Đối thoại, tìm cách gỡ khó để ngư dân Quảng Ngãi bám biển, vươn khơi

Là địa phương nằm trong top đầu của cả nước về số lượng tàu đánh bắt xa bờ và chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang vỏ thép, thế nhưng đến nay, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đang gặp khó khăn, không còn nhà ở sau khi bị kê biên, thu hồi nhà, đất để trả nợ ngân hàng. Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và đại diện các sở, ban, ngành đã có buổi đối thoại để cùng ngư dân tháo gỡ khó khăn, tiếp tục bám biển, vươn khơi.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân trao hỗ trợ cho các nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Trúc Hà

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân trao hỗ trợ cho các nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Trúc Hà

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 4.620 tàu cá (với tổng số lao động trực tiếp trên biển khoảng 37.000 người), trong đó, có gần 3.100 tàu chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi. Ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ và hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước. Hoạt động khai thác thủy sản xa bờ được đánh giá góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngư dân ở Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn, đó là đánh bắt không hiệu quả của tàu vỏ thép, chi phí tăng cao, trong khi giá cá lại không tăng, những bất cập trong sử dụng thiết bị giám sát hành trình... Chiều ngày 5/11, dưới sự chủ trì của bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã có buổi đối thoại với ngư dân các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh, trực tiếp lắng nghe và cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Việc làm này thể hiện Tỉnh ủy Quảng Ngãi có trách nhiệm với ngư dân, khẳng định ngư dân Quảng Ngãi không đơn độc khi hành nghề trên biển.

Tại buổi đối thoại, một số ngư dân cho biết, mình từ “có của ăn của để” trở thành “vô gia cư” vì bị ngân hàng kê biên, thu hồi nhà, đất do không có khả năng trả nợ sau khi vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân gặp khó khăn khi sử dụng thiết bị máy nhắn tin, thiết bị giám sát hành trình (VMS), máy nhắn tin thường xuyên bị lỗi trong quá trình hoạt động. Vì chuyện này mà không ít ngư dân không đủ điều kiện để làm hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu theo quy định, mặc dù thực tế, trên hệ thống giám sát hành trình của tàu thuyền vẫn đảm bảo chấp hành tốt, không vi phạm. Theo quy định của Nhà nước, khi đánh bắt xa bờ, mỗi tàu cá phải có 1 thiết bị giám sát hành trình và 1 máy nhắn tin HF (VX1700) để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, máy nhắn tin cũ, thường xuyên bị lỗi kết nối nên mong muốn chỉ dùng máy giám sát hành trình, có vậy mới tạo thuận lợi cho ngư dân.

Tại buổi đối thoại, đại diện Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tổng số tiền các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho vay nâng cấp, đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ đã giải ngân hơn 380 tỷ đồng. Đến ngày 31/3/2024, 58 chủ tàu còn dư nợ, trong đó, có 11 tàu vỏ thép và 47 tàu vỏ gỗ, các chủ tàu đã trả nợ gốc gần 142 tỷ đồng. Hiện, 14 tàu cá hoạt động có hiệu quả, trả gốc/lãi đúng cam kết; 44 tàu cá hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết, đã phát sinh nợ quá hạn, dư nợ 216,65 tỷ đồng, 44 tàu này đều là nợ xấu. Tuy nhiên, hiện không có chính sách nào để các ngân hàng tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu cá.

Đối với phản ánh của ngư dân về việc mất kết nối từ máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) đang sử dụng trên tàu cá (VX-1700) do sau nhiều năm sử dụng, một số máy đã xuống cấp, thường xuyên hỏng hóc, trạm bờ quá tải thường nghẽn mạng nên tin nhắn từ tàu gửi về trạm bờ không nhận được, ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Thực tế là máy giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị mất kết nối rất nhiều. Tuy nhiên, sử dụng hoàn toàn máy giám sát hành trình thì sở không đủ thẩm quyền vì có ý kiến của Bộ NN&PTNT rồi. Nhưng trong quá trình thẩm định, chúng tôi sẽ tham khảo toàn bộ các máy giám sát hành trình, nếu chính xác thì chúng tôi sẽ hỗ trợ”.

Đại tá Nguyễn Văn Đạt, Chính ủy BĐBP Quảng Ngai chia sẻ, thời gian qua, các đồn Biên phòng và Hải đội 2, BĐBP Quảng Ngãi chủ động, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con ngư dân nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật, tránh vi phạm vùng biển nước ngoài; phân tích cho ngư dân thấy rõ những ảnh hưởng, hệ lụy tiêu cực của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); hướng dẫn, định hướng cho ngư dân hiểu các chính sách và thực hiện các chính sách một cách đầy đủ, chính xác... BĐBP tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Đối với những tàu cá không đủ điều kiện, các trạm kiểm soát Biên phòng tuyệt đối không cho xuất bến.

Đại tá Nguyễn Văn Đạt chia sẻ về việc chấm dứt tàu cá “3 không” ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Trúc Hà

Đại tá Nguyễn Văn Đạt chia sẻ về việc chấm dứt tàu cá “3 không” ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Trúc Hà

Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế biển nói chung, trong đó, việc phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là nhiệm vụ quan trọng đối với tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi lắng nghe các kiến nghị của ngư dân, bà Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, phải tập trung giải quyết 3 vấn đề ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường, yêu cầu các sở, ngành phải tham khảo ý kiến của Bộ NN&PTNT và các địa phương đã thực hiện như tỉnh Bình Định để tạo điều kiện cho ngư dân được nhận hỗ trợ đúng chính sách mỗi khi ra khơi, gắn khai thác hải sản với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

“Một trong những biện pháp quan trọng khác để quyết tâm vươn khơi, bám biển của ngư dân bền vững là phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề gắn với thu nhập của ngư dân. Đào tạo bồi dưỡng về thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên để sử dụng thành thạo phương tiện kỹ thuật hàng hải, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản thủy - hải sản, trang bị cho ngư dân cách phòng chống thiên tai, kỹ thuật sơ cứu ban đầu” - bà Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định.

Dịp này, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã tặng quà cho các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ trang bị phương tiện làm việc cho các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh, tổng trị giá các phần quà gần 700 triệu đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cũng đã vận động hỗ trợ xây dựng 6 nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo ven biển khó khăn về nhà ở, mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng. Đây thực sự là những phần quà ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần tiếp thêm động lực để ngư dân khắc phục khó khăn, yên tâm bám biển, vươn khơi.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doi-thoai-tim-cach-go-kho-de-ngu-dan-quang-ngai-bam-bien-vuon-khoi-post483833.html
Zalo