Lưu ý 'sát sườn' để hưởng 100% quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh ngoại tỉnh
Để hưởng 100% quyền lợi BHYT khi đi viện, người đến tỉnh khác trong thời gian dưới 30 ngày để thăm thành viên gia đình như vợ, chồng, bố mẹ đẻ... cần xuất trình cho cơ sở khám chữa bệnh giấy tờ thể hiện mối quan hệ.
Đây là điểm mới hướng dẫn về quy định người dân khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu do thay đổi nơi tạm trú, lưu trú được nêu trong Thông tư 01 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Thông tư do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1.
Trước đây, luật quy định người bệnh đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương không được khám chữa bệnh thông tuyến tại cơ sở tuyến huyện, tuyến xã.
Với hướng dẫn mới nhất của Thông tư 01, một số đối tượng khi đến tỉnh khác nếu thực hiện đủ các thủ tục khai báo, xuất trình giấy tờ hợp lệ, dù đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở cấp chuyên sâu và cấp cơ bản ở tỉnh A, khi thay đổi nơi tạm trú, lưu trú tới tỉnh khác vẫn được đến khám chữa bệnh tại cơ sở cấp cơ bản, ban đầu phù hợp ở nơi mới. Họ được quỹ BHYT thanh toán theo quy định như "đúng tuyến" (100% mức hưởng ghi trên thẻ, tức là 100 - 95 và 80% tùy từng trường hợp).
Thông tư 01 quy định các trường hợp được hưởng quyền lợi này là người thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày (lưu trú) đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú, gồm:
- Người đi công tác đến tỉnh/thành khác
- Học sinh, sinh viên, học viên học tập tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, tết tại gia đình hoặc trong thời gian thực hành, thực tập, đi học tại tỉnh khác
- Người lao động tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép tại gia đình
- Người làm việc lưu động tại tỉnh khác
- Người đi đến tỉnh khác để thăm thành viên gia đình theo quy định tại khoản 16 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Thành viên gia đình bao gồm:
- Vợ, chồng
- Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng
- Con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể
- Anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha
- Ông bà nội, ông bà ngoại
- Cháu nội, cháu ngoại
- Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), lấy ví dụ: Sinh viên A. quê ở Hà Nam, lên Hà Nội học, đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở y tế thuộc Hà Nội. Trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, sinh viên A. về quê, phải thay đổi nơi lưu trú, vẫn được khám chữa bệnh tại các cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu tại quê Hà Nam và được thanh toán 100% mức hưởng quy định.
Thủ tục khám chữa bệnh BHYT khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú
Thủ tục đầu tiên người dân tham gia BHYT phải thực hiện là đăng ký tạm trú hoặc thông báo về việc thay đổi lưu trú. Cơ quan tiếp nhận thông tin sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiển thị lên ứng dụng VNeID. Trên cơ sở này, người tham gia BHYT sẽ được khám chữa bệnh ở cấp ban đầu, cấp cơ bản mà không phân biệt nơi đăng ký ban đầu trước đó dù ở cấp nào.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT. Ảnh: Trần Minh
Đối với trường hợp thay đổi nơi lưu trú, người dân cần cung cấp cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT đầy đủ giấy tờ liên quan và thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
Các giấy tờ như: Văn bản cử đi công tác; thẻ học sinh, sinh viên, học viên; văn bản nghỉ phép có xác nhận của đơn vị công tác; văn bản cử hoặc phân công nhiệm vụ làm việc lưu động của đơn vị công tác; giấy tờ thể hiện quan hệ thành viên gia đình theo pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Ví dụ, chị B. có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các cơ sở y tế cấp chuyên sâu hoặc cơ bản thuộc Hà Nội.
Chị về thăm chồng (thường trú tại Hà Tĩnh) trong 3 tuần (nghĩa là chị B. thay đổi nơi lưu trú), thời gian này chị phải đi khám chữa bệnh ở bệnh viện cấp cơ bản tại tỉnh Hà Tĩnh.
Để được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT, chị cần xuất trình với cơ sở khám chữa bệnh giấy tờ thể hiện quan hệ thành viên gia đình theo pháp luật về hôn nhân và gia đình cùng thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ vợ, chồng gồm: Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận của UBND cấp xã hoặc cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú.
Trường hợp thay đổi nơi tạm trú, người tham gia BHYT xuất trình cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT một trong các giấy tờ chứng minh thông tin về thay đổi nơi tạm trú. Giấy tờ bao gồm phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú. Hoặc, thông tin về đăng ký tạm trú trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.