Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực khai phá thị trường mới

Bên cạnh việc trông ngóng kết quả đàm phán từ Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu đang lên kế hoạch khai phá thị trường mới, tăng sức chống chịu trước biến động thuế quan.

TNG đang lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường, với việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga

TNG đang lên kế hoạch đa dạng hóa thị trường, với việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga

Nhiều doanh nghiệp tự tin với mục tiêu tăng trưởng

Một doanh nghiệp dệt may chia sẻ, trong sáng 10/4, doanh nghiệp vẫn nhận được đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ. Mặc dù hàng may mặc Việt Nam vào Mỹ bị áp thêm thuế nhập khẩu 10% nhưng so với các đối thủ cạnh tranh khác như Bangladesh, Campuchia, doanh nghiệp Việt vẫn có lợi thế.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, các khách hàng lớn của TNG tại Mỹ đã chủ động trao đổi với Công ty trước các biến động về chính sách thuế quan. Họ vẫn mua hàng của TNG bởi cần sản phẩm chất lượng và chưa thể thay thế đối tác ngay được. Nếu có áp lực giá tăng do điều chỉnh thuế, hai bên sẽ cùng ngồi lại để đàm phán chia sẻ về giá.

Với giá trị đơn hàng đã ký đến hết tháng 7/2025 khả quan, TNG tự tin với mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025. Năm nay, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 340 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Công ty cổ phần G.C Food (mã chứng khoán GCF) vẫn đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt hơn 716 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 90 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 24% và gần 41% so với năm trước. Tại đại hội cổ đông thường niên 2025 diễn ra mới đây, Chủ tịch G.C Food Nguyễn Văn Thứ cho biết, các sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông… nên không bị ảnh hưởng nhiều từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Nhóm doanh nghiệp phân bón cũng không chịu ảnh hưởng của thuế đối ứng Mỹ. MBS phân tích lý do bởi tỷ trọng xuất khẩu không lớn, thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp phân bón Việt Nam là Campuchia, Hàn Quốc hoặc Úc. Năm 2025, biên lợi nhuận của ngành này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ nền thấp năm 2024, do giá dầu giảm về vùng thấp và giá bán ổn định hoặc tăng nhẹ tại thị trường trong nước khi Trung Quốc và Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu. Bên cạnh đó, Luật Thuế Giá trị gia tăng mới, có hiệu lực từ tháng 7/2025 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phân bón được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, thay vì phải ghi nhận chi phí như trước.

Đối với ngành thép, doanh nghiệp sẽ tập trung tại thị trường nội địa khi thị trường bất động sản phục hồi tích cực. MBS ước tính sản lượng ngành thép tăng khoảng 10% trong năm 2025 nhờ tiêu thụ trong nước. Với HPG, xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% nên không chịu nhiều ảnh hưởng của thuế quan thay đổi. Ngoài ra, HPG còn hưởng lợi khi việc mở rộng công suất sẽ nâng cao vị thế trong giai đoạn 2025 - 2027.

Những doanh nghiệp có lợi thế riêng về thế mạnh sản phẩm cũng không quá lo ngại bị “rung lắc” trước các biến động thuế quan. Trong ngành gỗ, theo lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Gỗ AA gần như nằm ngoài ảnh hưởng của căng thẳng thương mại do Công ty chuyên cung cấp dịch vụ nội thất cao cấp cho những dự án khách sạn, nghỉ dưỡng sang trọng, cung điện trên toàn thế giới. Sản phẩm có giá trị cao và ít áp lực cạnh tranh, biên lợi nhuận tốt.

Trong khi đó, theo chia sẻ của bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Đức Thành (mã GDT), cơ cấu xuất khẩu cân đối sang các khu vực trọng điểm như châu Á, châu Âu, Úc và Mỹ đã tạo nên sự đa dạng và ổn định về thị trường, giúp Công ty không bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến động ở bất kỳ thị trường đơn lẻ nào.

“Khi thị trường Mỹ gặp khó khăn, chúng tôi có thị trường khác. Khi châu Á bất ổn, châu Âu là điểm tựa. Chúng tôi tin rằng sự đa dạng và linh hoạt này sẽ giúp Gỗ Đức Thành vượt qua thách thức và có những bước tiến mới trong tương lai”, bà Liễu cho biết.

