Đối ngoại đa phương 2024: Tầm nhìn Việt Nam, vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng, bền vững

'Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bứt tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững, không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Đó là tầm nhìn, là mục tiêu và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế hôm nay và mai sau'. Khẳng định ấy của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chính là mục tiêu mà đối ngoại Việt Nam năm 2024 hướng tới và nhận được sự ghi nhận lớn từ cộng đồng quốc tế.

“Chỉ khi đoàn kết, hợp tác, tin cậy, mới có thể xây dựng thành công thế giới hòa bình, phát triển bền vững”

Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 ngày 24/9/2024. Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững hơn cho mọi người dân, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Mỗi quốc gia cần hành xử có trách nhiệm, tuân thủ cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc… đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tùy theo khả năng của mình. Không ngừng củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia, đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu…

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trước đó, ngày 22/9, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh tương lai trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao khóa 79 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rõ: Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại.

Tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, ngày 5/10 tại Paris (Pháp), trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ rõ hơn về quan điểm, tầm nhìn của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế khi nhấn mạnh: Thời gian gần đây, đã có không ít hoài nghi về vai trò của các khuôn khổ đa phương, nhất là khi chúng ta chứng kiến ngày càng thường xuyên những biểu hiện của sự phân tách, chia rẽ, thậm chí đối đầu, đã và đang cản trở hiệu quả hoạt động của nhiều thể chế đa phương. Tuy vậy, cũng chính trong khó khăn, chủ nghĩa đa phương lại thể hiện rõ vai trò không thể thay thế. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định: Việt Nam tin rằng một chủ nghĩa đa phương đổi mới phải hướng đến tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững với mọi quốc gia và người dân. Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa những mục tiêu này.

Những thông điệp ấy của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đón nhận và ghi nhận. Minh chứng là chuyến công tác của Tổng Bí thư, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ đã thành công tốt đẹp. Như chia sẻ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến công tác đã đạt được ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với gần 50 hoạt động song phương và đa phương của Tổng Bí thư. Các bài phát biểu chính sách tại Đại học Columbia của Tổng Bí thư được đông đảo người nghe ghi nhận và đánh giá cao. Việc thu xếp chương trình, lễ tân, có thể thấy Hoa Kỳ rất coi trọng chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, với sự tiếp đón trọng thị, nhất là việc thu xếp trang trọng cuộc hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Tô Lâm.

 Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Chuyến công tác thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng đạt được những kết quả nổi bật. Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn Việt Nam đã có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương. Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước đã dành cho Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ, cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của Việt Nam; thể hiện sự tin cậy chính trị sâu sắc giữa Việt Nam với các nước và mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước, với 3 Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mông Cổ, Đối tác chiến lược lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam - Ireland và nâng cấp quan hệ Việt Nam – Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời, ký kết gần 20 văn kiện hợp tác.

Chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tới Mông Cổ, Ireland và Pháp, không chỉ tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước mà còn thành công lớn trong việc tiếp tục truyền đi thông điệp về một Việt Nam luôn tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế, cùng các nhà lãnh đạo các nước Pháp ngữ thông qua “Tuyên bố Villers–Cotterêts” với cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững. Như chia sẻ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong thời gian tham dự Hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo đứng đầu nhà nước và chính phủ của các nước Pháp ngữ, tổ chức quốc tế đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư để bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam, mong ta chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân…, và tăng cường phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trên cả bình diện song phương và đa phương.

Đặc biệt hơn nữa, chia sẻ với báo chí về ý nghĩa chuyến công tác cũng như những đóng góp của Việt Nam, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 78 Dennis Francis đã khẳng định: Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đã và đang không ngừng có những đóng góp ý nghĩa và rất quan trọng cho LHQ. Tôi xin lấy ví dụ lĩnh vực gìn giữ hòa bình quốc tế. Việt Nam đã gửi các nhân viên gìn giữ hòa bình tới nhiều điểm nóng trên thế giới trong đó có Nam Sudan, nơi tôi từng có dịp trực tiếp được gặp gỡ các quân nhân Việt Nam. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2026, thành viên Ủy ban Luật Quốc tế nhiệm kỳ 2023-2027 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ...

Những thành công này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các nguyên tắc và giá trị cơ bản trong Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và với chủ nghĩa đa phương nói chung. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ bày tỏ sự ấn tượng với đường lối ngoại giao của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và củng cố chủ nghĩa đa phương, cho thấy tính hợp lý và hiệu quả trong bối cảnh thế giới đang ở thời đại toàn cầu hóa. Hiện nay, nhiều quốc gia ở Nam bán cầu bị chậm lại trong nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đặc biệt nhấn mạnh: Việc Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng LHQ 2024 là một sự kiện hết sức có ý nghĩa, thể hiện cam kết cao nhất về mặt chính trị vào một thời điểm quan trọng khi cộng đồng quốc tế đang quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm đối phó với hàng loạt thách thức toàn cầu hiện nay.

Sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa vì hòa bình, hợp tác và phát triển

Một trong những điểm nhấn quan trọng thu hút được sự quan tâm cũng như đánh giá cao của cộng đồng quốc tế là chuyến thăm Chile, Peru và dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 của Chủ tịch nước Lương Cường từ ngày 12-16/11. Chuyến thăm chính thức Chile và Peru của Chủ tịch nước, như khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã truyền tải thông điệp quan trọng đến bạn bè quốc tế, đặc biệt với các nước trong khu vực Mỹ Latin và Caribe về chính sách đối ngoại nhất quán, sự coi trọng các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống. Cả Chile và Peru đã dành cho Chủ tịch nước cùng đoàn Việt Nam sự tiếp đón chu đáo, trọng thị, nồng hậu.

