Giải quyết tình trạng cá nước lạnh cung không đủ cầu

Ngoài tận dụng tốt diện tích mặt nước vốn không thích hợp để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt truyền thống, việc phát triển nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm...) ở các địa bàn miền núi phía Bắc còn góp phần tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thời gian qua, việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả nên chưa nâng cao được năng suất và đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.

Lồng nuôi cá Tầm trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Lồng nuôi cá Tầm trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Còn nhiều thách thức

Các loài cá nước lạnh là đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao, nhất là trứng cá tầm muối (Caviar) được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức. Với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, hiện nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; trong đó, Lâm Đồng và Lào Cai đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất, nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi có quy mô lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển nuôi cá nước lạnh tại các tỉnh vùng núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ ống, lũ quét, hạn hán. Điển hình, tại Lào Cai, hoàn lưu cơn bão số 3 vừa qua đã khiến 120 hộ nuôi cá ở Sa Pa bị thiệt hại gần 500.000 con cá giống và trên 100 tấn cá thương phẩm, cùng hệ thống hạ tầng, ước tổng thiệt hại trên 60 tỷ đồng.

Hợp tác xã Thức Mai (Sa Pa) là cơ sở cá hồi cá tầm thương phẩm lớn của Lào Cai. Đợt lũ quét vào trung tuần tháng 9/2024 đã phá hủy hoàn toàn một trang trại cá nước lạnh của gia đình chị Phạm Thị Mai - Giám đốc Hợp tác xã, cuốn trôi hàng vạn con giống. Chị Mai cho biết, do các bể này ở vị trí gần suối, địa hình phức tạp nên việc tiếp cận máy móc rất khó khăn. Bởi vậy, gia đình phải mất nhiều thời gian, công sức để gia cố bể hỏng, nạo vét và khử khuẩn các ao trước khi thả nuôi trở lại.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thanh Hải Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, hiện trên địa bàn các tỉnh phía Bắc có khoảng 1.200 cơ sở nuôi cá nước lạnh, chủ yếu tập trung tại một số địa bàn của tỉnh Lào Cai như Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn… Các trang trại chủ yếu được xây dựng tập trung dọc theo các triền suối và nuôi lồng trên các hồ chứa nước thủy điện, chủ yếu xây dựng tận dụng nguồn nước và diện tích đất sẵn có mà không theo quy hoạch.

Điều này dẫn đến một số hệ lụy do trang trại ở phía dưới sử dụng lại nguồn nước của trang trại phía trên thải ra nên việc ô nhiễm nguồn nước, khả năng lây nhiễm bệnh và việc xử lý bệnh rất khó khăn. Ngoài ra, việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn nên còn tình trạng xảy ra tranh chấp về nguồn nước trong mùa khô.

Bên cạnh đó, việc nuôi cá nước lạnh tại các tỉnh phía Bắc còn có nhiều tồn tại do liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại điển hình, quy mô lớn; chủ yếu liên kết theo từng khâu trong sản xuất (liên kết trong cung ứng giống, thức ăn), chưa hình thành nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm chế biến chưa đa dạng.

Đặc biệt, các hộ nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lai Châu và Yên Bái cho biết, họ đều gặp phải những khó khăn chung về con giống. Các địa phương này chưa sản xuất được con giống, đang phải nhập trứng và con giống, ngoài ra nguồn nhập khẩu không ổn định nên rất khó khăn trong việc lập kế hoạch, đầu tư sản xuất. Trên địa bàn các tỉnh không có chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông để kiểm soát hoạt động nhập giống vào địa bàn tỉnh gây khó khăn trong công tác kiểm soát nguồn gốc và chất lượng con giống. Nguồn thức ăn chưa chủ động được phải nhập từ các tỉnh khác về, thậm chí phải nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thức ăn cao, nguồn cung không ổn định dẫn đến giá thành sản xuất cao.

Giải quyết tình trạng cung không đủ cầu

Được xem là một mặt hàng tương đối mới, có giá trị cao nên những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá hồi, cá tầm nuôi trong nước xu hướng gia tăng với thị trường tiêu thụ tập trung tại các thành phố lớn, các thành phố phát triển du lịch như: Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, … Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những thách thức, khó khăn trên đã khiến thị trường cá nước lạnh nói chung ở Việt Nam đang ở trong tình trạng "cung không đủ cầu". Hiện nay, sản lượng cá chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, thậm chí ngay tại khu du lịch quốc gia Sa Pa, Lào Cai.

Để khắc phục tình trạng này, tại diễn đàn khuyến nông "Phát triển nuôi cá nước lạnh hiệu quả và bền vững tại các tỉnh phía Bắc" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức tại thành phố Lào Cai vào ngày 29/11, các đại biểu thống nhất cần có sự phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, khoa học công nghệ, các chính sách về đầu tư, tín dụng và thị trường.

Bà Phạm Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã Thức Mai gợi ý, các chủ cơ sở chăn nuôi tích cực áp dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất; áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường (mô hình sử dụng nước tuần hoàn, sông trong ao ...); phát triển công nghệ chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đa dạng, phục vụ thị trường cao cấp, đưa mặt hàng cá nước lạnh vào các siêu thị tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm ngày càng nhiều, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Đại diện Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đề xuất, cần tiếp tục nâng cao năng suất và năng lực sản xuất giống của các đơn vị đang triển thực hiện sản xuất giống nhân tạo cá tầm, đồng thời nghiên cứu di nhập cá giống cá tầm mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nghiên cứu tạo ra các dòng cá tầm lai thích nghi với từng tiểu vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam, nhằm tiến tới chủ động hoàn toàn con giống cá tầm trong nước, cung cấp cho nghề nuôi cá tầm thương phẩm của nước ta phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững

Theo ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn về quy trình phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch cho cá nước lạnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu các sản phẩm cá nước lạnh.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục hỗ trợ các dự án liên kết chuỗi, nuôi áp dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước, thân thiện với môi trường; chủ động chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, các biện pháp phòng trị dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở nuôi và sản xuất giống cá nước lạnh. Trung tâm đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng sản phẩm cá nước lạnh để chủ động trong sản xuất.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh, để phát triển nuôi cá nước lạnh hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị trường, các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng và cá nhân, tập thể tổ chức sản xuất một cách bài bản, phát triển đồng bộ và có quy hoạch, tránh việc tranh chấp nguồn nước; đẩy mạnh hình thức liên kết chuỗi sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt...

Hương Thu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-quyet-tinh-trang-ca-nuoc-lanh-cung-khong-du-cau-20241201093506650.htm
Zalo