Quyết liệt gỡ nút thắt thể chế

Thể chế không còn là khái niệm xa lạ khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm gửi đi thông điệp: Muốn đất nước cất cánh, phải cải cách pháp luật từ gốc, để phục vụ người dân chứ không phải bộ máy.

Bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng, mà còn là một lời hiệu triệu đầy sức nặng về cải cách thể chế – mạch nguồn sâu xa của mọi thành tựu phát triển bền vững.

Trước đó, ngày 30/4/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo đó, nghị quyết khẳng định: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá”.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu rất cụ thể: “Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy Nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN”.

Để cụ thể hóa mục tiêu mà Nghị quyết 66-NQ/TW đã đề ra Tổng Bí thư nhấn mạnh một điều tưởng chừng hiển nhiên nhưng lại nhiều lần bị xem nhẹ: Thể chế, pháp luật chính là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia.

Trong quá khứ, khái niệm “thể chế” thường được bao phủ bởi những lớp ngôn từ hành chính, khiến nó trở nên trừu tượng, xa rời đời sống. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, đối mặt với thách thức tăng trưởng suy giảm, niềm tin pháp lý bị xói mòn, sự tụt hậu về năng suất so với khu vực, thì “thể chế” không còn là khái niệm dành cho nghị trường, mà chính là cuộc sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp.

Một giấy phép bị trì hoãn do thủ tục rườm rà, một khoản đầu tư bị chững lại vì thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, một quyết định hành chính tùy tiện… Tất cả đều là những biểu hiện của thể chế yếu kém. Ngược lại, khi pháp luật rõ ràng, minh bạch, công bằng và được thực thi nghiêm minh, người dân sẽ yên tâm làm ăn, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, Nhà nước sẽ giảm gánh nặng quản lý chi ly để tập trung kiến tạo phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ rõ: “Chúng ta dứt khoát nói ‘không’ với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi.”

Đây là một tuyên bố mạnh mẽ, không chỉ thể hiện bản lĩnh chính trị mà còn là định hướng cải cách thể chế sâu sắc, toàn diện và có hệ thống.

Nói đến thể chế, không thể không nói đến pháp luật, trụ cột cấu thành nên khung thể chế quốc gia. Pháp luật là phương tiện thể hiện ý chí của Nhân dân, là nền tảng cho sự ổn định chính trị, trật tự xã hội và là đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một hệ thống pháp luật dù đồ sộ đến đâu cũng trở nên vô nghĩa nếu không được thực thi nghiêm túc, minh bạch và hiệu quả.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, khoảng cách giữa “luật trên giấy” và “luật trong thực tế” vẫn còn rất lớn. Không ít đạo luật được soạn thảo công phu, lấy ý kiến rộng rãi, nhưng khi đưa vào cuộc sống lại vướng vô vàn rào cản. Nhiều văn bản dưới luật được ban hành trái tinh thần luật, thậm chí làm méo mó pháp luật, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc xử lý cán bộ công quyền làm sai luật, lạm quyền, hoặc buông lỏng thực thi pháp luật còn chưa nghiêm.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong tổ chức thực thi”, đây là điểm then chốt. Một quốc gia pháp quyền không được đo bằng số lượng văn bản pháp luật, mà bằng niềm tin của người dân vào sự công bằng và hiệu lực của pháp luật. Cải cách thể chế, vì vậy, không thể dừng lại ở việc soạn thảo luật tốt, mà phải kéo dài tới tận “khâu cuối”: chính là tổ chức thực thi luật pháp nghiêm minh, khách quan, không thiên lệch.

Một trong những căn bệnh trầm kha của hệ thống pháp luật hiện nay là tư duy hành chính hóa: luật pháp không phải để bảo vệ quyền, mà để “quản lý”; không nhằm mở rộng tự do, mà để “siết chặt” hành vi; không đặt người dân làm trung tâm, mà lấy tiện lợi cho bộ máy làm chuẩn.

