Sứ mệnh mở đường những nguồn lực mới

Những con số đạt được qua 18 năm hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chứng minh chủ trương chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ mệnh lệnh hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn đem lại hiệu quả vượt trội.

Ảnh: SCIC đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn vào lĩnh vực then chốt, trọng yếu, tạo sức lan tỏa, dẫn dắt, và mở đường...

Ảnh: SCIC đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn vào lĩnh vực then chốt, trọng yếu, tạo sức lan tỏa, dẫn dắt, và mở đường...

Khẳng định tầm nhìn xa chiến lược

Được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, SCIC ra đời trong bối cảnh Đảng và Chính phủ chủ trương nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước.

SCIC có vai trò tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là một bước quan trọng để chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ mệnh lệnh hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông – nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét, sau 18 năm hoạt động, SCIC đã “tròn vai” trong các nhiệm vụ của mình, vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.

So với thời điểm thành lập, tính đến hết năm 2023, doanh thu của SCIC tăng gấp 47 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 63 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 17 lần; tổng tài sản tăng gấp 13 lần.

“Tính hiệu quả về kinh tế đã được chứng minh qua dữ liệu, nhưng quan trọng hơn là những gì chúng ta có thể phát huy qua mô hình này, để giai đoạn mới có thể làm tốt hơn” chuyên gia Võ Trí Thành nêu quan điểm khi nhìn nhận về quá trình 18 năm hoạt động của SCIC.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á ADB khuyến nghị, đã đến lúc vai trò của các công cụ đầu tư nhà nước như SCIC cần được đẩy mạnh và phát huy, không chỉ đầu tư trong nước mà còn có thể vươn tay đầu tư ra nước ngoài, với các mục tiêu chiến lược của Nhà nước.

Những “quả đấm thép” tạo ra bước tiến vượt bậc của nền kinh tế

Quỹ đầu tư Chính phủ Indonesia (INA) thành lập với vốn điều lệ 5,2 tỉ đô la Mỹ với mục đích tối ưu hóa giá trị các khoản đầu tư và thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế. INA đã thu hút nhiều nhà đầu tư tài chính quốc tế với cam kết rót vốn lên tới hàng chục tỷ đô la. Những hoạt động đầu tư “bom tấn” của INA có thể kể đến như: Dự án cảng biển 7,5 tỉ USD ký với Tập đoàn DP World; Dự án đường cao tốc thu phí 3,75 tỉ USD ký với Quỹ Hưu trí Canada và Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi...

Tại Trung Quốc, China Investment Corporation (CIC) được thành lập với số vốn lên tới hơn 200 tỉ USD do Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cấp. Trong cơ cấu danh mục đầu tư của CIC, các khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản tài chính ở nước ngoài (chiếm 33,1%) và cổ phiếu dài hạn trong nước (chiếm 61,9%).

Temasek Holdings (cơ quan đầu tư của chính phủ Singapore) có giá trị thị trường là 354 triệu SGD, gồm cổ phần trong các công ty nhà nước Singapore thuộc lĩnh vực bất động sản, tài chính, hàng không, viễn thông. Sau khi thoái vốn, Temasek đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Tháng 3/2023, giá trị danh mục đầu tư của Temasek đạt 382 tỉ SGD, danh mục đầu tư nước ngoài chiếm 2/3. Tổng lợi nhuận gộp hàng năm là 14%.

Mạnh tay rót tiền cho các công cụ đầu tư chiến lược, Chính phủ các nước cũng rất “thị trường” trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư để thúc đẩy tính chủ động và năng động của các quỹ đầu tư. Và ông Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị mô hình Temasek “rất đáng tham khảo với Việt Nam”.

Bước chuyển mình lịch sử

Trong chuyến thăm và làm việc cuối tháng 10 vừa qua tại Trung Đông của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã có một cuộc làm việc giữa các nhà lãnh đạo cấp cao về việc kết nối các nguồn lực tài chính lớn từ Trung Đông đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục của Việt Nam. Cuộc làm việc này rất được giới đầu tư chú ý.

Không chỉ có nguồn lực từ Trung Đông, cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư tài chính từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, châu Á đều mở rộng nếu Việt Nam có danh mục dự án đầu tư cụ thể.

Trong Chiến lược phát triển SCIC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 5 năm tiếp theo (2026-2030), SCIC sẽ phải đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ.

Thực hiện vai trò nhà đầu tư của chính phủ, SCIC có lợi thế, tạo ra sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/su-menh-mo-duong-nhung-nguon-luc-moi/
Zalo