Thích ứng trong biến động

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc Chính phủ Mỹ hoãn thời điểm áp dụng thuế đối ứng 90 ngày cho 75 đối tác thương mại chỉ đủ để các bên thích nghi với sự chuyển biến của căng thẳng thương mại. Các ngành hàng xuất khẩu như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cao su, giấy, dây cáp điện… và bất động sản khu công nghiệp, logistics vẫn chịu tác động về dài hạn do giảm đơn hàng cũng như biên lợi nhuận giảm sút. Bởi tạm hoãn không có nghĩa là bãi bỏ hoàn toàn, thách thức biến động thuế quan vẫn còn ở phía trước. Trong thời gian này, chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xuất xứ đầu vào để tránh bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng; đồng thời, củng cố nội lực để sẵn sàng ứng phó với rủi ro.

Bên cạnh việc trông ngóng kết quả của cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch khai phá các thị trường mới, tiềm năng. Lãnh đạo TNG cho biết, Công ty sẽ mở thêm chi nhánh tại thị trường Nga nhằm gia tăng tỷ trọng doanh số từ thị trường này. Hiện xuất khẩu sang Mỹ của TNG chiếm khoảng 26%, tại Nga khoảng 9 - 10% và thị trường chủ lực là EU.

Rủi ro thuế quan hiện hữu, nhưng linh hoạt thích ứng với biến động từ môi trường kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp trụ vững và phát triển. Như Chủ tịch Gỗ Đức Thành chia sẻ, trải qua nhiều năm sản xuất - kinh doanh, đứng trước những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng nhờ vào sự ứng biến của Hội đồng quản trị, Gỗ Đức Thành gỡ từng mối rối và từ từ vươn lên mạnh mẽ.

“Chính vì thế, trước những biến động về chính sách thuế mới nhất của Mỹ, chúng tôi chưa có ý định điều chỉnh giảm mục tiêu, GDT tự thách thức chính mình trong khó khăn và nỗ lực hết sức để giữ vững cam kết này”, bà Liễu nói.

Đánh giá về tác động của thuế suất tăng thêm 10% với hàng hóa vào Mỹ trong vòng 90 ngày, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại học Fulbright cho rằng, trước mắt, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể vì các quốc gia đều chịu chung mức thuế này. Tuy vậy, hàng nội thất (Mỹ nhập khẩu 13,2 tỷ USD từ Việt Nam trong năm 2024, chiếm 9,7% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và 19,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng nội thất của Mỹ) sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất vì tiêu dùng nhóm sản phẩm này rất nhạy cảm với việc giá tăng.

Hàng điện tử tiêu dùng, thiết bị văn phòng, máy móc thiết bị (Mỹ nhập 70,5 tỷ USD từ Việt Nam trong năm ngoái, chiếm 51,6% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và 7,1% tổng kim ngạch Mỹ nhập khẩu các nhóm hàng này) cũng chịu tác động tương tự khi giá cao lên vì thuế và khi cả doanh nghiệp lẫn cá nhân sẽ giảm tiêu dùng, đầu tư khi kinh tế suy yếu, doanh nghiệp khối FDI chịu là chính. Sản phẩm chip bán dẫn Intel được miễn thuế nhưng điện thoại Samsung chịu 10% tăng thêm.

Với nhóm sản phẩm may mặc, giày dép, Mỹ nhập 25,3 tỷ USD từ Việt Nam trong năm ngoái, chiếm 18,5% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và 17,3% tổng kim ngạch Mỹ nhập khẩu 2 ngành hàng này sẽ không bị giảm, vì người dân Mỹ vẫn phải mua áo và giày mới và còn thay thế hàng Trung Quốc.

Xuất khẩu nông thủy sản sẽ ổn vì đây là hàng thiết yếu. Mặt hàng thủy sản bị ảnh hưởng nặng hơn nông sản vì giá cao hơn khi có thuế làm nhập khẩu bị thay thế một phần bởi tôm cá nội địa của Mỹ.

Nhiều nhà nhập khẩu sẽ tăng vận chuyển hàng sang Mỹ trong 3 tháng tới để né thuế đối ứng (nếu có). Nhưng nếu xuất khẩu của Việt Nam mà tăng đột biến sang Mỹ trong thời này thì những nhân vật cứng rắn phía Mỹ sẽ lấy đó làm cớ để không giảm thuế cho Việt Nam, làm cho đàm phán sẽ khó khăn hơn.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-no-luc-khai-pha-thi-truong-moi-post367374.html
Zalo