Tỷ phú Trần Đình Long và tham vọng với đường sắt tốc độ cao
Hòa Phát đang hướng đến mục tiêu mới là cung cấp thép cho đường ray dự án cao tốc Bắc - Nam. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ nghiên cứu công nghệ quốc tế đến phát triển thép chất lượng cao, tập đoàn này đang thể hiện rõ tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong ngành công nghiệp thép với dự án quốc gia trọng điểm.
Hòa Phát đã chuẩn bị và nghiên cứu thép dành cho đường ray cao tốc trong 2 - 3 năm qua
Tại hội thảo "Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát" do Công ty Chứng khoán HSC tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Hòa Phát đã chia sẻ về tham vọng của tập đoàn này trong việc tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo bà Oanh, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát hoàn toàn đủ năng lực cung cấp thép cho đường ray của dự án quy mô lớn này.
Bà Oanh cho biết, Hòa Phát đã cử nhân sự nghiên cứu công nghệ liên quan đến đường sắt cao tốc tại các quốc gia có kinh nghiệm. Trong khuôn khổ dự án Dung Quất 2, Hòa Phát cũng đã sản xuất được loại thép chất lượng cao, thậm chí khó hơn cả thép dùng cho đường ray tàu cao tốc. Loại thép này hiện đang được ứng dụng trong sản xuất lốp ô tô, lĩnh vực đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt về độ chính xác và chất lượng.
Tuy nhiên, bà Oanh thừa nhận, sản lượng thép chất lượng cao của Hòa Phát hiện vẫn còn khiêm tốn, khiến các nhà đầu tư chưa nhận thấy rõ tiềm năng. Bà nhấn mạnh: "Khi chúng tôi đã sản xuất thành công thép chất lượng cao, thì việc cung cấp thép cho đường ray tàu cao tốc – với tiêu chuẩn ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn hoàn toàn nằm trong khả năng. Khi Nhà nước quyết định triển khai dự án đường sắt Bắc - Nam, Hòa Phát sẵn sàng gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu”.
Trước đó, tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra hồi tháng 9/2024, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát tiết lộ, Tập đoàn này đã chuẩn bị và nghiên cứu thép dành cho đường ray cao tốc trong 2 - 3 năm qua.
Ông Long khẳng định, Hòa Phát đủ khả năng cung cấp 6 triệu tấn thép các loại, bao gồm thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Hòa Phát cam kết về chất lượng, tiến độ giao hàng và giá cả cạnh tranh hơn so với thép nhập khẩu.
Tỷ phú Trần Đình Long đích thân khảo sát các nhà máy ở nước ngoài sẵn sàng cho "đại dự án"
Để hiện thực hóa chiến lược này, ông Long đã trực tiếp khảo sát các nhà máy ở nước ngoài, nghiên cứu phát triển sản phẩm thép đường ray cao tốc nhằm sẵn sàng cho "đại dự án" trị giá 67 tỷ USD của Việt Nam.
Hòa Phát hiện là tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam, chiếm 38% thị phần thép xây dựng trong nước tính đến cuối quý 3/2024. Từ năm 2014, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số một thị trường thép xây dựng, vượt qua các đối thủ như Pomina và Gang Thép Thái Nguyên.
Từ đầu năm 2021, Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép thô lớn nhất Việt Nam. Với mức tăng trưởng 28 lần trong 20 năm, Hòa Phát đã lọt vào top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Trong quý 3/2024, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 51% so với cùng kỳ, đạt 3.022 tỷ đồng. Doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế tăng 2,4 lần lên 9.210 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch cả năm.