Đột phá từ Chỉ thị số 40-CT/TW (Kỳ 3)

Hiệu quả của tín dụng chính sách đem đến không chỉ là giá trị kinh tế mà hơn cả là những vấn đề xã hội được giải quyết, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người nghèo, người yếu thế đã từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trên cơ sở hòa hợp ý đảng, lòng dân.

Kỳ 3: Khi ý Đảng hợp lòng dân

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đến đến 30/9/2024, tổng dư nợ các chương trình chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.148.650 triệu đồng, tăng khoảng 155% so với trước khi có Chỉ thị số 40. Điều đáng nói là trong tổng nguồn vốn này thì vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng hơn 3.213% so với trước khi có Chỉ thị, đạt trên 407 tỷ đồng. Sự tăng trưởng ấn tượng này là kết quả của sự chuyển biến từ tư duy nhận thức đến hành động, với nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương về tín dụng chính sách xã hội.

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn chia sẻ: Kim Sơn là huyện ven biển, dân số đông, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cao, nhất là nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, huyện chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác tín dụng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả. Việc huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội cũng là nhiệm vụ được địa phương quan tâm. Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng hằng năm UBND huyện đều cân đối, bố trí vốn chuyển sang NHCSXH huyện để bổ sung nguồn lực cho vay, năm 2024 là 11,7 tỷ đồng, tăng 100% so với trước khi có Chỉ thị.

Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kim Sơn đạt khoảng 835,5 tỷ đồng, tăng 556,7 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt xấp xỉ 20%, với trên 51,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn và hơn 16 nghìn khách hàng còn dư nợ. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách, 10 năm qua đã có trên 6,8 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã kịp thời giải ngân nguồn vốn, hỗ trợ khách hàng trên địa bàn khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra (Trong ảnh: giải ngân vốn tại Điểm giao dịch xã Gia Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình)

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã kịp thời giải ngân nguồn vốn, hỗ trợ khách hàng trên địa bàn khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra (Trong ảnh: giải ngân vốn tại Điểm giao dịch xã Gia Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình)

Thực tế, không chỉ có huyện Kim Sơn, bám sát nội dung của Chỉ thị số 40, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Ninh Bình đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Theo đó, đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của đơn vị trên địa bàn; cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; bám sát, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp với Ngân hàng trong việc thực hiện các chương trình tín dụng; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan lồng ghép hoạt động tín dụng với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.

Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp được thực hiện thường xuyên, nhất là sau khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, từ đó đã nâng cao năng lực hoạt động; các chủ trương, chính sách được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc được Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở.

Cùng với sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm của cán bộ và nhân viên NHCSXH không quản khó khăn, vất vả..., đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ Nhân dân đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo nên thành công chung của Chỉ thị số 40.

Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH đã khắc phục được tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống Nhân dân được nâng lên, điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh, vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho gần 591 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt gần 12.054 tỷ đồng. Nguồn vốn góp phần giúp gần 81 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 78.630 lao động, 83 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng; 70.277 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ gần 1.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; xây dựng 348.571 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 1.700 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Rõ ràng hiệu quả đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tính bằng những giá trị kinh tế đạt được mà còn là điểm tựa vững chắc cho người nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh triển khai mở rộng cuộc vận động “Vì người nghèo”, xem xét gửi các quỹ, các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi vào NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn.

Đồng chí Phạm Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ của NHCSXH hiện tại cũng như trong tương lai không vì thế mà vơi nhẹ. Những rủi ro bất định trong phát triển kinh tế đang trở thành thách thức cho công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.

Trên chặng đường ấy, không chỉ những nỗ lực của NHCSXH, mà cần có sự chung tay hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương. Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Về phía Ngân hàng, chúng tôi tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù. Trong đó, tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ Nhân dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp và hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ. Gắn hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ với việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm rủi ro. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, phù hợp với hoạt động đặc thù của tín dụng chính sách xã hội.

Nguyễn Lựu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dot-pha-tu-chi-thi-so-40-cttw-ky-3-158917.html
Zalo