Đổi mới cách tuyên truyền phổ biến pháp luật trong học đường ở Sơn La
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong trường học được các lực lượng chức năng tại tỉnh Sơn La đặc biệt chú trọng. Bám sát đặc điểm, điều kiện địa phương, nội dung, hình thức tuyên truyền từng bước đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh.
Có mặt tại huyện Mường La (Sơn La), mỗi sáng thứ 2 đầu tháng, Trường THPT Mường La đều mời lực lượng Công an huyện Mường La phối hợp tổ chức tuyên truyền với các em học sinh. Với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, thông qua mỗi buổi tuyên truyền giáo viên và học sinh đã tăng cường thêm kiến thức và ý thức chấp hành, ngoài ra đã góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Đồng thời, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.
Cô giáo Đinh Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Mường La, chia sẻ: Ngoại khóa là hình thức tuyên truyền, PBGDPL thiết thực cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về pháp luật, từ đó chủ động tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật và truyền tải kiến thức pháp luật tới người thân, gia đình và xã hội. Nhà trường còn tuyên truyền PBGDPL cho các em thông qua giờ học trên lớp; tuyên truyền ít nhất 1 văn bản pháp luật vào chào cờ thứ hai hằng tuần.
Hiện nay, toàn tỉnh có 610 trường học, trên 375.000 học sinh và hơn 23.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 100% trường học trên địa bàn tỉnh thành lập Ban PBGDPL và thành lập chuyên trang tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo. Ở mỗi cấp học, việc tổ chức tuyên truyền, PBGDPL được triển khai linh hoạt. Trong đó, bậc mầm non chủ yếu dạy trẻ về một số quy định của Luật Giao thông đường bộ; chú trọng đổi mới sử dụng hình ảnh trực quan, các clip về tình huống cụ thể để trẻ quan sát và cho trẻ tham gia các trò chơi mô phỏng hoạt động tham gia giao thông.
Đối với các trường từ cấp tiểu học trở lên, 100% trường lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh trong các môn giáo dục công dân; phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề, hỏi đáp; ngoại khóa, sân khấu hóa, phiên tòa giả định, giao lưu, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, vẽ tranh chủ đề pháp luật, giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật.
Nét nổi bật trong công tác tuyên truyền PBGDPL tại trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đó là các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền. Điển hình là trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các trường tổ chức tuyên truyền PBGDPL với các hình thức: thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi. Đồng thời, phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung PBGDPL vào hoạt động văn hóa, văn nghệ… Cùng với việc tuyên truyền lý thuyết, trong buổi ngoại khóa các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức hỏi - đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu mà vô cùng “thực tế”, tổ chức các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học” làm cho các em học sinh yêu thích và hào hứng tham gia. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, bảo đảm đúng trình độ, năng lực chuyên môn. Hằng năm, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật cho giáo viên, phục vụ giảng dạy, tuyên truyền pháp luật cho học sinh; cập nhật nhiều văn bản pháp luật mới trong trường học...
Thiếu tá Hoàng Minh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Mường La thông tin: “Lực lượng CSGT đã tuyên truyền đã cảnh báo về TNGT, nỗi lo hậu quả thiệt hại về người và tài sản, đồng thời chỉ dẫn một số quy tắc chung khi tham gia giao thông, kỹ năng cơ bản khi điều khiển xe máy, xe đạp điện, xe đạp, biển báo giao thông cần biết, một số biện pháp xử lý tình huống giao thông… Đặc biệt từ các video trình chiếu những hình ảnh hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, “điểm mù” của xe ôtô cần phòng tránh và các tình huống thường dẫn đến TNGT đã thu hút sự quan tâm của học sinh. Hào hứng và sôi nổi nhất vẫn là phần đố vui có thưởng với những nội dung liên quan đến TTATGT khiến cho đối tượng tham gia phấn khích khi trả lời đúng những câu hỏi đặt ra và được nhận những phần quà tặng”.
Theo số liệu thống kê: Từ năm 2023 đến nay, Sở GD&ĐT đã cử hơn 300 cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục và các báo cáo viên cấp tỉnh tham gia các lớp tập huấn về pháp luật. Đồng thời, tổ chức 8 lớp bồi dưỡng kiến thức về pháp luật cho 700 giáo viên môn giáo dục công dân tại các cơ sở giáo dục. Các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện hơn 2.000 buổi tuyên truyền PBGDPL cho hơn 390.000 lượt học sinh tham gia.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Ngành đã chỉ đạo các trường học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tuyên truyền, PBGDPL. Khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tra cứu thông tin pháp luật trên các kênh pháp luật, các diễn đàn trực tuyến, nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, tuyên truyền, PBGDPL và phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật.
Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các trường học đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh Sơn La.