3 năm làm chủ tịch xã gần dân hơn 10 năm làm phó chủ tịch huyện

'Tôi có 10 năm giữ chức phó chủ tịch huyện, nhưng thời gian tiếp xúc trực tiếp và gần gũi dân không bằng 3 năm làm chủ tịch xã', ông Lê Đức Tiến trải lòng.

Từ ngày 1/7 tới đây, 696 đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước dự kiến sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động.

Sau khi bỏ cấp huyện, chủ trương của Trung ương sẽ chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để về cấp xã. Theo chủ trương trên, đội ngũ lãnh đạo cấp huyện hiện nay sẽ được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới.

Là tỉnh có dân số xếp thứ 3 cả nước, với hơn 3,7 triệu dân, Thanh Hóa hiện có 26 đơn vị hành chính cấp huyện (22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố); 547 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 452 xã, 63 phường và 32 thị trấn).

Theo lộ trình, Thanh Hóa dự kiến thực hiện sắp xếp các xã giảm từ 60 - 70% số đơn vị, tương đương từ 547 xã, phường hiện tại giảm còn khoảng 160 - 170 xã.

Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dương

Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Lê Dương

Trước chủ trương quyết liệt của Trung ương về tinh gọn bộ máy, nhiều cán bộ thuộc diện chịu tác động trực tiếp ở Thanh Hóa đã có những chia sẻ về tâm thế chuyển đổi nhiệm vụ công việc trong bối cảnh mới.

Chia sẻ với VietNamNet, một số lãnh đạo cấp huyện ở Thanh Hóa cho biết, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện là hợp lý. Thời gian đầu khi có chủ trương này các cán bộ cũng có lo lắng, nhưng hiện tại lại mong muốn việc sắp xếp được triển khai nhanh chóng để sớm bắt tay vào làm việc.

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh chia sẻ, bản thân ông đã trải qua nhiều vị trí công việc, từ chuyên viên, đến Chánh văn phòng ủy ban, Chủ tịch xã, rồi Phó Chủ tịch huyện. Do đó, ở vị trí công việc nào ông cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh. Ảnh: XĐ

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh. Ảnh: XĐ

“Tôi đã sẵn sàng tâm thế về xã làm việc khi có chủ trương sắp xếp bộ máy. Là cán bộ phục vụ nhân dân, dù làm ở vị trí nào tôi cũng tự tin có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với tâm thế đó, tôi không đặt nặng việc khi về xã được phân công vị trí nào”, ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, gần 10 năm ông công tác ở vị trí phó chủ tịch huyện, thời gian tiếp xúc trực tiếp và gần gũi với người dân không bằng 3 năm ông làm chủ tịch xã. Do đó, theo ông, cán bộ huyện về xã làm việc sẽ gần dân hơn.

Theo ông Tiến, tất cả những công việc huyện khi triển khai xuống xã, xã phải trực tiếp làm với dân. Đơn cử, như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các chính sách, rà soát đối tượng hộ nghèo, người có công… Sau khi xã đã hoàn tất các hồ sơ, huyện tổng hợp lại và có chỉ đạo chung.

“Vấn đề công tác giải phóng mặt bằng ở địa phương bao giờ cũng khó khăn nhất, cán bộ phải trực tiếp xuống gặp dân vận động, tâm tư, chia sẻ. Thậm chí cuối buổi chiều làm việc, tôi không về nhà mà xuống nhà uống nước chè với họ. Có khi lúc đó họ đồng ý chủ trương, đến mai lại không chịu ký biên bản… có khi một trường hợp phải đi đi lại lại mất vài tháng mới xong”, ông Tiến cho biết.

Một Phó Chủ tịch ở huyện khác cũng chia sẻ với VietNamNet, ngay từ đầu ông đã sẵn sàng tâm thế làm bất cứ công việc gì mà tổ chức phân công. “Là cán bộ công chức, dù ở cấp huyện hay cấp xã, dù làm lãnh đạo hay chuyên viên, mục đích cuối cùng cũng là phục vụ nhân dân”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ngày 15/4 ký công văn gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.

Về biên chế, công văn trên nêu rõ: Chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới. Đồng thời, có thể tăng cán bộ cấp tỉnh về làm việc ở xã. Dự kiến mỗi xã bình quân khoảng 32 biên chế (không bao gồm khối đảng, đoàn thể).

Chính phủ sẽ căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp và trên cơ sở đề xuất của địa phương để xây dựng tiêu chí bố trí biên chế cán bộ, công chức xã theo vị trí việc làm và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/3-nam-lam-chu-tich-xa-gan-dan-hon-10-nam-lam-pho-chu-tich-huyen-2392014.html
Zalo