Kiên Giang đưa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng vào cuộc sống (Kỳ 3)

Đến tháng 11/2024, tỉnh Kiên Giang có 112/143 xã nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao và 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. 'Quả ngọt' này có được là nhờ sự chung sức, đồng lòng của cấp, ủy quyền và nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò 'đòn bẫy' của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Kỳ cuối: Tiếp sức xây dựng nông thôn mới

Gỡ vướng tiêu chí khó

Bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 khi Chính phủ đề ra chương trình mục tiêu quốc gia cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, cái khó của nhiều địa phương vùng nông thôn ở Kiên Giang là tình trạng cầu tiêu trên sông. Thực trạng này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường, một trong những tiêu chí khó đạt trong xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn Kiên Giang xanh, sạch, đẹp

Nông thôn Kiên Giang xanh, sạch, đẹp

Đồng chí Danh Đức Thuần - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng (Châu Thành) kể: “Khi ấp mở chiến dịch tháo dở cầu tiêu trên sông, đa số người dân lúc đó nói họ sẵn sàng làm theo Nhà nước nhưng vấn đề sau đó là đi tiêu ở đâu? Tất cả những hộ đã dẹp bỏ cầu cho biết toàn đi tiêu ngoài đồng”. Một số hộ tại ấp Tân Lợi lúc bấy giờ cũng cho biết, nếu cấm cầu tiêu trên sông thì họ làm cầu cá trong đìa sau nhà bởi không có tiền, không có đất. Nhiều hộ than phiền là “Nhà nước bảo dẹp cầu tiêu mà không chỉ cách làm cầu tiêu”. Bên cạnh những hộ chấp hành, có hộ còn nói lời nặng nhẹ, thậm chí chửi thẳng mặt cán bộ khi bị yêu cầu tháo dỡ cầu tiêu trên sông. Thời gian dài căng thẳng, không khí xóm ấp như ngột ngạt hơn. Vấn đề dẹp bỏ cầu tiêu trên sông, sau nhà trở thành vấn đề “nóng”, được đưa ra bàn bạc trong nhiều cuộc họp của ấp, của xã lẫn của tỉnh. Và giải pháp đươc đưa ra lúc bấy giờ là đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để người dân làm công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại nhà.

“Cũng từ đó, cán bộ lãnh đạo không chỉ tuyên truyền suông. Đi đôi với vận động, thuyết phục, ấp còn tăng cường xét cho vay nguồn vốn để dân làm công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nên được dân đồng thuận. Đến năm 2019, toàn ấp 100% hộ đều có nhà vệ sinh đúng quy định, chấm dứt tình trạng cầu tiêu trên sông hay cầu cá tạm bợ”, đồng chí Danh Đức Thuần nói.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang, chỉ trong vòng 10 năm, toàn tỉnh đã có 289.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã được người dân đầu tư từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Giờ ven các tuyến kênh của các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, hình ảnh cầu tiêu trên lòng kênh đã không còn tái diễn. Nét mỹ quan vùng thôn quê được gìn giữ, sức khỏe người dân được đảm bảo hơn.

Tiếp sức hợp tác xã

Những ngày cuối năm 2024, không khí làm việc tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận) thêm phần tất bật để kịp cung ứng đơn hàng cho thị trường tết. Hợp tác xã này vừa được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Vĩnh Thuận giải ngân 520 triệu đồng nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển sản phẩm OCOP.

Người dân làng nghề truyền thống đan đát lục bình ấp Ruộng Sạ 2 đan đát sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu

Người dân làng nghề truyền thống đan đát lục bình ấp Ruộng Sạ 2 đan đát sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu

Được thành lập năm 2019, hiện Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát của huyện Vĩnh Thuận có 5 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm khô cá lóc, khô cá kèo, tôm khô, mắm cá lóc, tôm chua. Sử dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương, bình quân mỗi năm hợp tác xã này tiêu thụ đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 20 tấn các, tôm khô các loại. “Chỉ tính riêng sản lượng tôm nguyên liệu, bình quân mỗi năm hợp tác xã này thu mua từ 70-80 tấn tôm nguyên liệu, góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho nông dân nuôi tôm trong huyện. Có được nguồn vốn chính sách hỗ trợ lúc này giúp hợp tác xã có kinh phí đầu tư nhà xưởng, máy móc, bao bì, nhãn hàng hóa phục vụ sản xuất”, chị Lê Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát cho biết.

