Dòng vốn FDI đổ vào bất động sản công nghiệp

Theo Cushman & Wakefield ước tính, dự kiến từ nay và 3 năm tiếp theo, có khoảng 6.200 ha đất khu công nghiệp sẽ được đưa ra thị trường.

Thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng sẽ có thêm nguồn cung trong tương lai lần lượt là 1,4 triệu m2 và 1,9 triệu m2. Trong đó, 55% nguồn cung tương lai sẽ nằm ở tỉnh Đồng Nai, nơi có Sân bay Long Thành. Bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp hồi phục trở lại nhờ dòng vốn FDI mới vào Việt Nam và tiêu dùng nội địa tăng. Nhu cầu đến từ nhiều ngành khác nhau, từ các ngành truyền thống như nhựa, sản xuất phương tiện giao thông và thức ăn chăn nuôi, đến các ngành giá trị gia tăng cao như điện tử và dược phẩm.

“Chính nhờ tâm lý thị trường tích cực đã thúc đẩy vốn vào đất công nghiệp đạt 79 ha trong 6 tháng đầu năm. Thời gian tới, triển vọng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn rất tươi sáng. Các nhà đầu tư và nhà sản xuất trong và ngoài nước cũng đang dần để mắt tới các tỉnh xa hơn ở miền Trung và khu vực ĐBSCL nhờ giá đất cạnh tranh, chiến lược thu hút FDI tích cực và hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện”, bà Trang Bùi cho biết thêm.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính tới cuối tháng 7, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 70,4% tổng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; được rót chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo. Sự phát triển của các lĩnh vực đó lại tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp, nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng để đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ.

Theo phân tích của chuyên gia Savills, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại nhờ tình hình chính trị, kinh tế ổn định và chi phí nhân công cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, bất động sản ghi nhận tăng trưởng nổi trội với phân khúc căn hộ dịch vụ và bất động sản công nghiệp, do thu hút nhiều chuyên gia quốc tế đến làm việc, tạo nên một tệp khách hàng chủ chốt cho thị trường này. Họ thường lựa chọn thuê căn hộ dịch vụ do các đơn vị quốc tế quản lý vận hành, đáp ứng được nhiều yêu cầu về chất lượng dịch vụ nguồn vốn.

Hiện nay, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư cũng giúp Việt Nam trở thành một điểm đến được nhiều cân nhắc. Mới đây, Tập đoàn Nvidia từ Hoa Kỳ đã cam kết đưa Việt Nam thành một trung tâm công nghệ mới với thỏa thuận trị giá 200 triệu USD; hay Hana Micron từ Hàn Quốc và Intel là những dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD… Cùng với đó, phát triển khu công nghiệp xanh cũng đang là xu hướng chủ đạo không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Vì vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn. Hơn nữa, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, nhu cầu bất động sản công nghiệp xanh không chỉ đến từ việc phát triển bền vững trong ngành sản xuất mà còn từ yêu cầu của Chính phủ.

Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cả nước hiện có 418 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha đất, bao gồm 371 khu nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu nằm trong các khu kinh tế ven biển và 8 khu nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút hơn 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây. Tính trung bình, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 75%. Trong đó, tại các tỉnh trọng điểm phía Bắc là 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.

Đại diện VARS cho rằng, nhờ vào môi trường chính trị ổn định và các chính sách ưu đãi thuế, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sự phát triển mạnh của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics đã giúp kết nối tốt hơn giữa các khu công nghiệp và các thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước. Cùng với đó là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã góp phần quan trọng thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

“Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia, cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng, hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ trong tương lai”, đại diện VARS khẳng định.

Minh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dong-von-fdi-do-vao-bat-dong-san-cong-nghiep-154538.html
Zalo