Chùa cổ lịch sử hơn 600 năm tại Hà Tĩnh

Chùa Gìn (Đức Thọ, Hà Tĩnh), có lịch sử hơn 600 năm được cho gắn liền với vị tướng đánh giặc Minh được phục dựng và đang trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh thu hút nhiều người.

Phục dựng Chùa Gìn có lịch sử hơn 600 năm

Các cụ cao niên sinh sống tại Yên Phúc (Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) kể lại, chùa Gìn xưa được xây dựng bằng nhiều gian gỗ lim rất bề thế, trong chùa có cây thị cổ thụ rất lớn và có cả giếng cổ. Đáng chú ý, giếng cổ có mặt bằng cao hơn khoảng 1 mét so với mực nước xung quanh nhưng trải qua nhiều trận hạn hán lớn, giếng nước của người dân xung quanh đều bị cạn riêng chỉ có nước giếng cổ chùa Gìn vẫn luôn đầy.

Cũng theo các cụ cao niên sống nhiều năm ở đây, nếu trong làng có việc không vui thì nước giếng chùa chuyển sang màu đục, còn cuộc sống của người dân Yên Phúc bình yên, no ấm thì nước của giếng chùa luôn có màu trong xanh như ngọc.

Một góc giếng cổ của chùa Gìn có tuổi đời hơn 600 năm vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Một góc giếng cổ của chùa Gìn có tuổi đời hơn 600 năm vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

"Ngôi chùa linh thiêng là vậy nhưng dưới sự tàn phá của nhiều cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến dịch đốt, phá của quân nhà Minh từ thời Bắc thuộc và tiếp đó là sự tàn phá của thực dân Pháp, ngày nay chùa Gìn chỉ còn lại một ít linh vật cổ như lư hương, rùa đá và giếng cổ... Chùa có lịch sử lâu đời, là di tích văn hóa của địa phương nên người dân nơi đây đều rất mong muốn phục dựng lại để làm nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân", một cụ cao niên tại làng Yên Phúc (Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho hay.

Từ thông tin các cụ cao niên tại làng Yên Phúc kể lại, lần theo tư liệu lịch sử có thể thấy, chùa Gìn được xây dựng từ thời nhà Trần, khoảng hơn 600 năm trước. Bên cạnh đó, còn có thuyết cho rằng, chùa Gìn liên quan đến vua Trùng Quang Đế - Vị hoàng đế cuối cùng của nhà Hậu Trần trị vì từ 1409 đến 1413.

Theo đó, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nhà Hồ thất bại, một số tôn thất và quan lại cũ triều Trần đã tôn Trùng Quang Đế lên làm vua để dựng cờ chống giặc phương Bắc. Sau khi lên ngôi Trùng Quang Đế cùng nhiều công thần, tướng lĩnh như Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu… đã cùng nhau đánh giặc Minh xâm lược trong suốt 5 năm trời. Vị vua cuối của nhà Hậu Trần cùng nhiều tướng lĩnh khác đã tuẫn tiết vì nghĩa lớn, thể hiện khí phách bất khuất trước giặc phương Bắc và đã để lại tiếng thơm cho mãi ngàn thu về tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ giang sơn.

Chùa Gìn xưa có tên chữ là Yên Phúc Tự, thuộc làng Yên Phúc, xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), vị sư cuối cùng của ngôi chùa này là Nguyễn Dưỡng Giá, ông là người học rất giỏi, sau đó thi đậu tú tài. Ông từng tham gia khởi nghĩa Hương Khê và giữ đến chức Thượng biện Quân vụ kiêm Ngự tiền vản hồ giá của vua Hàm Nghi (1884 - 1944). Sau khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, Nguyễn Dưỡng Giá bỏ về nhà và xuất gia, tu tập rồi sau đó viên tịch tại chùa Gìn.

Dù mới chỉ được phục dựng một phần rất nhỏ nhưng sau khi mở cửa, không chỉ người dân Yên Phúc (Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) mà nhiều người dân các tỉnh thành khác cũng về đây chiêm bái.

Dù mới chỉ được phục dựng một phần rất nhỏ nhưng sau khi mở cửa, không chỉ người dân Yên Phúc (Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) mà nhiều người dân các tỉnh thành khác cũng về đây chiêm bái.

Sư thầy Thiện An, người trông giữ, quản lý Chùa Gìn cho hay: “Chùa Gìn xưa được làm bằng 3 gian gỗ lim, trong chùa có rất nhiều tượng phật, có cây thị cổ thụ và giếng để hoàng tộc, sư tăng dùng… Trải qua hàng trăm năm lịch sử với nhiều cuộc chiến tranh, chùa bị phá dỡ, tượng bị di dời khắp nơi, nhiều tượng, pháp khí bị hư hỏng.

Mới đây, trong quá trình khơi giếng cổ, người dân Yên Phúc cùng chính quyền địa phương đã tìm lại được lư hương cổ và con rùa làm bằng đá xanh… có tuổi đời khoảng hơn 600 năm.

Chùa Gìn được nhân dân địa phương quyên góp tiền, công sức phục dựng lại, và từ khi mở cửa trở lại không chỉ người dân làng Yên Phúc mà nhiều người dân ở các vùng lân cận, thậm chí cả người dân của các tỉnh, thành cũng về đây chiêm bái”.

Sư thầy Thiện An, người trông giữ, quản lý chùa Gìn hiện tại

Sư thầy Thiện An, người trông giữ, quản lý chùa Gìn hiện tại

Trao đổi với Gia đình Việt Nam, ông Bùi Anh Sơn – Chủ tịch UBND xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Chùa Gìn là di tích có lịch sử rất lâu đời ở địa phương. Việc phục hồi, tôn tạo lại chùa Gìn là để bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, vừa phát huy những truyền thống của cha ông đi trước. Đặc biệt hơn, khi mở cửa trở lại, qua các hoạt động của chùa sẽ góp phần rất lớn vào việc giáo dục con người hướng thiện, xây dựng xã hội an bình và góp phần phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đền thờ Nguyễn Biểu – Một tướng lĩnh của vua Trùng Quang Đế nhà Hậu Trần ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Đền thờ Nguyễn Biểu – Một tướng lĩnh của vua Trùng Quang Đế nhà Hậu Trần ở làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Hoàng Sơn

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/chua-co-lich-su-hon-600-nam-tai-ha-tinh-d204436.html
Zalo