Doanh nhân Nguyễn Đình Khánh: Người đặt nền móng cho nghề kinh doanh ảnh: Phát triển nhiếp ảnh theo hướng kinh doanh cả trong và ngoài nước (Kỳ 2)

Nguyễn Đình Khánh là người đặt nền móng cho nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam với thương hiệu 'Khánh Ký' nổi danh không chỉ ở Hà Nội. Ông còn được biết đến là ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, là người Việt Nam đầu tiên kinh doanh nghề ảnh khong những ở trong nước.

Không chỉ là một nhà nhiếp ảnh tài ba, một nhà kinh doanh thành đạt trong nghề nhiếp ảnh, Nguyễn Đình Khánh còn là một người yêu nước, hăng hái ủng hộ các chí sĩ cách mạng để giành độc lập cho đất nước.

Trong thời gian sinh sống và học nghề tại Pháp, Nguyễn Đình Khánh đã đạt đến trình độ nhiếp ảnh cao, đồng thời phát triển nhiếp ảnh theo hướng kinh doanh cả trong và ngoài nước, cho thấy sự thông minh và năng khiếu kinh doanh của ông.

Khánh Ký ở vườn Fontainebleau

Khánh Ký ở vườn Fontainebleau

Mở rộng nghề nhiếp ảnh tại Pháp và về nước

Năm 1913, khi Khánh Ký làm việc cho hiệu ảnh Gerchem ở đường Proni, Paris thì có cuộc thi chụp ảnh chân dung tân Tổng thống Pháp Raymond Poincaré. Khánh Ký đã tham gia và bức ảnh của ông được đánh giá là đẹp nhất, được chọn để đăng lên trang bìa của họa báo Illustration. Nhờ đó, tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng. Không lâu sau, Khánh Ký mở một hiệu ảnh tại Paris, tại đại lộ Malesherbe.

Theo tài liệu của mật thám Pháp, Khánh Ký còn mở cửa hiệu nhiếp ảnh tại Frankfurt và Mainz, Đức. Ông còn mở quán ăn ở Tarbes, Pháp, sau đó, do quan thuế Pháp gây khó dễ, việc làm ăn của ông không còn thuận lợi. Tháng 7/1921, Nguyễn Đình Khánh quyết định trở về nước, đem theo 400kg vật tư, máy móc nghề ảnh.

Trở về nước, ông cho mở hiệu ảnh kiêm buôn bán máy ảnh và dạy nghề ở Hải Phòng, Sài Gòn và Hà Nội. Việc kinh doanh nghề ảnh của ông ngày càng phát đạt. Ông còn sang Trung Quốc mở hiệu ảnh ở tỉnh Quảng Châu.

Cũng giống như thời kỳ trước, ông tiếp tục giúp đỡ người đồng hương bằng việc truyền nghề ảnh cho họ. Đại đa số thợ ảnh trong cửa hiệu của ông là người Lai Xá. Một số học trò khác của ông mở cửa hiệu riêng. Thời kỳ này trên toàn quốc có tới gần 20 hiệu ảnh của người Lai Xá. Tính đến giữa thế kỷ XX, toàn quốc có khoảng 2.000 người Lai Xá làm ảnh tại hơn 150 cửa hiệu, với các thương hiệu có liên quan đến “Khánh Ký” và “Lai Xá” như: An Ký, Thiện Ký, Phúc Lai, Mỹ Lai, Kim Lai, Tân Lai… Đặc điểm chung của các hiệu ảnh này là lớn nhất, đặt ở vị trí đẹp nhất và đông khách nhất.

Trong thời gian làm nghề nhiếp ảnh tại Sài Gòn, nhận thấy tiềm năng của thị trường ruộng đất ở Nam Kỳ, Nguyễn Đình Khánh đã chớp thời cơ để phát triển gia sản bằng việc mua bán ruộng đất. Ông tự xưng là nhà kinh doanh nông nghiệp. Đến năm 1934, Nguyễn Đình Khánh trở lại Pháp lần nữa để tiếp tục kinh doanh nghề nhiếp ảnh.

