Loại bất động sản hưởng lợi nhờ thương mại điện tử bùng nổ
Theo chuyên gia, cần đảm bảo đủ quỹ đất để phát triển các cơ sở phục vụ cho logistics và thương mại điện tử.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và ngành logistics, nhu cầu dành cho các cơ sở nhà kho, trung tâm lưu chuyển, trung tâm logistics tại Việt Nam cũng tăng cao.
Nhu cầu nhà kho tăng nhờ thương mại điện tử
Báo cáo của tổ chức quốc tế Mordor Intelligence, thị trường vận tải và logistics của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 48,6 tỉ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,8%, đạt 72 tỉ USD vào năm 2030.
Chỉ số hiệu suất logistics của Việt Nam cũng tăng lên 3,3 điểm vào năm 2023 nhờ vào sự phát triển của ngành logistics và xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng 25% vào năm 2023, trở thành thị trường phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á và là một trong 10 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Hơn 80% người dùng internet trong nước cho biết có sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến, từ đó thúc đẩy mở rộng thương mại điện tử và thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gia nhập vào lĩnh vực này.
Thương mại điện tử chiếm hơn 60% nền kinh tế số của Việt Nam năm nay, trở thành một trong hai động lực tăng trưởng chính cùng với du lịch trực tuyến. Các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ, bao gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, gần đây đã được gia nhập bởi các ông lớn xuyên biên giới như Shein, Temu… mở rộng thêm lựa chọn cho khách hàng.
Trước bối cảnh đó, nhu cầu dành cho các cơ sở nhà kho, trung tâm lưu chuyển, trung tâm logistics tại Việt Nam cũng tăng cao. Theo báo cáo Tiêu điểm Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2024 của Savills mới công bố, tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn cả nước đạt 15,1 triệu m2, tăng 31% so với năm trước với nguồn cung mới mạnh mẽ tại các tỉnh trọng điểm.
Trong đó, nguồn cung nhà xưởng, nhà kho xây sẵn tại khu vực phía Nam đạt 10,6 triệu m2, trong đó nhà xưởng chiếm 49% và kho bãi chiếm 51%. Tỉ lệ lấp đầy của các phân khúc này đạt 80% với giá thuê trung bình 4,4 USD/m2/tháng.
Tại phía Bắc, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn đạt 4,5 triệu m2, chiếm 30% nguồn cung toàn quốc với tỉ lệ phân bổ là 61% nhà xưởng và 39% là tài sản kho bãi. Tỉ lệ lấp đầy chung đạt 80% với giá thuê trung bình ở mức 5% USD/m2/tháng.
Cần chú trọng quỹ đất cho logistics và kho bãi
Để đáp ứng nhu cầu lớn này, ông John Campbell-Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho logistics là đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và đảm bảo các dự án được hoàn thành đúng thời hạn và suôn sẻ. Cơ sở hạ tầng là xương sống của logistics, bao gồm mọi thứ từ thủ tục hải quan đến vận tải đa phương thức, đường xá và sân bay.
Theo ông John Campbell, một yếu tố quan trọng khác là đảm bảo đủ quỹ đất cho logistics và thương mại điện tử. Một số khu công nghiệp ở Việt Nam chỉ được chỉ định cho sản xuất, điều này có thể gây ra thách thức cho các công ty logistics và thương mại điện tử tìm kiếm đất đai phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng là có các khu công nghiệp đủ linh hoạt để đáp ứng cả hoạt động sản xuất và logistics.
Về lý thuyết, các nhà đầu tư có thể làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song quá trình này có thể mất vài tháng và thay đổi tùy theo từng địa phương. Những quy trình như vậy có thể là yếu tố gây cản trở cho các nhà đầu tư cần quyết định nhanh chóng.
Ông John Campbell-Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của việc đầu tư hạ tầng và quy hoạch phù hợp để hỗ trợ các trung tâm logistics và thương mại điện tử. Ông chỉ ra rằng sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử đã đẩy mạnh nhu cầu mở rộng kho bãi và trung tâm lưu chuyển hàng hóa, giúp tối ưu hóa chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh.
“Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về chi phí thuê kho bãi và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tỉ lệ lớn trong ngành thương mại điện tử là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển đồng bộ”- ông Đính nói.
Theo ông Đính, cần xây dựng các trung tâm logistics "xanh" với thiết kế thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là một xu hướng ngày càng được ưa chuộng, nhất là với các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam.