Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực tìm thị trường mới

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang dõi theo các thông tin từ Mỹ, đồng thời chủ động lên kịch bản ứng phó nếu mức thuế quan cao được áp dụng, trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới.

Doanh nghiệp thủy sản đang nỗ lực dịch chuyển thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro từ thị trường Mỹ

Doanh nghiệp thủy sản đang nỗ lực dịch chuyển thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro từ thị trường Mỹ

Tranh thủ “thời gian vàng”

Chính sách thuế đối ứng được Chính phủ Mỹ tạm hoãn 90 ngày và đây được xem là “thời gian vàng” để các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh các đơn hàng song song với việc cấu trúc lại thị trường, tình hình tài chính để ứng phó với tình hình mới.

Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành (mã GDT) cho biết, đã có khách hàng Mỹ đề nghị Gỗ Đức Thành ưu tiên sản xuất nhằm vận chuyển đơn hàng kịp thời hạn 90 ngày dành cho đàm phán thuế quan.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM), theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, “việc Chính phủ nhanh chóng đề nghị đàm phán thương mại với Mỹ khiến lo ngại tạm thời lắng xuống và sau khi Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày thì khách hàng Mỹ không có phản ứng mạnh gì và cũng không hoãn hay hủy đơn hàng như chúng ta lo sợ”.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), Tổng giám đốc Phạm Hoàng Việt cho biết, hiện tại, phía đối tác Mỹ vẫn trong giai đoạn chưa xác định rõ ràng về ảnh hưởng của chính sách thuế quan. Do vậy, các đối tác đang chờ quyết định cuối cùng từ chính quyền ông Trump.

“Trong khi chờ đợi, Sao Ta vẫn tiếp tục giao hàng theo các hợp đồng hiện có, kéo dài khoảng 30 - 45 ngày tới. Việc các đối tác có gom hàng hay không hiện chưa rõ ràng, còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng về chính sách thuế”, ông Việt nói.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu cá tra lớn vào Mỹ đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2025. Cụ thể, Công ty lên hai kịch bản: kịch bản cơ bản, lãi 1.000 tỷ đồng, giảm 500 tỷ đồng so với kế hoạch thông qua hồi đầu năm và thấp hơn 18,4% so với năm trước; kịch bản tích cực, lãi 1.300 tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm và giảm 1,3% so với mức thực hiện trong năm 2024.

Hoạt động xuất khẩu được các doanh nghiệp chia sẻ vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt đối với ngành xuất khẩu gỗ đang có hiện tượng nhà nhập khẩu gom hàng. Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh khá mạnh trước lo ngại rủi ro thuế quan chưa hết, sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong tương lai.

Chẳng hạn, tính từ ngày 2/4 - 22/4, thị giá cổ phiếu TCM giảm 24,3%, về 28.000 đồng/cổ phiếu; thị giá VHC giảm 30,3%, về 43.750 đồng/cổ phiếu; thị giá FMC giảm 29,3%, về 33.300 đồng/cổ phiếu; thị giá GDT giảm 13%, về 20.050 đồng/cổ phiếu. Các mức giảm này đều mạnh hơn so với chỉ số đại diện thị trường (VN-Index giảm 9,2%) trong cùng thời gian.

Tìm kiếm thị trường thay thế

Được biết, thị trường Mỹ chiếm 30% doanh thu xuất khẩu của Dệt may Thành Công. Theo ông Song Jae Ho, Tổng giám đốc Công ty, so với các doanh nghiệp khác, Dệt may Thành Công vẫn có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ thấp hơn, nên chịu tác động ít hơn. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, Công ty hướng đến phát triển thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Dẫu vậy, theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dệt may Thành Công, “trong nguy có cơ”, ngành dệt may Việt Nam vẫn có cơ hội lấy được thị phần từ các đối thủ tại thị trường Mỹ.

“Tôi tin rằng, chỉ cần lấy được 20 - 30% thị phần mà Trung Quốc đang xuất sang Mỹ thì ngành dệt may Việt Nam đã tốt lắm rồi. Khi tiếp cận thị trường mới, hiển nhiên, chúng ta phải có thời gian và lộ trình, bây giờ mình chỉ cần nhận được đơn hàng của Trung Quốc thì Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông nói.

Dự báo về các kịch bản kinh doanh trong biến động thuế quan, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thực phẩm Sao Ta cho biết, nếu Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh có mức thuế đối ứng tương đồng sẽ vẫn còn cơ hội cạnh tranh cho tôm Việt Nam. Tuy nhiên, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, hàng hóa Việt Nam vào Mỹ vẫn bị áp thuế đối ứng 46%, còn các nước khác chỉ bị khoảng 20%, khả năng cao Thực phẩm Sao Ta phải rút khỏi thị trường Mỹ.

Theo lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta, hiện thị trường Mỹ đang đóng góp 33% doanh thu xuất khẩu của Công ty, tiếp đến là Nhật Bản, với 28%, Anh Quốc với 17%, châu Âu với 4%.

“Nếu không thể tiếp tục xuất sang Mỹ, chúng tôi sẽ tăng cường thâm nhập các thị trường khác, như Canada, Úc, Hàn Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, nơi Thực phẩm Sao Ta có thế mạnh sẵn có. Trong đó, Trung Quốc cũng là một thị trường rất tiềm năng mà chúng tôi đang theo dõi để sẵn sàng bước vào khi đủ điều kiện”, ông Lực hé lộ.

Thực tế, trong nhiều năm qua, áp lực cạnh tranh của tôm giá rẻ của Ecuador đã buộc các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam dịch chuyển thị trường, tăng lượng hàng chế biến sâu. Trong đó, Thực phẩm Sao Ta đã dịch chuyển từ thị trường truyền thống Mỹ sang Nhật Bản, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu trước áp lực tôm giá rẻ từ Ecuador.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC), nếu như năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu vào Mỹ và Canada lên tới 308,74 triệu USD, chiếm 47,96% tổng giá trị xuất khẩu thì tới năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu vào hai thị trường này chỉ còn 150,56 triệu USD, chiếm 26,7% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong đó, Công ty đang tập trung mở rộng tại các thị trường Úc, NewZeland, châu Âu, Nga, Hàn Quốc… để tránh cạnh tranh trực tiếp với tôm giá rẻ của Ecuador.

Trong ngành xuất khẩu gỗ, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Gỗ Đức Thành chia sẻ: “Với chiến lược kinh doanh không lệ thuộc vào khách hàng nào, không lệ thuộc thị trường nào, Công ty đang chọn cách an toàn, mặc dù thị trường Mỹ có khách hàng nhưng không nhiều”.

Được biết, trong những năm qua, bên cạnh chính sách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào khách hàng và thị trường, Gỗ Đức Thành đang mở ra một lĩnh vực kinh doanh mới, với việc mua các nhà xưởng đang có sẵn hợp đồng cho thuê và kỳ vọng dòng tiền từ hoạt động cho thuê nhà xưởng sẽ vượt lãi ngân hàng phải trả. Trong năm 2025, Công ty có kế hoạch mua lại xưởng cho thuê với diện tích 12 ha tại đại lộ Bình Dương, với tổng vốn đầu tư lên tới 400 tỷ đồng.

Tìm thị trường mới để tránh phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ đang là giải pháp mà các doanh nghiệp xuất khẩu tính đến.

Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-no-luc-tim-thi-truong-moi-post368339.html
Zalo