Làm gì để thuốc bảo vệ thực vật sinh học có 'đất sống'?

Ngành nông nghiệp Việt Nam định hướng phát triển bền vững, đa giá trị thì việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có vai trò quan trọng trong bảo đảm chất lượng nông sản để đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu cũng như giải quyết những yêu cầu về sinh thái.

Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò quan trọng để đảm bảo năng suất cây trồng. Theo các chuyên gia, nếu thiếu đi công cụ này, hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu sẽ bị thất thoát do tác động của sâu bệnh, gây thiệt hại lớn về an ninh lương thực và tác động xấu đến đời sống cũng như sinh kế của nông dân, thành viên HTX.

Hiệu quả song hành với an toàn

Thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) chỉ rõ, nếu thế giới chi 35 tỷ USD cho thuốc BVTV để diệt trừ các loại sinh vật gây hại thì thu lại được lợi ích 350 tỷ USD, tức là gấp 10 lần.

Trong khi đó, thiệt hại do các sinh vật gây hại đối với sản xuất nông nghiệp đang ở mức cao nhất khoảng 50%; có những loại cây trồng thấp hơn cũng ở khoảng 30 - 40%.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch thành công cho thấy việc tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV được nâng lên.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng xuất khẩu trái cây, đến thời điểm này đã đạt trên 6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023 và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Với những con số đã đạt được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dự báo xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm 2024 có thể đạt được mục tiêu 60 tỷ USD.

Tại Tọa đàm “Nghiên cứu, phát triển và quản lý thuốc bảo vệ thực vật” tổ chức ngày 8/11, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục BVTV khẳng định, những con số trên chứng tỏ nông sản, trái cây của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Danh mục thuốc BVTV của Việt Nam hiện nay có 800 loại, trong đó thuốc sinh học chiếm khoảng 80%, thuộc top đầu trong khu vực. Điều này giúp nông dân, HTX có nhiều lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.

Việc người dân, HTX ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học là phù hợp với hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp.

Việc người dân, HTX ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học là phù hợp với hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, đối với mỗi hoạt chất thuốc BVTV khi đưa ra thị trường đều phải đảm bảo tính nghiêm ngặt về quy trình sản xuất để vừa kiểm soát dịch hại, vừa bảo đảm tính an toàn cho môi trường, con người.

Ông Nguyễn Hữu Quảng, đại diện CropLife Việt Nam, cho biết thời gian đưa ra thị trường một hoạt chất thuốc BVTV phải mất từ 12,5-12,7 năm và chi phí đầu tư khoảng 300 triệu USD. Đặc biệt, chi phí để làm các nghiên cứu an toàn, các nghiên cứu về môi trường hiện chiếm khoảng 2/3 tổng chi phí.

Riêng quá trình thử nghiệm trên đồng ruộng thường kéo dài khoảng 4 năm và nghiên cứu tính an toàn của thuốc BVTV có thể kéo dài tới 20 năm.

Bên cạnh đó, còn phải tính tới độ an toàn của hoạt chất tới con người, động vật và môi trường đất, nước; sinh vật thủy sinh, các loài chim, ong… Nếu đảm bảo an toàn, thuốc BVTV mới được đưa ra thị trường.

Rõ ràng, hiệu quả của thuốc BVTV là quan trọng nhưng tính an toàn cũng là yêu cầu tối cao của thuốc BVTV khi đưa ra thị trường nhằm đảm bảo sản phẩm mang lại lợi ích cho nông dân và không gây lãng phí tài nguyên.

