Đồng hành với người tái hòa nhập cộng đồng trên con đường hướng thiện
Xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT), đồng thời góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái phạm tội. Những năm qua, các ban, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
Xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT), đồng thời góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái phạm tội. Những năm qua, các ban, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_431_51432771/73285fec64a28dfcd4b3.jpg)
Người chấp hành xong án phạt tù tại huyện Yên Thủy được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tư vấn chính sách cho vay vốn ưu đãi.
Vượt qua mặc cảm tội lỗi
Là một người từng có quá khứ lỗi lầm và phải trả giá bằng bản án 7 năm tù, anh Nguyễn Văn H. ở phố Beo, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) quyết tâm làm lại cuộc đời. Được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự động viên của người thân và bạn bè, làng xóm, sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, anh Hải làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng. Trải qua bao khó khăn, vất vả, hiện anh làm chủ cơ sở sản xuất gạch không nung với 4 lao động thường xuyên cùng nhiều lao động thời vụ, mỗi năm mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định khoảng trên 400 triệu đồng.
Cũng như anh Nguyễn Văn H., anh Nguyễn Văn Ph. ở xóm Yên Tiến, xã Yên Trị (Yên Thủy) sau khi CHXAPT, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể xã hội địa phương đứng ra bảo lãnh, anh được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất. Cùng với đó, Công an huyện Yên Thủy phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trích kinh phí mua, trao tặng con giống. Từ sự hỗ trợ thiết thực đó, đời sống gia đình anh Ph. từng bước ổn định với nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Đối với Bùi Văn H. ở xóm Chềnh, xã Ngọc Lương (Yên Thủy), sau khi CHXAPT về tội "cố ý gây thương tích” trở về THNCĐ, khi chưa tìm được phương hướng để ổn định cuộc sống đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, tín chấp cho vay vốn phát triển sản xuất. Với số tiền 200 triệu đồng được vay, H. học nghề sửa chữa máy tính, điện thoại di động và mở cửa hàng. Ban đầu chỉ làm một mình, với lượng công việc ngày càng tăng, H. nhận thêm 4 thanh niên địa phương làm cùng với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn vay
Theo thống kê, tính đến năm 2025, toàn tỉnh có 2.034 người CHXAPT trở về cộng đồng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người CHXAPT; phát huy trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và nhân dân trong việc xóa bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị đối với người CHXAPT; quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật, thiết thực giúp đỡ người CHXAPT hòa nhập cộng đồng.
Một trong những chính sách được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực là tạo điều kiện cho người CHXAPT tiêp cận các nguồn vốn vay. Trong đó, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người CHXAPT, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn định kỳ hàng tháng lập danh sách người CHXAPT có nhu cầu vay, đủ điều kiện được vay vốn gửi Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cấp huyện thẩm định, cho vay theo quy định. Từ ngày 10/10/2023, Ngân hàng CSXH đã cho 72 người vay với số tiền hơn 5,1 tỷ đồng để học nghề, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Có 6 người đã trả nợ toàn bộ vốn vay với số tiền 550 triệu đồng, hiện còn dư nợ hơn 4,5 tỷ đồng với 66 người vay.
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mai Châu chia sẻ: Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có ý nghĩa rất quan trọng đối với người CHXAPT trở về địa phương. Đây có thể được xem là "phao cứu sinh” cho người CHXAPT bởi các trường hợp này trở về địa phương đều có hoàn cảnh khó khăn, đa số không có việc làm, thu nhập ổn định. Ngân hàng CSXH huyện luôn tạo điều kiện cho các trường hợp đủ điều kiện vay vốn nhằm giúp họ có cơ hội tốt hơn để THNCĐ, xóa đi mặc cảm tội lỗi.
Ngoài chính sách trên, theo đồng chí Nguyễn Thị Đào, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Yên Thủy, hiện Ngân hàng CSXH có một số chính sách mở dành cho đối tượng là người CHXAPT THNCĐ có cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, như vốn vay dành cho hộ nghèo nếu người THNCĐ thuộc hộ nghèo với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; nguồn vốn vay chương trình hộ cận nghèo với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; chương trình cho vay xuất khẩu lao động với mức vay tối đa bằng chi phí đi xuất khẩu lao động... Ngoài ra, nếu các đối tượng là người CHXAPT THNCĐ sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể được tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn với mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ.