Đọc sách thời… AI
Một cuộc tọa đàm về văn hóa đọc với chủ đề 'Sách và giới trẻ trong kỷ nguyên số' vừa diễn ra tại Đà Nẵng thu hút nhiều sự quan tâm của người yêu sách và cả các chuyên gia. Vấn đề được đặt ra tại tọa đàm cũng đang là trăn trở, băn khoăn của nhiều người, đó là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng học trực tuyến và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số thì sách sẽ dần bị thay thế?

Sách in vẫn có vị trí rất quan trọng với các bạn đọc trẻ. Ảnh: Hà Thư.
Thói quen đọc sách thay đổi?
Theo các diễn giả tại tọa đàm, sự xuất hiện của công nghệ như ChatGPT, các nền tảng học trực tuyến và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nhiều người cho rằng sách dần bị thay thế. Ví dụ, các ứng dụng học trực tuyến có thể cung cấp lượng kiến thức khổng lồ và kịp thời cập nhật, từ đó giúp người học tiếp cận tri thức nhanh chóng và dễ dàng. AI có thể hỗ trợ trong việc phân tích dữ liệu trong quá trình học tập và cung cấp thông tin nhanh hơn so với sách truyền thống.
Một thực tế đáng chú ý là thói quen đọc sách của giới trẻ hiện nay đã thay đổi rõ rệt so với trước đây. Thay vì dành hàng giờ đọc một cuốn sách dài, nhiều người trẻ hiện nay thích tiếp nhận thông tin thông qua những bài viết ngắn, video tóm tắt hoặc nội dung do AI tạo ra. Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với việc duy trì và phát triển văn hóa đọc trong thời đại số.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá lo ngại vì thời đại AI thì càng phải đọc sách nhiều hơn nữa. Theo PGS.TS Lê Phước Cường - Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), trước đây, tri thức nhân loại phát triển với tốc độ tương đối ổn định, cứ khoảng 5 năm thì gấp đôi lên một lần. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của AI tốc độ này đã tăng lên, có thể gấp đôi từ 2 đến 3 lần trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Nếu chúng ta không đọc sách và học hỏi, chúng ta bị lạc hậu.
Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta phải tận dụng AI cho việc đọc sách phù hợp và hiệu quả hơn. TS Phạm Việt Long - Chủ tịch Hội đồng quản lý Nhà xuất bản Dân trí cho biết, AI có thể cá nhân hóa nội dung đọc, đề xuất sách phù hợp với sở thích của từng cá nhân. Từ đó giúp người đọc dễ dàng tìm thấy những cuốn sách mà họ quan tâm.
Các nền tảng AI cũng có thể tạo ra những trải nghiệm đọc sách tương tác hơn, chẳng hạn như sách có hình ảnh động, âm thanh minh họa hoặc trò chơi liên quan đến nội dung sách, giúp thu hút giới trẻ. Đối với những người khiếm thị hoặc bận rộn, AI có thể cải tiến các phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói, giúp họ tiếp cận sách dễ dàng hơn. Ngoài ra, AI còn có thể hỗ trợ tác giả trong quá trình sáng tác, giúp tóm tắt nội dung sách nhanh chóng hoặc tạo ra những công cụ giúp người đọc ghi nhớ nội dung hiệu quả hơn.
“Như vậy, thay vì làm mất đi thói quen đọc sách, AI và công nghệ số có thể trở thành cầu nối giúp việc đọc sách trở nên thuận tiện và thú vị hơn trong thời đại số” - ông Long nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng, những người khôn ngoan và thức thời chắc chắn sẽ sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc đọc. Trong thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi số, AI sẽ tạo ra cho bạn đọc nhiều cơ hội nhưng hơn ai hết, người đọc cũng phải tự trang bị cho mình những hiểu biết để có thể làm chủ được AI để tiếp cận, chọn lựa và sử dụng thông tin một cách hiệu quả.
Sách in không bao giờ “chết”
Mặc dù AI mang lại nhiều thay đổi trong cách con người tiếp cận tri thức, nhưng sách in vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và trí tuệ. Sự khác biệt lớn nhất giữa AI và sách chính là ở cách con người tiếp nhận và xử lý thông tin. AI có thể cung cấp thông tin nhanh chóng, nhưng sách giúp con người suy ngẫm, kết nối ý tưởng và phát triển tư duy một cách sâu sắc hơn.
Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, dù khoa học công nghệ có phát triển như thế nào thì việc đọc sách vẫn có một vai trò hết sức quan trọng.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc đọc sách truyền thống khiến việc ghi nhớ, lưu giữ thông tin sẽ nhanh và bền vững hơn; các sách, tài liệu in có nhà xuất bản, địa chỉ xuất bản đã được biên tập sẽ hạn chế bớt những sai sót về mặt này mặt khác. Mặt khác, việc được cầm 1 cuốn sách trên tay, cảm nhận được mùi thơm của giấy mới cũng đem lại niềm phấn chấn cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Không phải vô cớ mà nhân loại đã nhìn sách là một dạng di sản văn hóa, trong đó không chỉ đơn thuần lưu giữ thông tin tri thức mà còn phản ánh trình độ văn minh, bản sắc của một dân tộc.
Cách đây ít lâu, hai tác giả Jean-Claude Carrìere và Umberto Eco đã có những cuộc luận bàn thú vị về vấn đề đọc sách và tương lai của sách trong thời đại kỹ thuật số và từ đó hình thành nên cuốn sách “Đừng mơ từ bỏ sách giấy”.
“Cũng như hai tác giả đó, tôi luôn có một niềm tin, sách in sẽ không bao giờ chết. Trên thế giới, có một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù đã có sự phát triển nhiều định dạng khác nhau nhưng cho đến thời điểm này, việc đọc sách in vẫn được ưa chuộng hơn sách điện tử và sách nói, ngay cả ở các nước phát triển như Pháp, Đức, Mỹ…”- bà Ngà nói.
Chung nhận định, công nghệ mang lại nhiều tiện ích, song việc đọc sách truyền thống vẫn có những lợi ích mà sách điện tử hay AI không thể thay thế, TS Phạm Việt Long cho rằng, đọc sách giúp tăng khả năng tập trung, giảm sự xao nhãng do thông báo từ thiết bị điện tử. Hơn nữa, việc cầm một cuốn sách, lật từng trang giấy giúp tăng cường trí nhớ và khả năng tiếp thu thông tin tốt hơn so với việc đọc trên màn hình.
Bên cạnh việc không thể thay thế đọc sách giấy, theo ông Đỗ Kim Cơ - Giám đốc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam, sách điện tử cũng là một xu thế không thể cưỡng lại của hoạt động xuất bản. Khoảng 4 năm gần đây, xu hướng đọc có sự thay đổi, trong đó sách điện tử ngày càng có vị trí đặc biệt. Dự báo trong thời gian tới, sách điện tử sẽ ngày càng nhận được sự quan tâm hơn của độc giả, nhất là những người trẻ.