Điểm đến thu hút đông đảo người dân, du khách
Ngọn tháp cổ 'thức giấc' trong niềm hoan ca của tháng 3 âm lịch, khi tỉnh Khánh Hòa tưng bừng tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar.
Từ ngọn tháp trầm mặc, huyền bí, tiếng trống Chămpa vọng về, ngân nga giữa biển người tấp nập, hân hoan tìm về chốn linh thiêng. Nơi ấy, tín ngưỡng và đời sống hòa quyện, thu hút và níu chân bao lữ khách thập phương.

Dòng người tấp nập đổ về Tháp Bà Ponagar
Tháng 3 về, gió biển thổi vào mang theo hương biển mặn mòi, người con đất Việt lại rộn ràng tìm về Lễ hội Tháp BàPonagar - về bên Mẹ xứ sở Thiên Y A Na.
Trong tay họ là những lễ vật thành kính, trong tim ấp ủ những ước mong giản dị về một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc.
Giữa dòng người đông đúc, chị Nguyễn Thùy Dung đến từ An Giang xúc động chia sẻ, cứ đến dịp này, gia đình tôi lại thu xếp về đây, cầu mong Mẹ ban cho bình an, sức khỏe, công việc thuận lợi.
Hơn mười lăm người thân trong gia đình tôi, ai nấy đều một lòng hướng về những điều tốt đẹp nhất. Ánh mắt chị ánh lên niềm tin: “Đi lễ Mẫu nhiều nơi, nhưng Tháp Bà Ponagar vẫn là chốn trang trọng, chu đáo nhất. Dù khách thập phương đổ về rất đông, Ban tổ chức vẫn lo liệu đâu vào đấy, để mỗi đoàn hành hương đều được thực hiện nghi lễ một cách trọn vẹn”.
Tháp Bà Ponagar không chỉ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước mà còn là điểm hẹn thiêng liêng của đồng bào Chăm khắp nơi. Họ trở về cội nguồn, dâng lên Mẹ xứ sở những lễ vật đậm đà bản sắc với rau củ tươi ngon, hoa trái thơm ngát, và những sản phẩm nông nghiệp tốt nhất, tự tay làm ra.
Anh Kiều Công Tuấn, người con của Ninh Thuận, bộc bạch: “Lễ hội Tháp BàPonagar là hơi thở văn hóa, làmạch sống tinh thần của người Chăm chúng tôi. Về đây để tưởng nhớ Mẹ Ponagar, người đã khai sinh ra vùng đất, dạy dân làng dệt vải, làm gốm…”.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: “Suốt 4 ngày lễ hội (19 - 23.3 âm lịch), Tháp Bà Ponagar hóa thành một sân khấu văn hóa rực rỡ. Từ Lễ rước nước trang trọng, Lễ mộc dục linh thiêng, Lễ rước kiệu uy nghiêm, Lễ cầu siêu lắng đọng, đến Lễ thả hoa đăng huyền ảo, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ dâng hương thành kính, Lễ cúng thí thực đậm tính nhân văn, Lễ cầu an của cộng đồng Chăm…, tất cả hòa quyện, vẽ nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu, thấm đẫm giá trị lịch sử và tâm linh”.
Theo ông Hoa, năm nay Tháp Bà Ponagar vinh dự trở thành di tích quốc gia đặc biệt, vì vậy công tác tổ chức được đặc biệt chú trọng và thực hiện bài bản. Nhiều nghi lễ truyền thống quý báu đã được phục dựng như: Lễ rước nước, Lễ cúng cầu an của đồng bào Chăm, Lễ hội hoa đăng…
Không chỉ có các nghi lễ trang trọng, lễ hội còn tưng bừng với những hoạt động hát văn, múa bóng uyển chuyển của các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Tiếng đàn, tiếng hát, điệu múa như lời kể về huyền thoại, về công đức của Mẹ xứ sở, về khát vọng ấm no, hạnh phúc.
Hiện nay, Khánh Hòa có hơn 160 câu lạc bộ dân vũ thường xuyên thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống. Mỗi mùa lễ hội là dịp để họ cùng các đoàn hành hương hội tụ, lan tỏa vẻ đẹp di sản.
Lễ hội năm nay vinh dự đón hơn 100.000 lượt người. Gần 200 đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với khoảng 6.000 người từ khắp mọi miền đất nước đã đăng ký tham gia các nghi lễ, thể hiện sức sống mãnh liệt của tín ngưỡng thờ Mẹ.
Lễ hội không chỉ là sự kiện văn hóa tâm linh mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, của tình đồng bào gắn bó. Dưới mái đền thiêng, mọi người cùng hướng về những giá trị tốt đẹp, cùng cầu nguyện cho tương lai an lành, thịnh vượng.
Âm thanh rộn ràng, sắc màu tươi thắm của lễ hội như một lời khẳng định về sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam, một bản giao hưởng hùng tráng vang vọng giữa miền duyên hải đầy nắng và gió.
Tháp Bà Ponagar là quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật của Vương quốc Champa cổ, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Nơi đây làmột quần thể kiến trúc gồm có tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp.
Tuy nhiên, do biến động của lịch sử nên hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng là Mandapa và khu đền tháp. Tháp Bà Ponagar có kỹ thuật xây dựng và phương pháp chế tạo ra những viên gạch để xây các đền tháp hết sức độc đáo, cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp.
Nơi đây là trung tâm tôn giáo thờ Nữ thần Ponagar, người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm, đến thế kỷ XVII được cộng đồng người Việt tiếp tục gìn giữ và thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Di tích có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tháp là biểu tượng văn hóa ngàn đời, làminh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm độc đáo.
Nơi đây, tín ngưỡng thờ Mẫu linh thiêng được lưu giữ và phát huy, trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho bao thế hệ.
Từ thế kỷ VIII, Tháp là nơi nương tựa tâm linh của người Chăm, là trung tâm thờ Mẹ xứ sở duy nhất còn tồn tại từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Hằng năm, Tháp Bà Ponagar thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, đem về nguồn thu hàng chục tỉ đồng.
Năm 2025, ngành Du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 11,8 triệu khách du lịch, trong đó có 5,2 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 60.000 tỉ đồng. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và trong nước gắn với các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao.