Tích cực dòng vốn ngoại
Dù phải đối mặt với các thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, với nhiều kế hoạch mở rộng và đầu tư vào các chiến lược dài hạn.
Điểm tên dự án FDI “xông đất” đầu năm
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án đầu tư mới và 6 dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký gần 738 triệu USD. Các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Samoa, Cayman.
![Toàn cảnh khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_113_51436844/dd2df600cd4e24107d5f.jpg)
Toàn cảnh khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Trong đó, 8 dự án đầu tư mới với tổng vốn gần 278 triệu USD, bao gồm 1 dự án vốn đầu tư trong nước, số vốn 892 tỷ đồng (khoảng 35 triệu USD) và 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn gần 243 triệu USD.
Các dự án tăng vốn được cấp giấy chứng nhận đầu tư có số vốn gần 460 triệu USD (5 dự án FDI, gần 440 triệu USD; 1 dự án trong nước 494 tỷ đồng, gần 20 triệu USD).
Dù phải đối mặt với các thách thức chung trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài vẫn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Dòng vốn FDI có xu hướng tiếp cận thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của DN, dự án hiện hữu và cả dự án mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức cho biết, địa phương luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tập trung thu hút có chọn lọc những dự án quy mô lớn. Đồng thời cho hay các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh Đồng Nai để tăng vốn, mở rộng quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh với dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại. Qua đó, đóng góp vào xuất khẩu và thu ngân sách của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho người dân trong thời gian tới.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đã tạo dựng niềm tin mạnh mẽ đối với nhà đầu tư quốc tế. Các chính sách thu hút vốn ngoại ngày càng được hoàn thiện, kèm với đó cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp và môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Số liệu thống kê cho biết, trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD.
Tận dụng xu hướng dịch chuyển đầu tư
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đã thấy rõ xu hướng dịch chuyển sản xuất, đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN trong đó có Việt Nam được tiếp nhận các dòng vốn tương đối nhiều.
Ông Việt cũng cho rằng, thương mại khởi sắc sẽ kéo theo sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu càng mạnh trong lĩnh vực lắp ráp, chế biến, chế tạo, điện thoại, điện tử, may mặc, da giầy, đồ gỗ… đồng thời cũng là những lĩnh vực tiếp tục đón nhận dòng vốn FDI từ đăng ký mới và đăng ký bổ sung từ các dự án đã có sẵn ở Việt Nam. Đây là sự tăng trưởng được nhìn thấy rất rõ thời gian qua.
Theo ông Việt, trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, điện tử thì Việt Nam mới đang ở khâu gia công, lắp ráp là chính. Để có bước đột phá thì cần phải có được những nhà đầu tư lớn vào đầu tư và những lĩnh vực liên quan.
Về xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu và đầu tư vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, chính sách đầu tư hạ tầng và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Các DN và nhà đầu tư cần nắm bắt những cơ hội này để xây dựng chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả trong giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục để duy trì vị thế điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước. Mục tiêu của Việt Nam là tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen... Đây được coi là một trong những động lực quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Trong cuộc trả lời báo giới đầu Xuân, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Bruno Jaspaert nhấn mạnh rằng, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cốt lõi để chào đón thêm nhiều vốn FDI vào năm 2025, nhờ vào vị trí địa lý chiến lược, lợi thế cạnh tranh và các chính sách thuận lợi. Khi các nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa các biến động thương mại toàn cầu và thuế quan thay đổi, các hiệp định thương mại đáng tin cậy của Việt Nam, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), sẽ là nền tảng cho sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.
Để thu hút được dòng vốn FDI, các chuyên gia lưu ý, cần tập trung vào những chính sách mang tính đột phá trong năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, bộ máy hành chính, thể chế cho tới chiến lược và các giải pháp nhằm hướng dòng vốn vào những lĩnh vực mong muốn.