80% nhà máy sản xuất thuốc sinh học nhưng sản lượng thấp

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay đó chính là việc sử dụng các loại thuốc BVTV như thế nào để vừa bảo đảm chất lượng nông sản, vừa giải quyết được bài toán về diệt trừ sâu hại, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, dù thuốc BVTV, trong đó có thuốc BVTV sinh học được khuyến khích sử dụng nhưng theo chị Nguyễn Ngọc Bích Huyền, quản lý trang trại của HTX Tâm Minh Quang (Đồng Nai), việc sử dụng thuốc BVTV sinh học vẫn gặp một số vướng mắc như hiệu lực diệt trừ sâu bệnh chậm, thấp hơn và không ổn định. Thuốc BVTV sinh học cũng không phong phú về chủng loại, thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp chất.

Không những vậy, chi phí sử dụng thuốc BVTV sinh học trên cùng một diện tích vẫn cao hơn so với thuốc BVTV hóa học. Hiện, người dân, HTX còn rơi vào tình trạng không có đủ các loại thuốc BVTV sinh học để phòng trừ các loại sâu bệnh. Trong khi do biến đổi của thời tiết, khí hậu, sâu dịch hại phát triển nhanh, mạnh và có nhiều loại sâu hại mới mà thuốc BVTV sinh học chưa thể phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong số hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc BVTV thì có khoảng 80% sản xuất thuốc BVTV sinh học, song sản lượng còn thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và phục vụ xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Quảng cho biết, một số nước châu Âu, châu Mỹ đã bỏ ra 10 tỷ Euro để nghiên cứu thuốc BVTV sinh học. Nếu ở Việt Nam có quy định tỷ lệ chiết xuất phải chiếm 30% thì các nước này cũng tương tự. Bên cạnh việc đầu tư, các nước này còn nhanh chóng mua các nghiên cứu của các nhà khoa học và tăng cường thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc… Do đó, các nước này đã sớm về đích trong "cuộc đua" tạo ra những sản phẩm thuốc BVTV sinh học thế hệ mới.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cho rằng xu hướng thị trường ngày càng tăng với thực phẩm hữu cơ, do đó việc người dân, HTX ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học là phù hợp với hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp.

Nhưng thực tế, cả thuốc BVTV sinh học và thuốc BVTV hóa học đều có ưu và nhược điểm. Có những loại thuốc BVTV sinh học vẫn gây hại cho con người như thuốc sinh học tách chiết từ lá ngón... Do đó đòi hỏi cách thức sử dụng phải phù hợp với tình trạng sâu bệnh, tài chính của HTX. Người dân, HTX cần sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học để mang lại hiệu quả tối ưu.

Cụ thể, đầu vụ, HTX có thể dùng thuốc hóa học, cuối vụ có thể dùng thuốc BVTV sinh học, cách này vừa trừ được sinh vật gây hại vừa bảo đảm an toàn về thời gian cách ly giúp chất lượng nông sản khi xuất ra thị trường không tồn dư thuốc hóa học.

Đặc biệt đối với thuốc BVTV hóa học, nếu sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng", đảm bảo thời gian cách ly vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường và chất lượng nông sản, sức khỏe người sử dụng.

“Tuy nhiên, để xuất khẩu nông sản bền vững, ngoài việc loại các loại thuốc BVTV có độ độc hại cao thì vẫn cần phát triển các loại thuốc BVTV thế hệ mới dù giá cao hơn chút nhưng phòng trừ sâu bệnh cao và an toàn cho người, môi trường...”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam đang gặt hái được những trái ngọt nhưng quá trình sản xuất lại đang bị tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu khiến có rất nhiều sinh vật gây hại mới xuất hiện khiến nông dân, HTX “không kịp trở tay”.

Trong khi xét trên thực tế, thuốc BVTV của Việt Nam dù đã có 800 loại nhưng vẫn còn ít và chậm phát triển nên chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng để diệt trừ sâu bệnh một cách an toàn trên quy mô lớn của người dân, HTX.

Do đó, ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng điều cấp thiết hiện nay là cần làm sao để danh mục thuốc BVTV phải theo kịp sự phát triển của sinh vật gây hại, từ đó mới đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/lam-gi-de-thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-co-dat-song-1103547.html
Zalo