Đồng Nai đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, Đồng Nai thúc đẩy các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển về thương mại điện tử, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả bán hàng, quảng bá thông qua các kênh về thương mại điện tử.
Trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ở Đồng Nai ngày càng được mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.
Ngày 13/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số: 87/KH-UBND về Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó hướng tới mục tiêu tiếp tục giữ vững chỉ số xếp hạng thương mại điện tử của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước.
Nội dung nhằm triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, đưa thương mại điện tử trở thành một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh; hoạt động tiêu dùng hàng ngày của người dân; góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và năng lực canh tranh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; ứng dụng công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, năm 2022 và 2023, UBND tỉnh cũng ban hành các kế hoạch phát triển thương mại theo từng năm.
Giữa tháng 11 vừa qua, Sở Công thương Đồng Nai tổ chức Hội nghị Toàn cảnh thương mại điện tử, công bố kết quả điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh với mốc là năm 2022.
Cuộc khảo sát do Sở Công thương và Cục Thống kê Đồng Nai phối hợp thực hiện, khảo sát khoảng 3,9 ngàn doanh nghiệp và gần 1,2 ngàn hộ gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh thu thương mại điện tử trên doanh thu bán lẻ năm 2022 đạt 7,61% đối với doanh nghiệp và đạt 9,17% đối với hộ gia đình (cá thể). Tính chung tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử /tổng doanh thu bán lẻ toàn tỉnh đạt 8,15%.
Kết quả điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử năm 2022 trên địa bàn Đồng Nai là căn cứ khoa học để các sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về chiến lược, giải pháp phát triển thương mại điện tử.
Số liệu từ kết quả điều tra, khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2022 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử (điện thoại/fax, email, website của doanh nghiệp, ứng dụng trên điện thoại, website sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội) chiếm hơn 71,2% tổng số doanh nghiệp được điều tra.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) Việt Nam năm 2024 vừa được Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số EBI của Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước, tương đương thứ hạng năm ngoái. Chỉ số này được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần, gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Trên thực tế, bên cạnh những tiềm năng, cơ hội thì việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Một trong những khó khăn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử chưa thật sự chủ động, tích cực vận hành gian hàng, cập nhật thông tin giới thiệu, quảng bá sản phẩm, giá cả hàng hóa, hình ảnh sản phẩm phong phú, đa dạng, bắt mắt; tối ưu các bài viết, hình ảnh đăng tải trên sàn phù hợp với công cụ tìm kiếm trên Google.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, Đồng Nai sẽ thúc đẩy các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển về thương mại điện tử. Trong đó, tập trung các hoạt động chuỗi tập huấn về thương mại điện tử theo các chủ đề có tính liên kết và đi sâu vào đào tạo, hỗ trợ cho nhân sự về thương mại điện tử của các doanh nghiệp thực thi, thực hành các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng, quảng bá thông qua các kênh về thương mại điện tử.