Giá gạo lấy lại đà tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tháng 4 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại. Gạo Việt đang dần lấy lại vị thế trên thị trường quốc tế.

Những tín hiệu hồi phục

Theo VFA, so sánh trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hiện giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã trở lại vị trí số 1, với 397 USD/tấn. Nhiều thương nhân của Việt Nam đã xuất khẩu được gạo 5% tấm với giá vượt ngưỡng 400 USD/tấn.

Giá gạo đã lấy đà tăng trở lại. Ảnh: M.H

Giá gạo đã lấy đà tăng trở lại. Ảnh: M.H

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống còn 393 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022, gạo 25% tấm ở mức 369 USD/tấn, gạo 100% tấm ở mức giá 336 USD/tấn. Bên cạnh đó, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá 387 USD/tấn, mức thấp nhất trong gần 22 tháng qua. Gạo 25% tấm của Ấn Độ được định giá ở mức 362 USD/tấn.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VFA, nhận định giá gạo tăng hiện nay là do vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đã kết thúc nên nguồn cung gạo không còn nhiều, trong khi các khách hàng truyền thống luôn có nhu cầu cao và ổn định với gạo Việt Nam.

Trước đó trong tháng 3, theo số liệu của Cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 54,82% về lượng và tăng 48,06% về kim ngạch so với tháng 2/2025, nhưng giá gạo xuất khẩu giảm 4,37%. Về thị trường, trong tháng 3, gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines đạt 438.805 tấn, tương đương 204,51 triệu USD, giá 466 USD/tấn, tăng 35,85% về lượng, tăng 28,73% kim ngạch nhưng giảm 5,24% về giá so với tháng 2/2025.

Dẫn báo cáo từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines, VFA cho hay, năm 2025, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự báo ở mức khoảng 4,9 triệu tấn, thậm chí trên 5 triệu tấn. Gạo Việt Nam vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu chính của Philippines.

Tính chung quý I/2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,309 triệu tấn, giá trị đạt gần 1,21 tỷ USD, tăng 5,82% về lượng, nhưng giảm 15,53% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá gạo ở thời điểm đầu năm ở mức thấp, ảnh hưởng đến tổng giá trị xuất khẩu dù sản lượng không giảm.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết, trong tháng 3, giá gạo tuy có giảm so với trước đây nhưng xuất khẩu gạo vẫn tăng về lượng và kim ngạch so với tháng 2/2025. Lũy kế 3 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,3 triệu tấn, thu về gần 1,21 tỷ USD.

Nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường vẫn cao

Thực tế trong quý I, mặc dù giá gạo tẻ 5% tấm tiêu chuẩn của Việt Nam trong quý I xuống dưới 400 USD/tấn, giá gạo 25% tấm còn thấp hơn, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân vẫn đạt 522 USD/tấn, là nhờ gạo thơm, gạo đặc sản đã chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu. Gạo thơm và chất lượng cao vẫn có thị trường riêng nên giá các loại gạo này vẫn không giảm. Nhiều DN vẫn xuất khẩu được gạo thơm, gạo đặc sản với giá 800 - 1.200 USD/tấn. Hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đặc sản ST25 với giá hơn 1.000 USD/tấn.

“Mặc dù giá gạo tẻ xuất khẩu đã xuống dưới mức 400 USD/tấn trong tháng 1/2025, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân của tháng vẫn trên mốc 600 USD/tấn là nhờ sức kéo của gạo thơm và gạo đặc sản” - đại diện VFA cho hay.

Theo ông Đỗ Hà Nam, đến nay gạo Việt Nam vẫn được cho là ít bị tác động, vì thuế đối ứng do lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Mỹ ít, còn gạo thơm chất lượng cao như ST25 sản lượng ít và nhu cầu đang rất tốt.

Ông Nam cũng cho biết, gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình cao và hướng đến phân khúc cao hơn kèm theo giá trị và thương hiệu. Ở phân khúc này, nhu cầu đang rất cao, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU. Đơn cử, cơn sốt giá gạo chưa từng có ở Nhật Bản kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, lượng gạo cao cấp của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản vẫn rất thấp. Đây vẫn là hai thị trường giàu tiềm năng, dư địa để các DN gạo mở rộng sản xuất và xuất khẩu các loại gạo đặc sản, gạo thơm.

Theo dự báo của giới chuyên gia kinh tế, trong năm 2025, nhu cầu nhập khẩu gạo của những thị trường trên tiếp tục duy trì ở mức cao, giúp đối tác truyền thống xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam có được đầu ra ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường gạo biến động và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo sự khác biệt và uy tín trên thị trường thế giới.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-gao-lay-lai-da-tang-10304007.html
Zalo