều kiện cho du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng phát triển.




Chuẩn bị cho lễ hội Gàu tào ở Hà Giang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Thứ hai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và những người làm du lịch như chúng tôi xác định rất rõ ràng lấy văn hóa làm sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Du lịch phát triển thì sẽ góp phần quay trở lại bảo tồn văn hóa.
Chúng tôi có một cộng đồng đa sắc tộc gồm 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Vì điều kiện địa hình xa xôi với các tỉnh miền xuôi nên nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn giữ được gần như nguyên vẹn, ít bị cơ chế thị trường ảnh hưởng.
Đó là một kho tàng văn hóa đồ sộ cho chúng tôi bám vào đó để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Giang mà không nơi nào có được. Điều đó tạo sức hút, sức hấp dẫn đối với mọi tầng lớp du khách trong nước cũng như quốc tế.
Hơn nữa, chúng tôi đã biết kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo tuyệt đẹp của Hà Giang với giá trị văn hóa bản địa mà bao đời nay các dân tộc đã gìn giữ được, từ đó xây dựng nên những sản phẩm du lịch thực sự ấn tượng với mọi du khách.
Chúng tôi có một slogan “Hà Giang là điểm đến hạnh phúc.” Vì thế lên Hà Giang là các bạn sẽ đến với cung đường hạnh phúc.




Người dân tộc Mông ở Hà Giang vẫn gìn giữ được nhiều phong tục tín ngưỡng truyền thống. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
- Tôi thấy những nhà quản lý và kể cả các doanh nghiệp du lịch địa phương như ông đều đang có hướng đi bền vững, đó là nỗ lực gìn giữ văn hóa nội sinh để phát triển kinh tế địa phương từ chính những giá trị cốt lõi đó. Ông có thể chia sẻ gì về hành trình này, khi đặc biệt vừa không phải là người con của Hà Giang vừa là một doanh nhân nhưng anh lại rất quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc của đồng bào?
Ông Lại Quốc Tĩnh: Như đã nói, chúng tôi lấy văn hóa nội sinh để phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là phát triển du lịch. Với cá nhân, tôi tự nhận thấy mình là người nặng tình nghĩa và cũng hơi phiêu (cười). Tôi sinh ra và lớn lên từ quê lúa Thái Bình, sau đó đi học xa nhà và lên Hà Giang công tác, rồi định cư, lấy vợ và ở lại lập nghiệp trên này đến nay đã 25 năm.
Hà Giang chính là quê hương thứ hai của tôi. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng Hà Giang cho mình tất cả, nếu có thể báo đáp được hãy báo đáp bằng tất cả tấm lòng. Trong quá trình công tác, tôi đã gắn bó với người dân ở hầu hết các xã trong tỉnh, được tiếp xúc và ăn, ở với đồng bào. Vì thế nói là tôi được đồng bào đùm bọc cũng đúng. Từ đó tôi hiểu và yêu quý họ.
Với đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa còn chưa tiếp cận được nhiều với cuộc sống văn minh, hiện đại, nói một cách văn hoa thì tôi nhìn họ bằng con mắt của nhà văn Độ trong truyện ngắn “Đôi mắt” chứ không phải bằng con mắt của nhà văn hóa. Cho nên tôi rất dễ đồng cảm, dễ thương cảm và coi mình như một thành viên trong đại gia đình này. Từ đó tôi mới quyết tâm gìn giữ những bản sắc văn hóa của đồng bào, phục dựng lại hoàn toàn kiến trúc của dân tộc Mông thành khu nghỉ dưỡng H’mong Village…

