Mẹ chồng tôi
Hai năm trôi qua, lộng giả thành chân, tôi và anh đã về sống chung một nhà. Một điều thần kỳ đã đến với gia đình tôi. 43 tuổi tôi mang thai và sinh một thằng cu cho mẹ chồng tôi bế bồng.
Thảo và tôi cùng làng, anh hơn tôi ba tuổi. Chúng tôi thân thiết nhau từ khi còn nhỏ. Bởi vậy tình yêu của hai đứa đến thật tự nhiên.
Mối tình này cả hai gia đình đều biết và hết lòng vun vén. Nhà Thảo khá neo người, chỉ có hai chị em. Bố anh mất sớm từ thời Pháp. Người chị dạy học và lập nghiệp trên Tây Bắc. Thường ngày tôi chạy qua chạy lại giữa hai nhà. Khi thì biếu bà bát canh cua nấu rau mồng tơi, lúc củ khoai, cái bắp ngô.
Hai nhà hẹn ước sau khi Thảo tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định sẽ làm lễ cưới hỏi.
Nhưng người tính không bằng trời tính, năm 1971 chiến trường miền Nam cần nhiều nhân tài, vật lực nên vừa bước vào năm thứ ba đại học, anh tình nguyện nhập ngũ.
Kể từ đó tôi năng sang chăm sóc bà nhiều hơn. Từ ngày cha mẹ tôi lên tỉnh ở với con trai cả, tôi chuyển hẳn sang ở với mẹ chồng tương lai cho tiện bề chăm sóc. Tôi dành tình thương như của một đứa con gái cho mẹ đẻ. Người làng cũng coi tôi là dâu con của mẹ.
Một chiều mùa đông năm 1972, ủy ban xã báo tin Thảo đã hy sinh. Mẹ cầm tờ giấy báo tử và nhìn vào đó rất lâu như đang hình dung khuôn mặt của đứa con trai duy nhất. Mẹ lặng lẽ đặt tờ giấy xuống bàn rồi bỏ ra ngoài. Trời đang đổ mưa, gió bấc thổi cắt da, cắt thịt. Tôi vội đi theo mẹ an ủi, chỉ lo bà nghĩ quẩn.
Tôi dỗ dành mẹ và cũng là để động viên mình: “Mẹ ơi, về đi. Chắc gì tin này đã chính xác. Khối người đã báo tử mà vẫn mạnh khỏe trở về”.
Tôi muốn truyền niềm tin mong manh cho mẹ. Mẹ con tôi bám vào niềm tin ấy để gồng mình vượt qua những ngày giông bão. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì sợ. Tôi sợ đến một ngày nào đó phải công nhận tin Thảo hy sinh là sự thật. Dẫu sao tôi cũng chỉ là một người con gái yếu đuối.
Năm năm, mười năm rồi hai mươi năm trôi qua. Những người có thể trở về đã về. Nhưng Thảo của tôi vẫn "bóng chim tăm cá".
Từ ngày nhận giấy báo tử của Thảo, mẹ vào ra như cái bóng, ăn uống thất thường, sức khỏe yếu dần. Lúc mê, lúc tỉnh, rồi mẹ đâm ra lẩn thẩn. Mẹ như một đứa trẻ. Nhiều đêm mẹ ngủ mê gọi tên con trai. Một lần tôi nghe mẹ lẩm bẩm: “Sao đi lâu thế Thảo ơi?”. Lần khác mẹ giận dỗi: “Đã thế tao chẳng thèm mong nữa. Mày muốn đi đến bao giờ cũng được”.
Nghe mẹ than vãn, lòng tôi đau như cắt. Tôi hiểu thế nào là nuốt ngược nước mắt vào trong. Người ta bảo thời gian là phương thuốc nhiệm mầu xoa dịu mọi nỗi đau. Nhưng với mẹ, hình như nỗi nhớ càng đầy thêm. Bây giờ tôi cũng không còn trẻ nữa, ước mơ được một lần bước lên xe hoa nằm im trong ký ức. Tôi dành nhiều thời gian lo cho mẹ. Mỗi lần đi làm tôi luôn phải khóa chặt cổng, sợ mẹ đi lang thang rồi lạc. Tôi biết làm vậy là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Hằng năm căn cứ ngày ghi trên giấy báo tử tôi lặng lẽ làm giỗ Thảo mà không dám nói cho mẹ biết.
Chiều nay, một cơn mưa đổ xuống đúng lúc tan tầm. Không hiểu sao tôi lại cố đạp xe đến quán sửa xe của Hải, một thương binh hạng 1/4. Hải đẩy cái ghế ra trước mặt tôi, trách nhẹ: “Mùa này thường có những cơn mưa bất chợt, nếu ra ngoài chị nên mang theo áo mưa”.
