Tăng mức phạt tiền để 'vắng bóng CSGT vẫn không dám vượt đèn đỏ'
Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thay thế Nghị định 100 và Nghị định 123 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang là tâm điểm dư luận.
Nghị định 168/2024 được ban hành với kỳ vọng sẽ tạo ra sức răn đe mạnh mẽ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Việc tăng mức phạt, thậm chí gấp hàng chục lần so với quy định cũ, khiến nhiều người “sốc” khi nhận “trát” phạt.
Điển hình như trường hợp của chị N.T.H. (21 tuổi, trú tại Hoàng Mai) đã bật khóc khi bị CSGT phạt 5 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe vì lỗi vượt đèn đỏ. Chị H. cho biết nếu biết mức phạt cao như vậy, chị đã không vi phạm.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết chỉ trong 2 ngày Nghị định số 168 có hiệu lực thi hành (ngày 1 và 2/1), Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.079 trường hợp vi phạm; tạm giữ 169 xe ô tô, 8.147 xe mô tô, 245 phương tiện khác; tước 4.261 giấy phép lái xe các loại.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng nặng mức phạt là cần thiết để răn đe, giáo dục ý thức người tham gia giao thông. Độc giả Congvithuong cho rằng: "Tôi cũng là lái xe, rất ủng hộ phạt thật nặng. Làm sao để dân ta chấp hành nghiêm chỉnh, trên phố vắng bóng CSGT mà vẫn không có cảnh vượt đèn đỏ. Nguồn thu từ phạt vi phạm được nộp vào công quỹ".
Độc giả Nguyen Le nhận định: “Nghiêm khắc trong phạt người vi phạm giao thông là cần thiết nhưng cần nghiên cứu về mức phạt. Nhìn sang các nước xung quanh, ví dụ như Singapore áp, họ đưa ra mức phạt tiền/thu nhập cho lỗi vượt đèn đỏ”.
Độc giả Đào Xuân Hữu nêu quan điểm: “Hình phạt không nằm ở chỗ nặng hay nhẹ mà ở chỗ không người nào phạm lỗi tránh khỏi bị phạt”.
Bên cạnh những ý kiến về mức phạt, nhiều độc giả bày tỏ quan ngại về vấn đề minh bạch và công bằng trong quá trình xử phạt. Độc giả HieuThuan Nguyen Chau cho rằng: “Ủng hộ phạt nặng về tài chính đối với những lỗi giao thông gây nguy hiểm nghiêm trọng như: Vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều trên cao tốc,... nhưng với các lỗi nhẹ như: Quẹo phải khi đèn đỏ hay chuyển làn thì là quá nặng! Chưa kể lực lượng CSGT phải công tâm, trong sạch khi xử phạt thì mới có tác dụng răn đe”.
Độc giả Tuan nêu quan điểm: "Tôi đồng tình với việc nâng mức xử phạt vi phạm giao thông để răn đe, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm nhưng đi kèm với chế tài cần phải có biện pháp giám sát, kiểm tra thực thi pháp luật nghiêm minh để không thể có việc công chức lạm dụng quyền hạn và lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân và nhóm từ quy định pháp luật".
Đảm bảo hạ tầng đồng bộ
Bên cạnh đó hiện nay còn không ít đèn tín hiệu giao thông hoạt động chưa ổn định khiến nhiều người lo lắng. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh vào ngày 2/1, trụ đèn giao thông trên quốc lộ 51 đoạn qua Đồng Nai bị đơ, đèn đỏ kéo dài khiến tài xế không dám đi, gây ùn tắc.
Sợ bị phạt, các tài xế ô tô, xe máy đều không dám vượt, dừng thành hàng dài cả cây số trên quốc lộ. Trong khi đó, đoạn đường phía trước khá thông thoáng. "19 củ ai mà dám vượt", một tài xế nói trong clip. Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho hay sự cố đèn trục trặc gây kẹt xe, ban đã nắm và đã có hướng xử lý.
Tại Hà Nội, trong những ngày qua, nhiều người dân bày tỏ băn khoăn về một số cột đèn tín hiệu giao thông "đang xanh bỗng dưng đỏ" khiến họ có thể bị phạt oan. Đại diện Cục CSGT nói, nguyên nhân của tình trạng này do ở một số đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày.
Trước thực trạng này, độc giả Hoàng Hà Nguyễn thẳng thắn: "Muốn xử phạt nghiêm minh, trước hết phải đảm bảo những yếu tố liên quan như đường sá, bảng hiệu, đèn giao thông, người thực thi công vụ... phải tuyệt đối chuẩn xác. Không đồng bộ, thiếu minh bạch, tai nạn giao thông có thể tăng cao, thậm chí phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu".
Đồng quan điểm, độc giả Khai ninh viet đề nghị, chuẩn hóa hệ thống biển báo, vạch kẻ đường (nhiều vạch kẻ đường hiện nay đã mờ, khó quan sát), bố trí hạ tầng giao thông hợp lý...
Quy định xử phạt vi phạm giao thông như sau: