'Đội ngũ doanh nghiệp lớn chưa trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng'
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nền kinh tế.
Sáng 21/9, Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, doanh nghiệp, doanh nhân luôn giữ vai trò then chốt, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế.
Hiện nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Ông Dũng cho biết, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.
"Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, tuy nhiên, chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỉ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen...còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế", ông Dũng nêu.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh.
Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỉ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.
Cũng theo Bộ trưởng, hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỉ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI còn thấp.
"Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nền kinh tế", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Chuẩn bị tâm thế bước vào kỷ nguyên mới
Theo Bộ trưởng, chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại.
"Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới", ông nói và nêu rõ, bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước.
"Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới", ông Dũng cho hay.
Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để có thể tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới, Việt Nam phải chuẩn bị một tâm thế để sau khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu.
Dẫn lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "Dân tộc ta đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng, chưa bao giờ có được tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là điều rất đáng tự hào, nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở đấy, không thỏa mãn, không tự bằng lòng.
"Dân tộc Việt Nam chúng ta còn nhiều tiềm năng, cơ hội, nhiều điều kiện, chúng ta có khát vọng để vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu", Bộ trưởng khẳng định.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD. Theo ông Dũng, việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.
Gợi mở một số vấn đề đại biểu nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung trao đổi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp lớn hiện nay, doanh nghiệp có gặp vướng mắc gì không? Có cần Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương tháo gỡ gì không?
Bên cạnh đó, trước tình hình của đất nước như thế thì suy nghĩ của các doanh nghiệp lớn đối với đất nước hiện nay là gì? Các doanh nghiệp tin tưởng điều gì và có mong muốn gì?
Hay trước các nhiệm vụ lớn của đất nước như vậy các doanh nghiệp lớn có mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ nào không? Có thể là một mình hoặc liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI để thực hiện một nhiệm vụ nào đó? Chính phủ có thể giao nhiệm vụ gì cho doanh nghiệp lớn, đi kèm nguồn lực gì, cơ chế gì?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp tư nhân nói riêng luôn có một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ luôn chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ mới, các việc khó. Đồng thời Chính phủ cũng mong muốn doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong, chủ động cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước", Bộ trưởng khẳng định.