Điều này dẫn đến hiện tượng phổ biến là các đạo luật, nghị định, thông tư… thường nặng về quy trình, thủ tục, phân cấp trách nhiệm, nhưng lại thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, thiếu công cụ đảm bảo công lý, thiếu quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Tổng Bí thư đã phát đi tín hiệu thay đổi: Thể chế, pháp luật phải “phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân”. Đây chính là một chuyển dịch lớn trong tư duy xây dựng pháp luật: từ chỗ lấy nhà nước làm trung tâm sang lấy người dân làm chủ thể trung tâm. Cải cách pháp luật không phải để bộ máy dễ quản, mà để người dân dễ sống, dễ làm ăn, dễ sáng tạo.

Trên thực tế, các quốc gia bứt phá nhanh về kinh tế như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đều không đi lên từ tài nguyên hay nhân lực giá rẻ. Họ đi lên nhờ cải cách thể chế - xây dựng một hệ thống pháp luật ổn định, minh bạch, bảo vệ quyền tài sản, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo.

Việt Nam đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh nhờ lao động giá rẻ và thu hút FDI. Nhưng mô hình này đang đến giới hạn. Nếu không cải cách thể chế để nâng cao năng suất, khơi thông các nguồn lực trong nước, cải thiện chất lượng điều hành và tăng niềm tin pháp lý, chúng ta sẽ tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.

Đột phá thể chế không chỉ là nhu cầu nội sinh mà còn là yêu cầu của hội nhập quốc tế. Một quốc gia với thể chế pháp lý không ổn định, dễ thay đổi, thiếu minh bạch và thực thi lỏng lẻo sẽ không thể giữ chân được nhà đầu tư, càng không thể bảo vệ được lợi ích quốc gia trong các tranh chấp quốc tế ngày càng phức tạp.

Không ai nghi ngờ tính đúng đắn của cải cách thể chế. Nhưng điều đáng nói là ý chí chính trị đã có, tinh thần đột phá đã có, vấn đề còn lại là năng lực thực thi. Đã nhiều lần chúng ta hô hào cải cách, nhưng rồi bị chững lại giữa chừng bởi lực cản từ những nhóm lợi ích, từ quán tính trì trệ của bộ máy, từ nỗi sợ va chạm và tâm lý né tránh trách nhiệm.

Chính vì thế, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm cần được hiểu không chỉ là một tuyên bố chính trị, mà là một lời kêu gọi hành động, một sự tái khẳng định quyết tâm đổi mới thể chế một cách thực chất. Để thực hiện được điều đó, cần:

- Một chương trình cải cách thể chế quốc gia có tầm nhìn dài hạn và lộ trình rõ ràng.

- Một cơ chế giám sát đủ mạnh, có trách nhiệm giải trình, đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp và tư pháp.

- Thúc đẩy phản biện xã hội và sự tham gia của người dân trong quá trình làm luật, để pháp luật không xa rời thực tế.

- Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi làm sai luật, cố tình làm trái pháp luật trong thực thi công vụ, bất kể ở cấp nào.

Không có quốc gia phát triển nào mà thể chế lại trì trệ. Không có sự cất cánh nào nếu pháp luật không bảo vệ người dân, quyền tài sản và sự công bằng. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, với tầm vóc tư tưởng và tinh thần cải cách quyết liệt, cho thấy rõ: Cải cách thể chế không phải là lựa chọn, mà là mệnh lệnh của thời đại.

Và như thế, muốn đất nước “vươn mình”, chúng ta phải bắt đầu bằng việc vươn tâm, vươn tầm, vươn trí trong tư duy thể chế và pháp luật, để không chỉ có một hệ thống luật pháp đồ sộ, mà là một nền pháp quyền thực sự sống động, hiệu quả, đáng tin cậy.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/quyet-liet-go-nut-that-the-che-post182324.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi
Zalo