Ngồi chờ mưa tạnh, nhìn hai bàn tay thoăn thoắt làm việc của Hải, tôi khẽ thở dài. Ngày xưa Hải cũng có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Năm 1971, anh nhập ngũ. Cuối năm 1972, một trái bom của giặc Mỹ rơi trúng nhà Hải giữa lúc cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm. Ngày chiến thắng Hải trở về không còn người thân thích. Chính Hải cũng bỏ lại chiến trường một phần thân thể của mình.
Tôi lại nhớ lần đầu quen biết Hải. Vào một buổi trưa mùa hè đầy nắng, chiếc xe đạp của tôi giở chứng hết hơi. Do trong túi không có tiền nên tôi lầm lũi dắt xe qua nhiều cửa hàng sửa chữa ven đường. Cái nóng từ mặt đường nhựa bốc lên hầm hập, mồ hôi túa đầy lưng áo. Tôi lo lắng mẹ chồng giờ này chắc đã đói. Chợt có tiếng gọi: “Này chị kia, xe làm sao thế? Vào đây tôi sửa cho”.
Tôi giật mình. Đó là tiếng gọi của một thợ sửa xe bị cụt cả hai chân. Trước đây vài lần đi qua tôi đã nhìn thấy. Anh ngồi trên cái ghế thấp bảo: “Chị cho xe lại gần đây để tôi xem”. Tôi lúng túng nhưng vẫn dắt xe vào sát bên anh: “Vâng, xe tôi bị xẹp lốp sau ạ. Nhưng tôi không có tiền”. Anh cười xòa: “Một miếng vá có đáng là bao”.
Bằng đôi tay rắn chắc và thành thạo, anh nhanh chóng lôi cái xăm ra khỏi vỏ. Nheo một bên mắt, anh bảo tôi: “Chị có thể cho cái xăm này nghỉ hưu được rồi. Nó đã vá sáu bảy miếng. Đi thế này nguy hiểm lắm”. Tôi ngượng ngập nói: “Anh thông cảm, tôi chưa đến kỳ lương”. “Không sao cả. Tôi sẽ thay cho chị để an toàn. Cứ coi như tôi cho chị vay, lúc nào có thì mang trả”.
Từ đó tôi quen Hải. Ngày nào đi làm qua tôi cũng nhìn vào quán của Hải giơ tay chào. Anh gật đầu cười như chào lại. Hơn nửa tháng sau tôi nhận lương, nhưng qua cửa hàng không thấy anh. Hỏi thăm, chủ nhà cho biết Hải chuẩn bị đi mổ do vết thương cũ tái phát. Tôi tìm đến nhà anh.
Nhà Hải nằm sâu trong một con hẻm. Thấy tôi, anh ngạc nhiên hỏi: “Sao ... sao chị biết nhà tôi?”. Tôi nói: “À... ờ... Tôi hỏi thăm chủ nhà nơi anh ngồi nhờ. Ông ấy bảo anh chuẩn bị nhập viện. Tiện thể gửi anh số tiền đã sửa xe cho tôi hôm lâu. Rất cảm ơn anh!”.
Khi ra về chẳng hiểu sao tôi lại nói: “À quên, sau khi mổ xong chắc sẽ có nhiều việc cần làm, xin anh cứ nói xem tôi có giúp được gì không”. Anh cười: “Xin cảm ơn trước, chị định trả lãi đấy à?”. Tôi bước nhanh ra khỏi nhà, hai má nóng bừng. Chẳng biết do nắng hay do câu nói bất chợt của mình.
Chiều nay, tôi nghỉ một ngày lặng lẽ làm giỗ Thảo. Mẹ hỏi: “Hôm nay là ngày gì mà con vẽ vời ra thế?”. Tôi nói dối: “À... con được thưởng do lao động tích cực. Mẹ con mình cũng phải có lúc bồi dưỡng chứ”. Nhìn những con cá rán, miếng thịt bò chiên vàng, mẹ bảo: “Ngày xưa thằng Thảo thích ăn cá rán lắm. Mỗi lần đi câu được con nào là bắt mẹ rán giòn. Khổ, thời bao cấp đào đâu ra nhiều mỡ mà đòi rán giòn”. Điều này thì tôi biết. Nhiều lần tôi trách Thảo là con nhà lính tính nhà quan. Nhưng hôm nay nghe mẹ nói tôi rất mừng. Dường như trí nhớ của mẹ đang hồi phục. Mấy năm nay mẹ đã chịu uống thuốc, bữa cơm ăn được nhiều, sức khỏe cũng khá hơn. Đôi khi mẹ còn quét nhà, nhặt rau giúp tôi.
Mâm cơm cúng hạ xuống bàn, mẹ bảo: “Hai mẹ con mình ăn một nửa đĩa cá rán này thôi. Biết đâu đêm nay thằng Thảo nó về”. Tôi choáng váng. Vậy là mẹ vẫn còn nhớ nhớ quên quên. Tôi nói: “Mẹ con mình cứ ăn thỏa thích. Chừng nào nhà con về con lại mua. Con được thưởng nhiều tiền lắm”. Mẹ cười.
