Đề xuất doanh nghiệp nhà nước trả lương theo thị trường như tư nhân

Đề xuất cho phép doanh nghiệp nhà nước xây dựng cơ chế trả lương linh hoạt theo công việc, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường được đưa ra tại hội nghị doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số.

Ngày 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với các chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước với chủ đề: Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Đề xuất DNNN trả lương như tư nhân

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho rằng, để phát huy vai trò của DNNN tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng 2 con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, một trong những giải pháp là cơ chế giúp DNNN có thể xây dựng cơ chế lương, thưởng theo từng đặc thù công việc và linh hoạt theo nhu cầu thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Bên cạnh đó, phải có cơ chế giúp DNNN tiếp cận các quỹ đầu tư công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm… của nhà nước để có nguồn kinh phí triển khai thử nghiệm công nghệ mới, đổi mới mô hình hoạt động với độ rủi ro cao.

Năm 2024, tổng tài sản của 671 DNNN đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%; tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế gần 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% và nộp ngân sách gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.

Đồng tình với đề xuất trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái cũng cho rằng, nên xây dựng chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân, từ đó các DNNN sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.

"Theo kinh nghiệm mà chúng tôi làm chuyển đổi số trong nhiều năm qua là cần có tư duy làm việc và áp dụng các phương pháp giống như các công ty công nghệ", ông Thái nói.

Ông đề nghị nên ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho DNNN, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này.

“Cái gì biết mới quản, không biết thì không quản”

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù số lượng các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động nhưng có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp dự Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Các doanh nghiệp dự Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, DNNN phải tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số vì có nguồn lực, điều kiện và con người.

Các doanh nghiệp cần hoàn thiện quy trình, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số, sản phẩm số; phát triển số nhanh, mạnh, nhưng phải bảo đảm an ninh, an toàn số.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải chú ý làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng cũng lưu ý, các DNNN phải phối hợp với nhau, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa.

Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-doanh-nghiep-nha-nuoc-tra-luong-theo-thi-truong-nhu-tu-nhan-2391544.html
Zalo