Tham gia hoạt động cách mạng tại Pháp

Từ trước khi sang Pháp, ông chủ hiệu ảnh Khánh Ký đã tích cực tham gia hoạt động yêu nước của phong trào Đông Kinh Nghĩa thục. Đến khi sang Pháp, Nguyễn Đình Khánh vẫn tích cực giúp đỡ các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Phan Châu Dật (con cụ Phan Chu Trinh). Chính ông là người dạy Phan Chu Trinh nghề chấm sửa ảnh, vẽ truyền thần và vẽ phóng ảnh chân dung. Cũng chính ông là người đã dạy nghề ảnh cho thanh niên Nguyễn Ái Quốc - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiệm ảnh Khánh Ký tại Sài Gòn

Tiệm ảnh Khánh Ký tại Sài Gòn

Nguyễn Đình Khánh còn là người tài trợ cho nhóm các nhà yêu nước Việt Nam ở nhà số 6 Villa des Gobelins. Năm 1912, khi Hội Đồng bào thân ái ra đời, ông được chọn làm thủ quỹ của Hội. Cuối năm 1915, Khánh Ký nhờ ông Guyer giới thiệu để trình với Bộ Thuộc địa Pháp một đề án đào tạo nghề kỹ thuật cho con em người Việt. Nội dung chính của bản đề án là xin phép Chính phủ Pháp cho các gia đình người Việt Nam trả tiền để gửi con đến học nghề tại các nhà máy ở Pháp, còn việc ăn ở sẽ do Khánh Ký trông nom. Tuy nhiên, Bộ Thuộc địa Pháp đã đánh giá “Đồ án này có vẻ của Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường”, nên bác bỏ.

Ngày 13/3/1916, Nguyễn Đình Khánh lại gửi thư đến Thanh tra Bộ Thuộc địa Pháp, đề nghị cho người Việt mở hiệu ăn ở những nơi có đông người Việt sinh sống. Đề nghị của ông một lần nữa lại bị từ chối. Do quan hệ mật thiết với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc cho nên Nguyễn Đình Khánh bị mật thám Pháp theo dõi sát sao.

Khi Phan Chu Trinh mất, Nguyễn Đình Khánh là một trong những người trong ban tổ chức lễ tang, có hàng ngàn người Sài Gòn dự đám tang của cụ, đã trở thành một sự kiện chính trị quan trọng lúc bấy giờ. Để tang Phan Chu Trinh trở thành một phong trào lan rộng cả nước, thúc đẩy ý thức dân tộc của nhân dân. Với tư cách là một nhà nhiếp ảnh, Khánh Ký đã để lại một album ảnh phản ảnh chân thực tình cảm của nhân dân với nhà yêu nước Phan Chu Trinh.

Năm 1932, sau một chuyến đi thăm Nhật Bản, Nguyễn Đình Khánh tích cực cổ động phong trào du lịch sang Nhật với giả rẻ, với mục đích chính của là học tập cách làm ăn của người Nhật. Ngay sau đó, ông đã bị bắt với tội danh liên hệ với Cường Để, phục vụ cho mưu đồ của Nhật. Sau khi nộp tiền bảo lãnh, ông được tha.

Cha con Khánh ký

Cha con Khánh ký

Trở lại Pháp vào năm 1934, Khánh Ký đã thuê in một bản đề án bằng tiếng Pháp có nhan đề “Phác thảo kế hoạch chấn hưng Đông Dương”. Trong đó ông kêu gọi các nhà giàu bỏ tiền ra chuộc lại đất nước. Riêng ông tình nguyện đóng góp toàn bộ tài sản của mình. Hành động của ông đã làm cho chính quyền thực dân Pháp tức giận. Đến ngày 13/9/1935, khi ông đang ở Pháp thì toàn quyền Đông Dương gửi cho Bộ Thuộc địa Pháp một bức điện và một tập hồ sơ yêu cầu “dẫn độ về Sài Gòn Khánh Ký đang trú tại 11 Blainville Paris để giải quyết vấn đề phá sản”, nhưng mọi sự vẫn không thành.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 5/1946, Nguyễn Đình Khánh viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ngỏ ý muốn về nước nhưng mắc trọng bệnh rồi qua đời ở Paris vào ngày 31/5/1946. Ngày 25/6 năm đó, trong chuyến công du sang Pháp trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến viếng mộ nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Khánh - người người bạn vong niên, người đã từng truyền dạy nghề nhiếp ảnh và giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc rất nhiều trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nhan-nguyen-dinh-khanh-nguoi-dat-nen-mong-cho-nghe-kinh-doanh-anh-phat-trien-nhiep-anh-theo-huong-kinh-doanh-ca-trong-va-ngoai-nuoc-ky-2-317313.html
Zalo