Kiến trúc nhà truyền thống dân tộc vẫn được gìn giữ bảo tồn ở Hà Giang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tôi cũng tham gia các dự án du lịch cộng đồng hoàn toàn với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, lấy đó làm sức mạnh nội sinh, giá trị cốt lõi để giúp bà con xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Khi kinh tế vững thì quay lại bảo tồn tốt hơn nữa văn hóa truyền thống.
Làm thế nào để không giẫm vào “vết xe” Sa Pa?
- Những việc làm đó thật sự có ý nghĩa thiết thực với bà con và vùng đất ấy thưa ông. Thành quả là những năm gần đây Hà Giang đã nhanh chóng “thay da đổi thịt.” Tuy nhiên, cùng đồng hành với sự phát triển, không gian ở nhiều điểm đến của Hà Giang cũng bắt đầu bị thương mại hóa. Nhiều người yêu mến vùng đất này, trong đó có tôi lo ngại việc Hà Giang đang và sẽ đi vào “vết xe” của Sa Pa. Vậy quan điểm của ông thế nào?
Ông Lại Quốc Tĩnh: Phải nói thật đó cũng điều mà chúng tôi luôn trăn trở để làm sao Hà Giang không giẫm vào “vết xe đổ” của Sa Pa. Vì thế, lãnh đạo tỉnh và những người làm du lịch Hà Giang đã bảo nhau phải cố gắng giữ gìn.
Thực tế, một số công trình được xây dựng mới nếu khác với kiến trúc bản địa thì chủ yếu là ở thị trấn như Đồng Văn, còn lại các nơi khác và đặc biệt trên “cung đường Hạnh phúc” đi lên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thì người dân đã được chính quyền khuyến cáo xây dựng phải bám vào kiến trúc bản địa.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi xây dựng phải giữ bản sắc, giữ không gian bản làng. Đặc biệt, không gian Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn rất rộng lớn chứ không hẹp như Sa Pa, cho nên khi chính quyền đã quyết liệt vào cuộc, người dân có ý thức thì chắc chắn Hà Giang sẽ không bị thương mại hóa, đô thị hóa, bị phố trong làng như ở Sa Pa.



Vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống của người dân Hà Giang có sức hấp dẫn đặc biệt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
- Vâng thưa ông. Vậy việc tuyên truyền cho người dân giữ gìn bản sắc dân tộc có gặp khó khăn gì không?
Ông Lại Quốc Tĩnh: Thực ra việc này rất cần nghệ thuật trong tuyên truyền. Nếu chỉ tuyên truyền suông thì đương nhiên rất khó để người dân nghe, nhưng khi giá trị văn hóa được gìn giữ mà tạo ra kinh tế để nuôi sống họ, giúp họ thoát nghèo thì đương nhiên họ sẽ làm theo.
Ví dụ, mỗi show diễn chúng tôi mời đồng bào đi thổi khèn, thổi sáo, múa Mông, giúp họ có tiền, có kinh tế thì một cách tự nhiên họ sẽ truyền dạy văn hóa truyền thống cho con cháu, từ đó tạo thành lớp nghệ nhân tiếp theo và tạo phong trào gìn giữ văn hóa đó.
Hay như bộ váy Mông đẹp và rực rỡ như thế, khi người xuôi lên thấy vậy thường rất thích, thích được mặc thử, thích chụp ảnh cùng những em gái, phụ nữ bản địa mặc váy Mông. Điều đó sẽ khiến người Mông yêu quý trang phục dân tộc mình và mặc lại chúng một cách tự nhiên.
Đặc biệt, ngoài tuyên truyền thuần túy phải gắn với lợi ích thì đồng bào sẽ tự khắc biết quý trọng, bảo tồn những giá trị văn hóa của mình. Hà Giang hiện có nhiều câu lạc bộ sáo Mông, khèn Mông.
Với người Tày ở Hà Giang, hiện có rất nhiều câu lạc bộ hát then đàn tính, hát cọi, thậm chí có những nghệ nhân nổi tiếng cả nước như nghệ nhân Xuân Hữu hát then hay, đàn tính giỏi. Từ những nhân tố đó mà nhiều thế hệ đã được truyền dạy.
- Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến trong cộng đồng sau khi được tuyên truyền?
Ông Lại Quốc Tĩnh: Thực tế cho thấy đồng bào các dân tộc ở Hà Giang hiện nay đã ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống hơn, từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể. Ví dụ như người Mông khi làm nhà gần như 100% sẽ theo kiến trúc truyền thống, biết quý trọng trang phục truyền thống.
Đặc biệt, những phong tục như quan-hôn-tang-tế, các điệu múa, câu hát hò vè, thổi sáo, điệu khèn… đã dần được người già truyền dạy cho thế hệ trẻ, để trước hết đi biểu diễn lấy tiền nâng cao đời sống, sau đó góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tôi đánh giá đây thực sự là những chuyển biến tích cực.
- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.


Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng H’mong Village đã được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh đầu tiên tại Hà Giang bởi sự quy mô và kiến trúc độc đáo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)