Đọc 'Vang Danh Nghề Cổ', thấy mình rong ruổi khắp các làng nghề cổ Việt Nam

Khi kiến thức về di sản không chỉ nằm ở bảo tàng, mà còn được lưu giữ trong những trang sách cho thiếu nhi, sẽ có thêm nhiều những bạn nhỏ am hiểu về những làng nghề truyền thống, nơi bảo tồn cả một kho tàng lịch sử, thẩm mỹ và tinh thần Việt Nam.

Chỉ trong vòng một năm, nhóm tác giả gồm Phương Bùi, Thành Nguyễn (viết lời) và các họa sĩ Bùi Xuân Quỳnh, Ruốc Đặng và NGART đã cùng nhau cho ra mắt 10 tập tranh truyện trong bộ sách Vang Danh Nghề Cổ.

Bộ sách "Vang Danh Nghề Cổ" hiện đã có 10 tập tranh truyện.

Bộ sách "Vang Danh Nghề Cổ" hiện đã có 10 tập tranh truyện.

Với văn phong giản dị, dễ hiểu, cùng lối kể chuyện cuốn hút, trong mỗi một tập, độc giả nhí sẽ có dịp theo chân cô bé An (7 tuổi) nhảy “ùm” vào những trải nghiệm khác nhau, đi tới nhiều vùng miền để khám phá về các làng nghề thú vị.

Cùng đi với An, các bạn nhỏ sẽ có dịp tìm hiểu về lịch sử phát triển, cũng như quy trình độc đáo của các làng nghề như: Chạm bạc Đồng Xâm, làng mộc Chàng Sơn, nước mắm Phú Quốc, làng rèn Vân Chàng, lụa Lãnh Mỹ A, làng gốm Bàu Trúc, thúng chai Phú Mĩ, Trống Đọi Tam, giấy dó bản Sưng, phường đúc Huế.

Các tác giả và họa sĩ đã bật mí về những thách thức khi bắt tay làm bộ sách "Vang Danh Nghề Cổ".

Các tác giả và họa sĩ đã bật mí về những thách thức khi bắt tay làm bộ sách "Vang Danh Nghề Cổ".

Xuất thân từ một người làm truyền hình, từng làm chương trình về các làng nghề Việt, nhưng khi anh Thành Nguyễn bắt tay cùng chị Phương Bùi - một nhà nghiên cứu văn hóa, để viết lời cho bộ sách Vang Danh Nghề Cổ, cả hai tác giả vẫn dành nhiều thời gian tra cứu thêm từ bộ Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, cũng như tham khảo thêm từ chính nghệ nhân của các làng nghề.

Do vậy, bộ Vang Danh Nghề Cổ bên cạnh phần tranh truyện về hành trình khám phá của cô bé An, sách còn mô tả kĩ lưỡng các công đoạn chính tạo nên sản phẩm, cùng với đó là giới thiệu những làng nghề tương tự tới các bạn nhỏ biết thêm nhiều điều mới.

Mỗi một tập truyện là một hành trình ly kỳ của cô bé An khám phá các làng nghề.

Mỗi một tập truyện là một hành trình ly kỳ của cô bé An khám phá các làng nghề.

Nói về tiêu chí chọn làng nghề để đưa vào bộ sách, anh Thành Nguyễn cho biết làng nghề được chọn dựa vào sự đặc trưng tiêu biểu.

Ví như thời xưa hầu như các làng nghề ven sông thường đều có nghề gốm. Nói về nghề gốm thì có rất nhiều làng nghề như làng gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, gốm sứ Cậy, gốm sành Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, gốm Hoa Mai… Trong số đó, gốm Bàu Trúc được chọn để đưa vào bộ sách Vang Danh Nghề Cổ vì gốm Bàu Trúc là làng nghề lâu đời, thậm chí có thể xếp vào hàng lâu nhất ở Đông Nam Á, cùng với đó là quy trình tạo tác khá khác biệt so với các làng gốm khác.

"Phường Đúc Huế" là một "thách thức" với nhóm tác giả.

"Phường Đúc Huế" là một "thách thức" với nhóm tác giả.

Trong 10 tập của Vang Danh Nghề Cổ, một trong những tập truyện mang đến thách thức nhưng cũng thú vị không kém chính là về Phường Đúc Huế - có từ thời Chúa Nguyễn, nơi có nghề đúc đồng làm ra binh khí, đồ lễ nghi, sinh hoạt cho phủ Chúa.

Hiện làng nghề này không còn tồn tại, nên nhóm tác giả đã cho cô bé An có dịp xuyên không về thời Chúa Nguyễn, hóa thân thành một tiểu thư thời xưa để cô bạn có dịp khám phá về Phường Đúc Huế. Nhưng chính điều này lại là một thử thách cho team họa sĩ khi phục dựng về trang phục, bối cảnh, đời sống, công cụ lao động của làng nghề.

Bộ sách mang đến những kiến thức nền tảng, giúp các bạn tween có thêm hiểu biết về những nghề cổ ở Việt Nam.

Bộ sách mang đến những kiến thức nền tảng, giúp các bạn tween có thêm hiểu biết về những nghề cổ ở Việt Nam.

Với Vang Danh Nghề Cổ, mỗi tập truyện như một tấm bản đồ giúp các độc giả nhí khám phá từng làng nghề với những nét độc đáo riêng, kèm với những bí mật, khiến các bạn nhỏ say mê rong ruổi cùng hành trình của cô bé An.

Khi kiến thức về di sản không chỉ nằm ở bảo tàng, mà còn được lưu giữ trong những trang sách cho thiếu nhi, sẽ có thêm nhiều những bạn nhỏ am hiểu về những làng nghề truyền thống, nơi bảo tồn cả một kho tàng lịch sử, thẩm mỹ và tinh thần Việt Nam.

Và biết đâu, trong mùa Hè này, những trang sách chính là sự khởi đầu, cho hành trình các bạn nhỏ cùng ba mẹ rong ruổi khám phá những vùng đất mới, nơi lưu dấu của các làng nghề cổ, khám phá những di sản đáng tự hào của người Việt.

Thùy Dương - Ảnh: NXB Kim Đồng

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/doc-vang-danh-nghe-co-thay-minh-rong-ruoi-khap-cac-lang-nghe-co-viet-nam-post1735262.tpo
Zalo