Anh nông dân kiếm 5 tỷ đồng nhờ 'bẻ lái' trồng thứ cây độc lạ quý như vàng
Thành công với mô hình trồng cây dược liệu quý, anh Nguyễn Văn Khôn là nông dân duy nhất của Đồng Nai được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Là người đưa cây dược liệu xáo tam phân đến với Đồng Nai và phát triển thành vùng trồng dược liệu nổi tiếng, anh Nguyễn Văn Khôn, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đang sở hữu hơn 500.000 cây nguyên liệu 6 năm tuổi trên diện tích 5,6 ha. Anh Nguyễn Văn Khôn là nông dân duy nhất của Đồng Nai được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chia sẻ với TTXVN về cơ duyên đến với cây sáo tam phân, anh Khôn cho biết, năm 2010, người nhà anh bị bệnh nặng phải tìm cách chữa trị bằng cây dược liệu xáo tam phân - loại cây được đánh giá có hoạt chất cao nhất, có tác dụng tốt cho các bệnh liên quan đến gan, hỗ trợ điều trị ung thư. Đây cũng là thời điểm cây dược liệu quý này tạo ra "cơn sốt" khiến nhiều người vào các khu rừng, đồi núi săn tìm để bán cho các cơ sở bào chế thảo dược hoặc xuất sang thị trường nước ngoài.
Qua tìm hiểu, nhận thấy giá trị của loại dược liệu quý này, anh Khôn không đành lòng khi nhìn người dân khai thác theo kiểu tận diệt, anh quyết định từ bỏ công việc kỹ sư ngành Bưu chính viễn thông ở Tp.HCM để về quê trồng thử cây xáo tam phân trên đất đồi của gia đình. Anh Khôn hy vọng, nếu thành công, ít nhất cũng bảo tồn được nguồn gen cây dược liệu quý.
Nói là làm, gom hết tiền vốn, anh ra tận vùng đất Khánh Hòa tìm mua 1.400 cây giống xáo tam phân để chuyên tâm trồng.
Công việc không phải lần nào cũng thuận lợi. Có thời điểm, vườn xáo tam phân gần 10.000 cây bị úa lá, héo thân; buộc phải đốn bỏ do phân bón kém chất lượng.
Sạch vốn, anh lại quay sang vay mượn tiền từ bạn bè, người thân. "Nhưng mượn tiền chỉ dám bảo đầu tư việc khác. Vì giá bán cây giống đến 500.000 đồng/cây. Sợ cây lại chết, chẳng ai dám cho mượn", anh Khôn kể với Dân Việt.
Cũng sau lần đó, anh xây dựng quy trình khép kín, trồng cây theo chuẩn hữu cơ. Phương pháp nhân giống hữu tính bằng hạt cũng được thay thế bằng giâm cành vô tính.
Xáo tam phân thuộc họ cam, quýt, bưởi; dễ bị thụ phấn chéo. "Thành công từ phương pháp giâm cành vô tính giúp chúng tôi làm chủ được công nghệ, bảo tồn được nguồn gen gốc các hợp chất quý", anh Khôn nói.
Sau khi có nguồn nguyên liệu dồi dào, anh phát triển lên Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược liệu Tâm Tâm An để tiếp tục đầu tư công nghệ, chế biến các sản phẩm thảo dược theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
Từ năm 2020, sản phẩm trà túi lọc xáo tam phân được anh đưa đi chào hàng ở các siêu thị, nhà thuốc, khu du lịch, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hội Nông dân tỉnh, và được thị trường đón nhận khá tốt.
Hiện công ty đã sản xuất được nhiều sản phẩm từ cây xáo tam phân như trà thảo mộc, rượu, viên nang; trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Theo anh Khôn, nếu chăm sóc tốt, sau khoảng 3 năm có thể thu hoạch lá; khoảng 6 năm thì thu hoạch được thân, rễ. Cây trồng càng lâu năm càng có giá trị vì tích hợp đủ các dược chất.
Hiện tại, giá bán thân, lá tươi khoảng 300.000 đồng/kg. Rễ cây bán xô thì 1 triệu đồng/kg, hàng lựa có khi lên đến 5 triệu đồng/kg. Cứ 3 kg dược liệu tươi quy đổi được 1 kg khô. Bình quân thu nhập mỗi năm của công ty đạt 5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lời gần 1 tỷ đồng.
Sớm mồ côi cha, anh Khôn lớn lên trong sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con nông dân quanh vùng. Giờ đây đã là chủ doanh nghiệp, song anh Khôn thường chỉ nhận mình là hội viên Hội Nông dân.
Hàng năm, anh vẫn duy trì cố định nguồn hỗ trợ hơn 10 tấn thảo dược xáo tam phân cho các chùa; và cùng các cấp Hội Nông dân thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện giúp đỡ đồng bào nghèo trong và ngoài tỉnh.
Tất cả hội viên, nông dân tham gia mô hình liên kết trồng xáo tam phân được anh cung cấp giống với giá bình quân 50.000 đồng/cây (bằng 1/10 thời điểm hơn 10 năm trước). Người trồng được đội ngũ kỹ thuật của công ty theo sát để hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch theo quy trình.
Công ty nhận mua lại toàn bộ nguyên liệu để chế biến thành phẩm, khép kín quy trình. Bình quân, sau 5 năm trồng, 1ha xáo tam phân có thể cho lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.
Năm 2024, được Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai hỗ trợ, anh Khôn đã thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân xã Hưng Thịnh, với 15 thành viên. Anh Khôn làm Chi hội trưởng.
"Thông qua bảo vệ sức khỏe, doanh nghiệp cũng như Chi hội sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới, đa dạng sản phẩm chế biến sâu với giá hợp lý để nông dân, người nghèo ai cũng có thể tiếp cận nguồn dược liệu quý", anh Khôn chia sẻ.
Ông Phan Trọng Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) cho biết, cây xáo tam phân mọc nhiều ở vùng Nam Trung bộ. Những năm gần đây, loại dược liệu quý này đã được trồng và nhân rộng ở Đồng Nai.
Việc mở rộng diện tích vườn cây xáo tam phân đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, đồng thời xây dựng sản phẩm OCOP địa phương.
Đặc biệt, việc liên kết thêm hội viên từ Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Hoạt động của Chi hội vừa giúp bảo tồn nguồn gen dược liệu quý, tạo công ăn việc làm, và góp phần vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, ông Tiến chia sẻ.
Với những cố gắng, nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển cây xáo tam phân, anh Nguyễn Văn Khôn đã đạt thành tích xuất sắc ở địa phương lẫn Trung ương: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh anh là Nhà Khoa học Nhà nông năm 2022; anh nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đạt được thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017-2022.
Minh Hoa (t/h)