Dư âm ngày Tết

Theo phong tục, tín ngưỡng của người Việt, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo về chầu Trời. Sau đó, ngày 30 tháng Chạp (hoặc ngày 29 tháng Chạp, nếu tháng đó thiếu), lại cúng mời ông Công, ông Táo trở về, thường cúng vào buổi trưa hoặc chiều, để các ông còn về kịp với gia đình đón Tết (các ông ngự trong gian Bếp).

Tiếp theo là cúng đêm giao thừa: cúng Trời Đất, cúng mời ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết. Sau đó là buổi sáng các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết đều phải cúng: cơm, canh, xôi, chè, thịt heo, giò chả, bánh chưng, rượu, trà, bánh, mứt, kẹo,..., để ông bà tổ tiên "ăn" Tết cùng với gia đình.

Có gia đình, "hóa vàng" vào chiều mùng 2 Tết, cũng có gia đình "hóa vàng" vào chiều mùng 3 Tết. Thậm chí, có gia đình tới tận mùng 5 hoặc mùng 6 mới "hóa vàng". Ngày cúng "hóa vàng" này, đồng nghĩa với việc báo cáo với ông bà tổ tiên là mời "các cụ ăn bữa cơm cuối" với gia đình, xong "các cụ thăng thiên". Thế là hết Tết.

Minh họa: Ảnh chính chủ.

Minh họa: Ảnh chính chủ.

Những năm trước đây, khi tôi còn nhỏ đi học, chứng kiến thấy các chị gái mình đi làm dâu, nhất là ai đóng vai trò dâu trưởng, thì những ngày Tết này bận rộn "tối mắt tối mũi", chỉ loanh quanh làm cơm, canh,..., cúng mấy ngày Tết thôi cũng hết ngày, không đi chơi đâu được. Rất thông cảm cho các chị. Không thể làm khác được. Vì đây đã là phong tục, tín ngưỡng bao đời nay rồi.

Chiều mùng 3 Tết, gia đình tôi tới chúc Tết gia đình chú em họ (con chú) ở Q9. Gặp nhau ngày Tết, chúc nhau những điều tốt lành, với nụ cười rạng rỡ trên môi. Nhìn kỹ khuôn mặt hai vợ chồng chú em, tôi thấy phảng phất sự mệt mỏi mấy ngày qua.

Ngồi chuyện trò, uống trà, ăn mứt, cô em dâu đon đả:

- Hôm nay nhà em "hóa vàng", em mời anh chị và các cháu dùng cơm với gia đình chúng em.

- Cô chú đã đi chúc Tết được đâu rồi? - Tôi hỏi.

- Nào, chúng em đã đi được đâu. Mấy ngày Tết, kể từ đêm giao thừa đến giờ, ngày nào chúng em cũng phải làm cơm cúng mới để cúng "các cụ", nên chưa có thời gian để đi ra ngoài thăm và chúc Tết các gia đình người thân và bạn bè, anh ạ.

- Như vậy là cô chú đảm đang, chu đáo rồi - Tôi động viên.

- Bọn em không chu đáo như thế không được. Vì mẹ em "nặng nề" việc cúng cơm, canh,..., mấy ngày Tết này lắm. Mẹ em chỉ đạo thế, phải thực hiện. Không tuân thủ không xong với "cụ" đâu anh.

Tôi nhìn hai ban thờ (bên nội và bên ngoại) la liệt đồ ăn, thức uống, thiết nghĩ, vợ chồng cô chú phải bỏ nhiều công sức, thời gian chuẩn bị, mới có đầy đủ đồ ăn, thức uống để bày lên ban thờ cúng "các cụ" mấy ngày Tết này.

Đang suy nghĩ miên man, đột nhiên, cô em dâu hỏi:

- Theo anh, "các cụ" có ăn được không?

- Thực ra, "các cụ" đâu có ăn được gì. - Tôi nói: - Xét về mặt tâm linh, nếu "các cụ" có về nhà chơi mấy ngày Tết, "các cụ" sẽ chứng giám cho tấm lòng hiếu kính và sự thành tâm của con cháu đối với tiên tổ. "Các cụ" chỉ cần nhìn thấy thế là vui rồi.

- Em hỏi anh điều này nhé.

- Cô cứ nói, tôi đang nghe đây.

- Em nghe nói, người ta sau khi thác, hoặc là lên thiên đàng, hoặc là xuống địa ngục. Mà ở thiên đàng hay địa ngục thì đều bị sự quản lý, giám sát của các thiên binh, thiên sứ hoặc của Diêm Vương. Thế thì làm sao mà trở về trần thế được, anh nhỉ.

- Tôi thấy suy nghĩ của cô và nhiều người cũng có suy nghĩ như vậy. Đó là suy nghĩ của sự "bứt phá trong tư tưởng".

Theo như tôi được biết:

* Việc thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng từ hàng ngàn đời nay. Nó bám rễ trong đời sống xã hội và đời sống tâm linh trong mỗi người dân. Nó trở thành đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và trở thành Đạo Hiếu của người Việt Nam.

* Nói về sự sống và sự chết của con người, theo quan điểm của Phật giáo, có hai dạng: người nào sống tử tế, có nghĩa, có tình, thì khi thác sẽ được lên cõi Niết bàn (thực ra, quan điểm này cũng rất vô thường). Còn người nào sống vô nhân đạo, độc ác thì khi chết đi sẽ bị đầy xuống 18 tầng địa ngục (giống như tù chung thân).

* Còn theo quan điểm Thần học:

"Hiếu kính cha mẹ khi cha mẹ còn sống".

Sau khi con người ta từ giã đời sống trên đất, sẽ có hai dạng: hoặc là lên Thiên đàng, hoặc là xuống Âm phủ.

Tiêu chuẩn để được lên Thiên đàng, phải là những người tin Chúa (con cái Chúa). Nói là Thiên đàng thì không hoàn toàn chính xác, thực ra nó là một tầng Trời - tầng Parađi (giống như phòng chờ, khi đợi quá cảnh vậy). Nơi đây chứa chấp các linh hồn, đợi ngày Chúa tái lâm sẽ phán xét: ai sẽ chính thức được lên Thiên đàng và ai sẽ phải bị đày xuống Địa ngục, lò lửa đời đời.

Ngừng một chút để nhấp ngụm trà xanh, tôi nói tiếp:

Đấy, tôi nói thế, cô sẽ biết mình phải làm gì và làm như thế nào là đúng Đạo.

Đ.T

(SG, 14/02/2024).

Chuyện quê

Đình Thanh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/du-am-ngay-tet-a23293.html
Zalo