Độc đáo lễ hội đầu xuân ở vùng đất có sông Hương, núi Ngự

Vào những ngày đầu xuân mới Ất Tỵ 2025, đông đảo du khách trong và ngoài nước đã đến tham quan Cố đô Huế và cùng đắm mình vào không khí vui nhộn, rộn ràng, độc đáo của nhiều lễ hội.

Những lễ hội diễn ra ở các làng, xã thuộc TP Huế không những bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần kích cầu du lịch, thu hút đông đảo người dân và du khách đến với vùng đất có sông Hương, núi Ngự.

Ngày mùng 4 Tết Ất Tỵ năm nay, có rất đông người dân và du khách hào hứng đến tham gia hội đu tiên được tổ chức ở làng Gia Viên, phường Phong Hiền (thị xã Phong Điền, TP Huế). Theo các bậc cao niên ở làng này, trải qua hàng trăm năm, đến nay hội đu tiên vẫn được địa phương duy trì tổ chức tại đình làng vào dịp đầu xuân để cầu mong một năm mới may mắn, bình an.

Hội vật truyền thống làng Thủ Lễ dịp đầu năm mới Ất Tỵ thu hút đông đảo người dân, du khách.

Hội vật truyền thống làng Thủ Lễ dịp đầu năm mới Ất Tỵ thu hút đông đảo người dân, du khách.

Để tổ chức hội đu tiên, từ những ngày cuối tháng Chạp, dân làng Gia Viên đã cùng nhau dựng cây đu bằng những cây tre già. Mở đầu hội đu tiên, một bô lão với trang phục áo dài khăn đóng chỉnh tề lên đu tiên. Tiếp đó là phần thi tranh tài của các nam thanh niên và người dân địa phương trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả.

“Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, làng Gia Viên lại tổ chức hội đu tiên truyền thống. Năm nay, hội đu tiên có hàng trăm người dân và con em làm ăn ở các tỉnh, thành trở về quê hương tham gia nên không khí vui tươi, phấn khởi hơn những năm trước. Trong hội đu, người nào chạm tay được vào tấm vải đỏ treo trên đỉnh cây đu thì sẽ giành được chiến thắng. Không những là trò chơi dân gian mà hội đu tiên được tổ chức để cầu mong một năm mới tốt lành đến với tất cả mọi người, mọi nhà”, cụ ông Trương Trân ở làng Gia Viên cho biết thêm.

Cũng với mục đích cầu mong một năm mới bình an, may mắn, mùa màng bội thu nên cứ đến mùng 6 tháng Giêng hàng năm, làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền, TP Huế) lại tổ chức hội vật đầu xuân mới. Năm nay, hội vật truyền thống được tổ chức quy mô, thu hút 120 đô vật các lứa tuổi và hàng trăm người dân, du khách đến tham gia cổ vũ. Với các thế vật đẹp mắt, các đô vật phải vật cho đối thủ “lấm lưng trắng bụng” mới giành chiến thắng. Theo lãnh đạo UBND huyện Quảng Điền, nhằm phát huy tinh thần thượng võ cũng như mục đích tuyển chọn các vận động viên tiềm năng cho đội tuyển vật của TP Huế, huyện Quảng Điền đã đưa môn vật vào các trường học trên địa bàn huyện và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của học sinh, phụ huynh.

Một trong những lễ hội được tổ chức vào đầu tháng Giêng hàng năm luôn thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự là lễ hội đền Huyền Trân diễn ra tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, quận Thuận Hóa, TP Huế). Đây được xem là sự kiện văn hóa, lễ hội lớn của TP Huế vào đầu xuân mới để tưởng nhớ công lao của công chúa Huyền Trân - ái nữ của vua Trần Nhân Tông, người đã góp công lập nên vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Sau nghi thức khai hội, người dân và du khách cùng dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.

Ngoài lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống được nhiều địa phương ở TP Huế tổ chức vào dịp đầu năm mới như hội đu tiên, vật Thủ Lễ, vật làng Sình, lễ hội đền Huyền Trân, vùng đất Cố đô còn có các lễ hội cung đình hiện đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phục dựng, tái hiện theo nghi thức truyền thống của triều Nguyễn ngày xưa. Trong đó phải kể đến lễ dựng nêu được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp và lễ hạ nêu, khai ấn tại Triệu Miếu, Thế Miếu, Đại Nội Huế vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Bên cạnh đó, chương trình “Phong vị Tết Huế” được tổ chức vào dịp Tết tại Đại Nội Huế gồm biểu diễn âm nhạc, các trò chơi cung đình, dân gian, trình diễn thư pháp, tặng chữ, gói bánh chưng, bánh tét đã thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia.

Nhờ sự vào cuộc của chính quyền các cấp cùng ngành Văn hóa TP Huế trong công tác nghiên cứu, phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc và những ngày đầu xuân nên đến nay, các lễ hội đã được tổ chức bài bản, khoa học hơn. Ngoài ý nghĩa mang tính văn hóa, tâm linh, việc tổ chức lễ hội còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng đất địa phương, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và vui chơi lễ hội.

Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Huế cho biết, các hoạt động lễ hội, du lịch, dịch vụ đầu năm mới Ất Tỵ 2025 ở địa bàn thành phố đã thu hút đông đảo du khách tham gia. Nhờ vậy nên vào dịp Tết năm nay, TP Huế đón hơn 150.000 lượt khách, tăng 36,67% so với kỳ nghỉ Tết năm trước. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 69.000 lượt; khách nội địa đạt 81.280 lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt 245 tỷ đồng, tăng 48,48% so với cùng kỳ.

“Các lễ hội đầu xuân và hoạt động đón Tết cổ truyền trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cũng tổ chức chương trình tham quan cho du khách trải nghiệm trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa ngày Tết Huế, các dịch vụ du lịch như cho thuê áo dài truyền thống, chụp ảnh lưu niệm tại các điểm tham quan nổi tiếng của TP Huế cũng được phát huy. Ngoài các địa điểm tổ chức lễ hội, một số điểm di tích như Đại Nội, điện Thái Hòa, điện Kiến Trung, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức… cũng thu hút rất đông du khách đến tham quan vào dịp đầu năm mới”, ông Hoàng Phước Nhật chia sẻ thêm.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/doc-dao-le-hoi-dau-xuan-o-vung-dat-co-song-huong-nui-ngu-i758568/
Zalo