Những bãi rác chất cao như núi ở miền Tây
Nhiều địa phương ở miền Tây đang xảy ra tình trạng rác thải dồn ứ, chất cao như núi, thiếu nhà máy xử lý... Tình trạng này khiến người dân bức xúc.
XEM CLIP:
Bãi rác tồn 700.000 tấn
Khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng (bãi rác Đông Thắng) thuộc huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cạnh tỉnh lộ 922 nồng nặc mùi hôi, nước thải chảy đen kịt. Ba cột khói cao hàng chục mét của lò đốt rác liên tục nhả khói, theo chiều gió bay vào khu dân cư.
Bãi rác Đông Thắng hoạt động từ năm 2010 với diện tích 1ha, khả năng tiếp nhận và xử lý rác 15 tấn/ngày cho huyện Cờ Đỏ. Bãi sau đó mở rộng diện tích thêm 5ha, tiếp nhận xử lý rác trên 300 tấn/ngày cho 4 quận, huyện Phong Điền, Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng.
Cuối năm 2018, khi nhà máy điện rác tại huyện Thới Lai đi vào hoạt động, bãi rác Đông Thắng giảm lượng tiếp nhận, còn khoảng 100 tấn/ngày.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh gần 118.000 tấn, tương đương hơn 648 tấn/ngày. Nếu so với công suất của 2 nhà máy trên, lượng rác dôi dư của Cần Thơ hiện nay khoảng 148 tấn/ngày.
Điều này dẫn đến lượng rác đang tồn đọng tại các bãi chôn lấp lên đến gần 1 triệu tấn, chỉ riêng bãi rác Đông Thắng khoảng 700.000 tấn.
Trước tình trạng trên, Sở TN&MT đã có văn bản gửi UBND TP kiến nghị chỉ đạo UBND huyện Thới Lai lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thải rắn số 2 tại khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai.
"Núi rác" cạnh quốc lộ
Tương tự, bãi rác cạnh quốc lộ 61 đoạn qua xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) cũng trong tình trạng ô nhiễm.
Rác sinh hoạt chất thành từng đống, cao như núi. Dù bãi được xây bờ bao xung quanh nhưng mưa xuống, nước rác đen ngòm rỉ chảy ra đồng, ra đường hôi thối khiến người tham gia giao thông qua khu vực này ngao ngán.
Ông Trang Hồng Nghĩa - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, bãi rộng khoảng 1,4ha, hình thành gần 20 năm trước và là nơi tập kết rác của 11 xã, thị trấn. Rác thải khi được tập kết về đây sẽ được máy xúc và máy ủi đưa lên cao, phun hóa chất tạo phân hủy và khử mùi định kỳ.
Nói về tình trạng rác tràn ra gần quốc lộ, Phó chủ tịch huyện cho rằng một bộ phận người dân còn thiếu ý thức, không đi vào bên trong mà đổ ngay trước bãi tạo nên cảnh nhếch nhác.
“Huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên nhắc nhở, đồng thời nghiên cứu phương án lắp camera giám sát, xử phạt răn đe người vi phạm”, ông Nghĩa nói.
Hiện bãi rác tiếp nhận 10 tấn/ngày và đang tồn đọng trên 50.000 tấn. Chưa có nhà máy xử lý, thế nên trong tương lai số rác trên sẽ được đem đến nhà máy xử lý rác ở huyện Giồng Riềng. Tuy nhiên, nhà máy này cũng đang trong tình trạng “án binh bất động”.
Nhà máy xử lý rác nói trên do Công ty TNHH Mai Trần 2 đầu tư vào năm 2017, quy mô 10ha, công suất 245 tấn/ngày. Nhà máy tiếp nhận, xử lý rác cho 3 huyện Giồng Riềng, Gò Quao và Châu Thành.
Đại diện công ty cho biết nhà máy đang trong quá trình hoàn thành để vận hành kỹ thuật. Đồng thời, công ty cũng phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện các thủ tục cấp phép môi trường, sớm đưa vào hoạt động.
Thông tin tại kỳ họp HĐND cuối năm 2024, ông Nguyễn Thanh Nhàn - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhận định, xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề cấp thiết, rất được người dân quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông, nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (TP Rạch Giá) qua kiểm tra đã khắc phục tình trạng nước đọng từ xe rác, giảm mùi hôi và cải tạo tuyến đường vào nhà máy.
“Nhà máy xử lý rác Đồng Cây Sao (TP Phú Quốc) với công suất 150 tấn/ngày đêm phát huy hiệu quả, sớm xử lý dứt điểm trên 125.000 tấn rác tồn đọng. Riêng nhà máy xử lý rác tại huyện Giồng Riềng sẽ đi vào hoạt động từ quý 3 năm nay”, ông Nhàn nói.
Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra tình hình thực hiện dự án, đánh giá khối lượng, phương án thu gom, xử lý rác tại 2 huyện Giang Thành, Kiên Lương và TP Hà Tiên… Trên cơ sở đó, tỉnh xem xét, xử lý cụ thể và dự kiến hoàn thành trong quý 1/2025.