Dư địa lớn cho HTX khởi nghiệp từ nông nghiệp
Trong khi một số ngành kinh doanh, dịch vụ khác đang dần bão hòa thì khởi nghiệp từ nông nghiệp, nông thôn lại là một xu thế và còn nhiều dư địa để phát triển. Điều này mở ra cơ hội nâng chất lượng và số lượng HTX với các nông đặc sản đặc trưng hay nhưng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.
Nông nghiệp được coi là một ngành có mức độ áp dụng khoa học công nghệ chưa cao so với những ngành khác và chủ yếu hoạt động theo hình thức hộ gia đình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do những yêu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp phải bảo đảm được các quy định về chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững đã thúc đẩy nhiều người liên kết khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp thông qua mô hình HTX, tổ hợp tác…
Cơ hội cho người trẻ
Đặc biệt, nhiều ngành nghề từ nông nghiệp đang có nhiều tiềm năng lớn, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa.
Đơn cử chỉ tính riêng ngành trồng nấm, theo số liệu từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ngành này chiếm khoảng 4% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất khoảng 250.000 tấn nấm các loại với diện tích khoảng 10.000 ha. Vậy nhưng, năng suất sản xuất nấm của Việt Nam vẫn còn thấp vì chưa phát triển theo đúng quy trình và đầu tư về công nghệ một cách toàn diện.
Điều này cho thấy, khởi nghiệp từ nghề trồng nấm còn nhiều dư địa. Bởi xét riêng về thị trường tiêu thụ, không chỉ người tiêu dùng trong nước đang có xu hướng ăn chay, ăn sạch mà trên thế giới, đầu ra của loại nông sản này rất rộng mở. Đức được coi là thị trường tiêu thụ nấm ăn lớn nhất hiện nay với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm, Hoa Kỳ khoảng 200 triệu USD, Pháp khoảng 150 triệu USD, Nhật Bản khoảng 100 triệu USD...

Mỗi địa phương đều có những lợi thế nhất định cho người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp thông qua mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Nắm bắt được điều này, không ít người lao động đã khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm. Tiêu biểu là HTX nấm ngon Việt (Bình Dương) thành lập năm 2023 nhờ liên kết các bạn trẻ đầu tư công nghệ vào sản xuất và trồng nấm. Việc đầu tư máy móc mới giúp HTX cải thiện năng suất (tăng gấp 5 - 6 lần so với quy trình sử dụng phương pháp thủ công), chất lượng sản phẩm được nâng cao và từ đó giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nấm của HTX vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu giúp bảo đảm doanh thu, tăng lợi nhuận, phát huy hiệu quả kinh tế tập thể tại địa phương.
Không chỉ HTX nấm ngon Việt, mà còn rất nhiều HTX khác khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng nấm. Và đây đây được coi là ngành có giá trị kinh tế cao nếu người trồng biết khai thác và phát triển một cách phù hợp.
Có thể thấy, nhiều ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp như thủy sản, dược liệu, rau quả, chế biến nông sản… được xem là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Ngoài các doanh nghiệp thì khởi nghiệp theo mô hình HTX, tổ hợp tác được nhiều người lựa chọn.
Theo các chuyên gia, đi lên từ mô hình kinh tế tập thể, HTX được coi là hướng đi từ thấp đến cao, phù hợp với hướng đi của nhiều người. Do đó, ở hầu hết các địa phương hiện nay đều có mô hình tổ hợp tác, HTX khởi nghiệp.
Các HTX khởi nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trên cả nước vì đã lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nhiều hộ nông dân và cộng đồng. Sự thành công của các HTX khởi nghiệp đang khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nông dân theo hướng liên kết, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Lợi thế trong khởi nghiệp nông nghiệp
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 100 triệu dân nhưng tính đến hết năm 2024 mới chỉ có 33.335 HTX, 152 Liên hiệp HTX và 63.650 tổ hợp tác. Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.500 HTX nông nghiệp (chiếm 66,7%). Số HTX thành lập mới năm 2024 là 2.197 HTX, tăng 4,74% so với năm 2023 và tính bình quân có 183 HTX thành lập mới/tháng.
Số lượng HTX, liên hiệp HTX tăng qua từng năm cho thấy kinh tế tập thể, HTX vẫn là một trong những mô hình lý tưởng để nhiều người lựa chọn khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo Liên minh HTX Việt Nam, nhìn chung, tỷ lệ HTX trên dân số ở Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó, việc phát triển HTX, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của người dân thông qua mô hình kinh tế tập thể cũng là một trong những vấn đề trọng tâm để thúc đẩy ngành nông nghiệp cũng như tạo ra của cải vật chất mới cho xã hội.
Đặc biệt, khởi nghiệp từ mô hình kinh tế tập thể, HTX hiện nay cũng có những mặt thuận lợi nhất định với sự hỗ trợ về mặt chính sách từ Nhà nước. Ngay như gần đây, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đang cân nhắc bỏ miễn thuế VAT cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, đặc biệt là qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là một tín hiệu tích cực cho những HTX, tổ hợp tác, người bán hàng Việt Nam. Bởi Việt Nam đang mất đi nguồn thu đáng kể từ thuế VAT khi hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ được miễn thuế. Chính sách này giúp sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác trong nước có thể cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu sẽ phải chịu thuế VAT tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh về giá cả. Khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm trong nước, hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù thuế VAT có thể được áp dụng, hàng hóa quốc tế vẫn có những lợi thế nhất định như phí ship rẻ, giao hàng nhanh, chất lượng tốt hơn nên các HTX cần có những hướng đi cụ thể để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Ngoài ra, nhằm ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, các sản phẩm máy móc công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều được hỗ trợ miễn thuế giá trị gia tăng. Điều này được quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC bổ sung Khoản 3a vào Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này tạo thuận lợi cho các HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất kinh doanh.
Không chỉ thuận lợi từ các chính sách, mà đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 FTA thì vấn đề tiêu thụ nông sản đã rộng mở hơn. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam do chính các HTX tham gia sản xuất kinh doanh hiện đã và đang nằm trong top đầu về xuất khẩu như: Rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, cao su,... Ngoài ra, còn có thêm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hồ tiêu, chè, cá tra, tôm…có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.