Đổi mới tư duy sản xuất, gia tăng giá trị cho cây chè
Việt Nam hiện có gần 130.000ha chè. Diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, sau đó là các khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong những năm qua, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế, giá trị mà cây chè mang lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè
Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai rất phù hợp cho ngành chè phát triển. Việt Nam đã có những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan Tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè B’lao, chè Olong Cầu Đất (Lâm Đồng)... Ngành chè thu hút được một lực lượng lao động lớn, hơn 4 triệu người ở 34 tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Một số địa phương của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (hơn 22.000ha), Lâm Đồng (11.000ha), Hà Giang (21.000ha), Phú Thọ (16.000ha). Hiện nay, nước ta rất đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao.
Trên thực tế, nghề trồng chè, đặc biệt là chè hữu cơ đã giúp cho nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập khá, ổn định cuộc sống. Có thể lấy xã vùng sâu Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai làm minh chứng. Địa phương này có hơn 300 hộ trồng chè Shan Tuyết, với diện tích từ 0,5 tới 3-4ha chè đang cho thu hoạch. Nhiều hộ thoát nghèo và đang làm giàu từ chuyển đổi sang trồng chè Shan Tuyết, làm chè hữu cơ xuất khẩu sang các nước Pháp, Ðức, Hà Lan... Thời gian gần đây, xã Bản Liền có thêm sản phẩm chè Hồng Ðào để xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá cao hơn, mở ra hướng đi mới cho người trồng chè nơi đây.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết, nhằm gia tăng giá trị cho cây chè, những năm qua, Hiệp hội chè Việt Nam và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè. Tỉnh Hà Giang hiện có gần 21.000ha chè, trong đó, hơn 70% diện tích là chè shan tuyết cổ thụ. Địa phương này xác định, đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2016 đến nay, Hà Giang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với số vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng, trong đó, tập trung cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12.000ha (diện tích chè VietGAP là gần 5.000ha; diện tích chè theo hướng hữu cơ là 7.000ha). Tỉnh cũng đã xây dựng được công nhận chỉ dẫn địa lý "Chè Shan Tuyết Hà Giang" cho gần 17.000ha chè trên địa bàn.
Từ năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành "Ðề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020", tập trung đầu tư, hỗ trợ nhân dân tăng diện tích, thay thế diện tích trồng chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt hơn; hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói, cải thiện mẫu mã sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Ðến nay, Thái Nguyên có 17.824ha chè giống mới, chiếm gần 80% diện tích; gần 2.500ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, hàng trăm ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đây là những điều kiện cơ bản tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu chè cũng như gia tăng giá trị cho cây chè.
Đẩy mạnh sản xuất chè chất lượng cao
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích chè cả nước năm 2023 là 122.000ha. Sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra sản lượng chè khô đạt khoảng 196.000 tấn. Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia... Năm 2023, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt khoảng 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD. Đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Ông Hoàng Vĩnh Long cho biết, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Nước ta có trên 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng, sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Dù được xuất khẩu tới nhiều nước, nhưng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. “Mặc dù sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn, nhưng giá trị thu được của mặt hàng này chưa cao, tính cạnh tranh của mặt hàng còn thấp, giá cả sản phẩm không ổn định trên thị trường quốc tế và vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường chính” - ông Long chỉ ra những điểm yếu của ngành chè Việt Nam.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta còn thấp do phần lớn chè xuất khẩu là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu chưa rõ ràng... Điều này khiến chè Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm chè đến từ các quốc gia khác. Do đó, để phát triển bền vững cây chè, theo các chuyên gia, cần thay đổi tư duy sản xuất, chế biến, mở ra hướng thị trường mới cho ngành chè Việt Nam. Để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, từng bước giữ vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế, cần đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, chất lượng cao; nâng cao năng lực chế biến chè; tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế... Giải pháp cho vấn đề này là cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ giống, làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến, bao gói và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hoàng Vĩnh Long nhấn mạnh, trước hết phải tăng cường sản xuất chè hữu cơ, tổ chức sản xuất theo chứng nhận bởi các nước nhập khẩu chè ngày càng yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm, do đó, các đơn vị sản xuất chè của Việt Nam phải tổ chức sản xuất theo chứng nhận, xây dựng mã số vùng trồng theo thị trường và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Về xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè, ông Hoàng Vĩnh Long cho rằng: “Liên kết sản xuất là chìa khóa để xây dựng thương hiệu. Kinh nghiệm ngành chè thế giới đã chứng minh, các cơ sở chế biến phải gắn kết chặt chẽ với một vùng nguyên liệu cụ thể trong một tổ chức, được điều phối tập trung thống nhất tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng liên kết nông - công nghiệp thì sẽ phát triển bền vững”.