Doanh nghiệp phân bón tạo đà bứt phá

Dù quý cuối năm không thực sự đạt kỳ vọng, nhưng các 'ông lớn' ngành phân bón vẫn kết thúc năm với thành quả tích cực, hướng tới triển vọng khởi sắc trong năm 2025.

Kết quả kinh doanh vững vàng

Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với doanh thu giảm 6,4% so với cùng kỳ, nhưng nhờ sự sụt giảm mạnh hơn của giá vốn, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ lại tăng trưởng 12,4%.

Lũy kế cả năm, “ông lớn” ngành phân bón ghi nhận doanh thu thuần đi ngang ở mức 13.660 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 610 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

Kết quả tích cực được duy trì đến từ việc gia tăng sản lượng bán cùng với biên lợi nhuận cải thiện. Nhờ đó, Đạm Phú Mỹ vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra gần 6%.

Ghi nhận sự biến động hơn so với Đạm Phú Mỹ, lợi nhuận quý IV/2024 của Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) giảm mạnh.

Cụ thể, Đạm Cà Mau đạt gần 4.400 tỷ đồng doanh thu trong quý cuối năm. Tuy vậy, giá vốn tăng tới 30%, cùng với chi phí hoạt động neo cao khiến công ty lãi ròng chỉ còn 286 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 40%.

Dù vậy, nhờ kết quả tốt các quý trước đó, lũy kế 12 tháng, Đạm Cà Mau vẫn đạt hơn gần 14.000 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 7%.

Lãi sau thuế đạt hơn 1.340 tỷ đồng, tăng 20%. Qua đó vượt 13% mục tiêu doanh thu, và gần 70% chỉ tiêu lãi sau thuế đề ra hồi đầu năm.

Ngoài ra, tình hình tài chính của cả hai công ty đầu ngành vẫn cho thấy sự bền vững vốn có nói chung của ngành phân bón.

Cuối năm 2024, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ tăng tới 25% lên 16.530 tỷ đồng, trong đó có hơn 10.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn chỉ gần 5.000 tỷ đồng, bao gồm vay nợ tài chính ngắn hạn ở mức 3.420 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt hơn 15.650 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Doanh nghiệp còn giữ hơn 8.900 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

Với núi tiền mặt đang nắm giữ, khả năng thanh toán nợ của hai “ông lớn” ngành phân bón vẫn được đảm bảo.

Kỳ vọng “bứt phá” từ Luật thuế VAT mới

Theo báo cáo từ Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), hiện tượng El Nino mạnh nhất trong lịch sử đã chính thức kết thúc vào quý II/2024. NOAA cho biết khả năng cao thời tiết sẽ chuyển sang trạng thái trung tính trong giai đoạn sau tháng 1/2025.

Với điều kiện thời tiết được dự báo sẽ thuận lợi hơn, công ty chứng khoán DSC kỳ vọng ngành nông nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy nhu cầu phân bón, tạo động lực tăng trưởng cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, áp dụng mức thuế VAT 5% cho mặt hàng phân bón, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Đây là thông tin tích cực với doanh nghiệp phân bón khi chính sách mới này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ thuế đầu vào, giảm đáng kể chi phí.

Theo ước tính của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ sẽ đủ điều kiện để được khấu trừ khoảng 300 - 400 tỷ đồng thuế VAT đầu vào theo báo cáo tài chính năm 2023.

Điều này cũng kỳ vọng giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, tăng tính cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

EIA dự báo giá dầu Brent (USD/thùng) giảm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng lợi nhuận ngành phân bón. Ảnh: VCBS

EIA dự báo giá dầu Brent (USD/thùng) giảm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng lợi nhuận ngành phân bón. Ảnh: VCBS

Bên cạnh đó, chi phí khí đầu vào được dự báo giảm dựa trên triển vọng giá dầu được EIA dự báo giảm do rủi ro gián đoạn nguồn cung thấp hơn và nhu cầu dầu tiếp tục tăng trưởng thấp.

Trước đó, OPEC đã cắt giảm giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 và 2025 trong bối cảnh lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA), tiêu thụ phân bón toàn cầu dự kiến vẫn sẽ tăng trong trung hạn, nhưng với tốc độ giảm từ 2,2% trong năm tài chính 2025 xuống 1,5% trong năm tài chính 2028.

Ở thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ kỳ vọng tiếp tục tăng khi bước vào vụ Đông Xuân 2025. Agromonitor dự báo nhu cầu tiêu thụ Urê trong nước đạt 2,05-2,11 triệu tấn, tăng khoảng 13% so với giai đoạn 2022-2023.

Từ đầu năm đến nay, giá phân urê trên thị trường quốc tế đã tăng hơn 25%, vượt ngưỡng 410 USD/tấn. Xu hướng tăng giá này, nếu được duy trì, sẽ hỗ trợ đáng kể cho biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong các quý tới.

Giá phân Ure bật mạnh trở lại từ mức nền đáy kể từ đầu năm nay. Ảnh: Tradingview

Giá phân Ure bật mạnh trở lại từ mức nền đáy kể từ đầu năm nay. Ảnh: Tradingview

Dù vậy, các doanh nghiệp ngành phân bón vẫn cần đề phòng các rủi ro thị trường về các sản phẩm, nguyên liệu.

Giá khí nguyên liệu biến động mạnh có thể làm gia tăng chi phí sản xuất phân bón, kéo theo giá thành bị đội lên trong bối cảnh giá nông sản không tăng tương ứng, tiêu thụ khó khăn sẽ khiến nông dân cắt giảm đầu tư cho sản xuất, từ đó khiến sức mua giảm, tồn kho tăng cao.

Nhu cầu tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ nội địa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước sẽ khiến các doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc thậm chí ngưng sản xuất.

Ngoài ra, khả năng xuất khẩu Urê trở lại của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng có thể ảnh hưởng mạnh tới xu hướng giá phân bón trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu phân bón toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/doanh-nghiep-phan-bon-tao-da-but-pha-d38962.html
Zalo