Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 9
Sáng 29/4, tại Trụ sở làm việc các cơ quan của Quốc hội, 22 Hùng Vương, Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 12 với phần thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự và điều hành Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cùng các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách của Ủy ban; đại diện Bộ Xây dựng; các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan.
Đề cập việc cần thiết sửa đổi dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước; khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như công tác quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.
Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định phạm vi điều chỉnh về hoạt động đường sắt; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường sắt. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động đường sắt trên lãnh thổ nước Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy
Trên cơ sở 05 chính sách đã được thông qua, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa thành các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung vào 05 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt, cụ thể như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt
Luật Đường sắt 2017 có 20 thủ tục hành chính, còn dự án Luật hiện nay đã cắt giảm 04 thủ tục hành chính, sửa đổi về chủ thể thực hiện của 10 thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn và chỉ kế thừa 06 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính này đã được Bộ Xây dựng đánh giá kỹ lưỡng trong Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính. Đồng thời, dự án Luật đã cắt giảm 33% ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện quy định tại Luật Đường sắt 2017.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đường sắt với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình số 179/TTr-CP ngày 11/4/2025 của Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm chủ trương của Đảng về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặc biệt là về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Việc hoàn thiện thể chế pháp luật về đường sắt lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, tháo gỡ các rào cản, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng trong giai đoạn mới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận Chính phủ đã thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra tại Phiên họp thứ 43. Chính phủ đã có Báo cáo số 180/BC-CP ngày 11/4/2025 báo cáo về việc rà soát, tiếp thu và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào dự thảo Luật trình Quốc hội lần này.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cao nhất của dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc hơn tác động của các quy định dự kiến sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh chung của đất nước. Cụ thể, cần làm rõ sự đóng góp của dự án Luật vào việc thực hiện chủ trương lớn về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đánh giá khả năng tạo đà, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt các mục tiêu đề ra (phấn đấu 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030); tăng cường hợp tác công-tư (PPP), tạo đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường sắt, vốn được xác định là yêu cầu trọng tâm theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Các đại biểu tham dự Phiên họp
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, về cơ bản, các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cụ thể hóa 05 nhóm chính sách đã được thông qua. Hồ sơ dự án Luật kèm theo Tờ trình số 179/TTr-CP đã được nghiêm túc bổ sung, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1212/TB-TTKQH, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được nêu trong Tờ trình số 127/TTr-CP ngày 05/3/2025 của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và đường sắt chuyên dùng; kinh doanh đường sắt, khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.
Huy động đa dạng nguồn vốn, đổi mới công nghệ cho vận hành và phát triển đường sắt
Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự án Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng nêu quan điểm tại Phiên họp
Các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như: khuyến khích nội địa hóa và phát triển công nghiệp trong nước, thúc đẩy sự liên kết giữa công nghiệp đường sắt và các ngành công nghiệp phụ trợ; đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ để cải thiện hiệu quả sản xuất, vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh; an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường trong tất cả các khâu từ sản xuất, lắp ráp, bảo trì đến vận hành các phương tiện giao thông đường sắt; đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, tiến tới tự chủ về công nghệ. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác trường, viện, doanh nghiệp trong nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao, các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua nghiên cứu, chuyển giao tại các trường đại học, Viện nghiên cứu cầu nối cho doanh nghiệp, các loại ưu đãi đầu tư, ưu đãi tín dụng, ưu đãi trong phát triển công nghệ cần được quy định rõ hơn trong dự thảo Luật.
Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, không nên quy định “cứng” việc chỉ nhà nước đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt… sẽ dẫn đến khó khăn trong việc huy động các nguồn lực khác ngoài nhà nước tham gia đầu tư, phát triển đường sắt, theo đó cân nhắc quy định như pháp luật hiện hành.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Minh Hiếu đóng góp ý kiến tại Phiên họp
Đối với cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội, một số đại biểu đề nghị làm rõ các tiêu chí cụ thể để xác định chi phí hợp lý và quy trình bù đắp chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm cách thức xác minh và kiểm tra các khoản chi phí này. Đồng thời, bổ sung các quy định về công khai thông tin trong quá trình hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội như ngân sách hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ cho tuyến nào, kết quả vận chuyển ra sao, đảm bảo tính minh bạch và ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, tiêu cực.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về thúc đẩy chuyển đổi số, sử dụng công nghệ tiên tiến vào vận hành, quản lý hệ thống đường sát; huy động đa dạng nguồn vốn cho phát triển đường sắt; đảm bảo an ninh quốc phòng cho các tuyến đường sắt...
Cũng tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy ghi nhận và giải trình những ý kiến, đề xuất của các đại biểu tại Phiên họp. Những ý kiến đều rất xác đáng, thuyết phục để Cơ quan soạn thảo dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong quá trình hoàn thiện dự án Luật trước khi gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Phiên họp
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Phiên họp thống nhất dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và đánh giá cao sự cố gắng, nghiêm túc của Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận các ý kiến góp ý của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan và các đại biểu tham dự Phiên họp; đồng thời đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nhanh chóng gửi báo cáo tham gia thẩm tra (lần thứ 2, căn cứ vào Tờ trình 179/TTr-CP) để Ủy ban kịp thời tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của Phiên họp để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; giao Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu để hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra chính thức của Ủy ban, gửi xin ý kiến thành viên Ủy ban trước khi ban hành.