Ngoài sản xuất tôm, cá khô và mắm các loại, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát còn hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đan đát từ lục bình, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động tại làng nghề đan đát lục bình của ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Đang cùng 6 người phụ nữ khác đan đát giỏ đựng trái cây từ lục bình tại nhà xưởng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, bà Nguyễn Thị Tiến nói: “Từ tết năm ngoái tới giờ đơn hàng có liên tục nên bà con phải tăng ca để kịp giao hàng. Tôi 63 tuổi rồi, ngồi đan giỏi vầy cũng nhẹ, kiếm được từ 60.000-70.000 đồng/ngày. Những người trẻ hơn thì thu nhập gấp 2-3 lần”.

Tiếp thêm nguồn lực

Tỷ lệ nguồn vốn địa phương tăng lên đáng kể, nhất là nguồn vốn ngân sách nhà nước ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cân đối nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền gần 500 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, tăng 470 tỷ đồng so với thời điểm năm 2014. Có 15/15 đơn vị nhận ủy thác từ ngân sách địa phương và vượt chỉ tiêu được giao.

Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí tại Ủy ban nhân dân xã Đông Yên (An Biên) giúp người dân tiết kiệm chi phí đi lại

Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí tại Ủy ban nhân dân xã Đông Yên (An Biên) giúp người dân tiết kiệm chi phí đi lại

Đồng chí Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: “Nguồn vốn ủy thác địa phương của Kiên Giang đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là điểm tích cực thể hiện các cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc dành nguồn vốn ngân sách địa phương cho việc thực hiện chính sách xã hội, chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần đưa Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư vào cuộc sống, làm thay đổi căn bản diện mạo tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Từ nguồn vốn trên, đã góp phần giúp cho trên 3.000 lượt hộ nghèo, gần 1.500 lượt hộ cận nghèo và hơn 300 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền các địa phương có thêm nguồn lực cùng nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội. Số hộ nghèo đến cuối năm 2023 là 11.000 hộ, chiếm tỷ lệ 1,28%, hộ cận nghèo còn 2,23%.

Đồng chí Huỳnh Văn Thuận (thứ 5, từ phải qua) - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội và Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư

Đồng chí Huỳnh Văn Thuận (thứ 5, từ phải qua) - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội và Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư

Để tiếp tục thực hiện thành công Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 39/CT-TW, ngày 30-10-2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Kiên Giang đã có văn bản chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn nữa đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nói: “Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện hàng năm xem xét, cân đối bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo nhu cầu vốn vay của người dân trong tạo việc làm, mở rộng việc làm, nhà ở xã hội... Về lâu dài, nghiên cứu xây dựng đề án bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cho giai đoạn 2026-2030. Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cân đối bố trí từ các nguồn vốn ủy thác để đảm bảo đến năm 2030 đạt tối thiểu 15% theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh (thứ hai, từ phải qua) thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của ngư dân huyện Kiên Lương

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh (thứ hai, từ phải qua) thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của ngư dân huyện Kiên Lương

Theo đồng chí Đỗ Thanh Bình, hiện nay, sản lượng hải sản khai thác từ biển đang giảm dần do thực hiện chủ trương giảm khai thác, tăng cường nuôi trồng thủy sản, một bộ phận người dân sống bằng nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn. Do đó, Tỉnh ủy chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu, đề xuất nguồn vốn để cho vay chuyển đổi nghề cho một bộ phận người dân từ khai thác sang nghề khác, hoặc nuôi trên biển. “Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao thức của người dân. Nghĩa là người dân phải có khát khao, khát vọng vươn lên để làm sao cho mình khá hơn, không còn nghèo khó. Dân giàu thì tỉnh mới mạnh, đó là quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh”, đồng chí Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Thực tế 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một giải pháp sáng tạo có tinh thần nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các chương trình, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Bài và ảnh: Đặng Linh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/kien-giang-dua-chi-thi-so-40-cttw-cua-ban-bi-thu-trung-uong-dang-vao-cuoc-song-ky-3-158930.html
Zalo