 Chủ tịch nước Lương Cường trao đổi với Tổng thống Peru Dina Ercilia Bolu-arte Zegarra tại Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường trao đổi với Tổng thống Peru Dina Ercilia Bolu-arte Zegarra tại Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Việc Chủ tịch nước tham gia tuần lễ cấp cao APEC 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn, tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực; tiếp tục củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại các hoạt động trong khuôn khổ APEC 2024, Chủ tịch nước đã nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.

Trong hơn 2 ngày làm việc, Chủ tịch nước đã tham dự tất cả hoạt động của các nhà lãnh đạo APEC, có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các đối tác quan trọng của Việt Nam, trao đổi với các chủ tịch/CEO các tập đoàn lớn. Chủ tịch nước cũng có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2024 với sự tham dự của hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới.

 Chủ tịch nước Lương Cường với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Các phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của các Lãnh đạo APEC và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, sự tham dự của Chủ tịch nước và đoàn Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao APEC tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam trong hợp tác APEC, sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa vì hòa bình, hợp tác và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, trong đó việc Việt Nam đăng cai APEC 2027 là một minh chứng rõ nét.

Chìa khóa để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột hiện nay là thông qua đối thoại và hợp tác đa phương

Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP 12). Chủ tịch Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; ủng hộ những nỗ lực của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực. Chúng tôi cho rằng chìa khóa để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột hiện nay là thông qua đối thoại và hợp tác đa phương trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị ICAPP 12. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị ICAPP 12. Ảnh: TTXVN

Thảo luận tại phiên họp toàn thể ICAPP-42, Đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vai trò của quan hệ đối ngoại đảng và các diễn đàn đa phương chính đảng; đánh giá cao những thành tựu mà ICAPP đã đạt được trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách là Ủy viên Ủy ban Thường trực ICAPP, sẽ tiếp tục tích cực, chủ động đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược của ICAPP trong việc kiến tạo môi trường an ninh, hòa bình, ổn định, vì sự phát triển và thịnh vượng chung tại khu vực.

Có thể nói việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự ICAPP-12 một mặt thể hiện sự coi trọng vai trò của nước chủ nhà Campuchia, mặt khác cũng thể hiện vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Như nhìn nhận của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng: “Việt Nam sẵn sàng tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực để có thể phát huy vai trò và đóng góp của mình cho những vấn đề toàn cầu và khu vực, vì một thế giới hòa bình và vì hạnh phúc của nhân loại”.

Đoàn kết để giải quyết thách thức chung

Đó là thông điệp được lan tỏa từ Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng tại thành phố Kazan, Liên bang Nga hồi tháng 10/2024.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng năm 2024 - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng năm 2024 - Ảnh: VGP

Hội nghị BRICS và BRICS mở rộng có lãnh đạo 36 quốc gia, vùng lãnh thổ và 6 tổ chức quốc tế tham dự, trong đó có 22 đoàn có đại diện ở cấp cao nhất, cấp nguyên thủ quốc gia. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị BRICS và là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nga trên cương vị mới, thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trước các cơ chế đa phương; thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên bang Nga và các nước.

Phát biểu tại hội nghị, nhận định sâu sắc về “kỷ nguyên mới – kỷ nguyên kết nối và hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm nhìn, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện và đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chia sẻ chung trách nhiệm để giải quyết thách thức chung chưa từng có.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng “cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” cho tất cả mọi người dân. Trên tinh thần thúc đẩy hòa bình, đối thoại, hợp tác, trích dẫn câu văn của đại thi hào Nga Marxim Gorky rằng “Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia là một phần không thể thiếu trong cơ thể con người vĩ đại và chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể đạt được tiến bộ thực sự”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng BRICS sẽ đoàn kết hơn nữa, phát huy sức mạnh nội sinh để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

 Tổng thống Vladimir Putin chào mừng và cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng thống Vladimir Putin chào mừng và cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đánh giá rất cao phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhất là quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những giá trị truyền thống, những giá trị chung, mang tính nền tảng; cho rằng Thủ tướng đã đề cập nhiều chủ đề rất quan trọng, đang được các nước hết sức quan tâm hiện nay.

Trong bài viết đăng trên báo Orientalia Rossica, Tiến sỹ Alexander Korolev, Trường Kinh tế cao cấp Nga cho rằng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Việt Nam trước tiến trình phát triển của BRICS, đánh giá cao vai trò, ảnh hưởng ngày càng tăng của BRICS trong giải quyết các vấn đề và thách thức toàn cầu. Đồng thời, điều này cho thấy sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác đa phương.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công tác tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công tác tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngay sau đó gần một tháng, chuyến công tác quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Brazil và thăm chính thức Cộng hòa Dominica của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục được nhìn nhận là sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác song phương với các đối tác chiến lược, đồng thời khẳng định cam kết và vai trò tích cực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong hai bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu trong giải quyết các vấn đề quốc tế, nêu bật vai trò của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, tạo nền tảng cho xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.

Có thể nói, trong nhìn nhận của quốc tế, chuyến công tác của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ta trong năm qua đều góp phần quan trọng khẳng định vai trò, uy tín, sự tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu, tiếp tục khẳng định một ngoại giao đa phương Việt Nam vì sự phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, bền vững của mỗi quốc gia, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của hai khu vực và thế giới.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-ngoai-da-phuong-2024-tam-nhin-viet-nam-vi-mot-tuong-lai-hoa-binh-thinh-vuong-ben-vung-post327725.html
Zalo