Vừa lúc đó một cái xe lăn dừng ngay trước cửa nhà tôi. Ngồi trên xe là Hải. Tôi chưa kịp phản ứng thì mẹ chồng tôi đã lao ra như người khỏe mạnh. Mẹ nói như reo: “Ôi, thằng Thảo của mẹ về rồi ư con? Mày tệ lắm con ạ, để mẹ trông ngóng ngày nọ, qua ngày kia. Mày đi đâu mà lâu thế?”. Đôi tay mẹ lần lần hết người đến mặt Hải. Mẹ ghì chặt đầu Hải vào khuôn ngực gầy lép của mình nửa khóc nửa cười.
Tôi vội ngăn mẹ lại: “Mẹ ơi, không phải nhà con đâu. Đây là anh Hải, thợ sửa xe đầu xã”. Mẹ buông Hải ra, trừng mắt nói: “Chị nói dối tôi phải không? Đúng thằng Thảo rồi. Con tôi, tôi phải nhận ra chứ. Con bị thương hả? Bị cụt hai chân hả? Thật tội nghiệp con tôi”. Lần đầu tiên mẹ vui, mẹ nói câu dài nhất kể từ ngày Thảo hy sinh.
Hải ngỡ ngàng. Hình như anh hiểu hoàn cảnh gia đình tôi. Anh nói khẽ: “Bà tưởng tôi là anh Thảo. Nếu bà tin và vui như vậy thì cứ để cho bà vui. Tuổi bà niềm vui chẳng còn bao nhiêu”. Tôi im lặng nhìn Hải thay lời cảm ơn.
Đúng như Hải nói, từ ngày Thảo hy sinh niềm vui đến với mẹ chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mẹ nhìn Hải không chớp mắt: “Dù hình hài con có thay đổi thế nào, mẹ vẫn nhận ra con. Bởi con là máu thịt của cha mẹ”. Hải cầm tay mẹ chồng tôi khẽ khàng: “Mẹ ơi, từ nay con sẽ không đi đâu nữa. Mẹ có vui không?”. Mẹ bật khóc. Nước mắt mẹ chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo: “Mẹ vui, vui lắm con ơi. Con ngồi xuống đây ăn cơm. Có cá rán vàng là món con thích”. Tôi nói thầm với Hải: “Anh ở lại ăn cơm với mẹ con tôi nhé”. Hải gật đầu. Anh phải cố đóng trọn vai diễn bất đắc dĩ của mình.
Tối muộn, Hải xin phép về. Mẹ hỏi: “Con còn đi đâu nữa?”. Hải nói: “Con phải về viện điều trị vết thương cũ. Sang tuần con sẽ được mổ”. Điều này Hải nói thật. Mảnh đạn cuối cùng sẽ được gắp khỏi cơ thể anh. Hải sẽ bớt đau đớn mỗi khi trái gió trở trời.
Những ngày Hải nằm viện, mẹ tôi lúc nào cũng bên anh. Mẹ chăm chút cho anh từng chút một. Ai hỏi, mẹ cũng khoe: “Con trai tôi đi chiến trường mới về”. Cả tôi và Hải bị rơi vào hoàn cảnh khó xử. Dẫu có thanh minh thế nào mẹ cũng không tin. Nhiều lúc mẹ còn nổi giận mắng tôi nói dối.
Một điều không thể phủ nhận là từ ngày mẹ gặp Hải, sức khỏe mẹ tốt lên rõ rệt. Ngày Hải sắp ra viện, mẹ bảo tôi: “Chiều nay con mua một cái giường nhỏ cho mẹ, cái giường to dành cho vợ chồng con”. Tôi chết lặng. Chúng tôi là bạn không hơn không kém. Chỉ vì niềm vui của mẹ mà phải diễn trọn vai.
*
Hai năm trôi qua, lộng giả thành chân, tôi và Hải đã về sống chung một nhà. Một điều thần kỳ đã đến với gia đình tôi. 43 tuổi tôi mang thai và sinh một thằng cu cho mẹ bế bồng.
Mẹ chồng tôi vui lắm. Căn bệnh mê tỉnh của mẹ không còn nữa. Trong nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Hằng ngày tôi và Hải đi làm, mẹ ở nhà trông cháu.
Hôm nay là ngày giỗ của Thảo. Sau khi bày biện tinh tươm cỗ bàn, mẹ đứng trước, vợ chồng tôi đứng sau chắp tay thành kính. Mẹ khấn rành rọt với người đã khuất: “Thảo ơi, mẹ biết con không còn nữa. Người yêu con đã chăm sóc mẹ hơn hai mươi năm qua. Mẹ thấy nhà mình thật có phúc. Giờ nó cũng phải có bầu bạn. Nó không thể lủi thủi mãi được, nhất là khi mẹ trăm tuổi. Người yêu con đáng được hưởng mọi điều tốt đẹp”.
Chao ôi, sống với mẹ mấy chục năm mà tôi chưa hiểu hết lòng mẹ...