Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)
Chiều 21/5, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn SK (Hàn Quốc) tổ chức hội thảo chuyên đề 'Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)'.

Khí thiên nhiên hóa lỏng giúp phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững. (Ảnh: PV)
Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Hợp tác chia sẻ giải pháp cho các ngành công nghiệp tương lai”. Đây cũng là một phần trong sáng kiến hợp tác giữa hai bên nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chiến lược như năng lượng sạch và chuyển đổi số.
Khoảng 100 đại biểu, bao gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng, cùng các chuyên gia từ Tập đoàn SK và các tổ chức quốc tế đã tham dự hội thảo.
Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)-nguồn năng lượng chuyển tiếp quan trọng
Trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang được định hướng là nguồn năng lượng chuyển tiếp quan trọng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhấn mạnh, trong chương trình hợp tác lần này, Trung tâm giữ vai trò là đầu mối kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, giới nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị ngành khí thiên nhiên hóa lỏng tại Việt Nam.
Trung tâm sẽ tập trung xây dựng hệ sinh thái năng lượng sạch thông qua tổ chức các hoạt động chia sẻ tri thức, kết nối chuyên gia, doanh nghiệp và đối tác quốc tế, nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, cập nhật các vấn đề xu hướng mới trong ngành và thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các bên, góp phần thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của Chính phủ.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. (Ảnh: HNV)
Ông Yoo Youngwook, Phó Chủ tịch điều hành, bộ phận toàn cầu và năng lượng tái tạo cho biết, Tập đoàn SK là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, với hơn 190 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin và chất bán dẫn.
SK theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, lấy đổi mới sáng tạo làm trọng tâm để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và góp phần giải quyết các thách thức của tương lai. “Hiện nay, Tập đoàn cũng mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đồng thời đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình chuyển dịch năng lượng hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Yoo Youngwook thông tin.
Đánh giá Việt Nam đang phát triển kinh tế nhanh chóng với nhu cầu năng lượng tăng cao, đại diện tập đoàn cho biết, tập đoàn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm cơ hội để tăng cường hỗ trợ, hợp tác cho sự phát triển, tăng trưởng kinh tế cao, lâu dài, bền vững của Việt Nam.
Cụ thể, tập đoàn đề xuất xây dựng các nhà máy điện LNG quy mô lớn, trên cơ sở đó tiếp tục phát triển các trung tâm năng lượng mới gắn với phát triển trí tuệ nhân tạo, logistics, hydrogen, nông nghiệp thân thiện môi trường và đổi mới sáng tạo.
Những dự án này sẽ mang lại tác động tích cực, không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, bảo đảm điện, phát triển các ngành công nghiệp then chốt, thu hút đầu tư, giảm phát thải CO2, tạo việc làm mà còn có thể cải thiện cán cân thương mại với nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam thông qua việc nhập khẩu nguyên liệu.
“SK cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) thông qua các chương trình đào tạo nhân lực, nghiên cứu về hydrogen, trí tuệ nhân tạo; tổ chức diễn đàn của giới kinh tế và học thuật của Hàn Quốc tại Hà Nội”, ông Yoo nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, làm rõ vai trò của Quy hoạch điện VIII, giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến trong ngành công nghiệp khí thiên nhiên hóa lỏng, kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc trong chuỗi giá trị khí thiên nhiên hóa lỏng, đồng thời thảo luận về các thông lệ quốc tế trong đầu tư và mô hình hợp đồng, hướng khí thiên nhiên hóa lỏng trong Quy hoạch tới phát triển bền vững và hiệu quả lĩnh vực này tại Việt Nam.
Cụ thể, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi về bối cảnh ngành khí thiên nhiên hóa lỏng tại Việt Nam; giới thiệu Tập đoàn SK với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh; cập nhật tổng quan về ngành khí thiên nhiên hóa lỏng toàn cầu; phân tích chuỗi giá trị khí thiên nhiên hóa lỏng và làm rõ các đặc điểm, cơ cấu hợp đồng phổ biến trong lĩnh vực này.
Khí thiên nhiên hóa lỏng đáp ứng kỳ vọng và cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng 0
Khẳng định SK là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh, ông Nguyễn Thạc Phong, Giám đốc quan hệ Chính phủ, Văn phòng đại diện SK tại Việt Nam chia sẻ, SK hiện có khoảng 200 công ty con, tổng doanh thu năm 2024 đạt hơn 150 tỷ USD hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Tại Việt Nam, SK đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD vào Vingroup, Masan, Công ty dược Imexpharm, dự án sản xuất vật liệu phân hủy sinh học thân thiện môi trường… và đang tiếp tục mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực là thế mạnh của tập đoàn như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch LNG, điện gió, mặt trời và hướng tới hydrogen), dược phẩm-y tế, logistics, công nghệ thông tin.
Thông tin tổng quan về ngành khí thiên nhiên hóa lỏng toàn cầu, ông Keith Mark Doten, Giám đốc tư vấn giao dịch PWC cho rằng, trong xu thế chung, Việt Nam đã và đang tham gia thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng. Với khả năng lưu trữ năng lượng lớn và giảm lượng khí thải độc hại, khí thiên nhiên hóa lỏng đã trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí đáng kể.

Ông Keith Mark Doten, Giám đốc tư vấn giao dịch PWC tham luận tại hội thảo. (Ảnh: HNV)
Trong những năm gần đây, những cải tiến trong kỹ thuật hóa lỏng và kỹ thuật đóng tàu tiên tiến hơn đã thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng. Hoạt động vận chuyển khí trên một quãng đường dài đã trở nên khả thi và mang lại hiệu quả kinh tế.
“Trong tương lai không xa, khí thiên nhiên có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, từ đó, đáp ứng được kỳ vọng và cam kết đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 của Chính phủ Việt Nam”, ông Keith Mark Doten nhận định.
Hội thảo nhất trí cao rằng, chuyển đổi sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng thay thế cho các nhiên liệu truyền thống như than đá, dầu mỏ đang là xu hướng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14GW điện khí LNG và 12-15GW nguồn năng lượng tái tạo. Đây cũng sẽ là bước đi hiệu quả trong hành trình vươn mình ở kỷ nguyên mới của đất nước ta.