Doanh nghiệp lưu ý gì khi thực hiện tập trung kinh tế?
Khi thực hiện tập trung kinh tế, việc nắm rõ các thủ tục pháp lý và những quy định liên quan là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp.
Bước đi quan trọng giúp các doanh nghiệp lớn mạnh hơn
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu hợp nhất, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp giữa các công ty ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), để thực hiện thành công các hoạt động này, việc nắm rõ các thủ tục pháp lý và những quy định liên quan là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được rủi do pháp lý và bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp.
Theo Luật Cạnh tranh 2018, tập trung kinh tế bao gồm các hình thức: Sáp nhập; hợp nhất doanh nghiệp; liên doanh giữa các doanh nghiệp; mua lại cổ phần, phần vốn góp; hoặc các giao dịch khác dẫn đến việc kiểm soát, chi phối hoạt động của doanh nghiệp... Quá trình này giúp doanh nghiệp lớn mạnh, nhưng cũng đồng thời chịu sự giám sát của pháp luật để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, khi nói đến sáp nhập doanh nghiệp, là đề cập đến quá trình mà một, hoặc nhiều doanh nghiệp được chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ cho một doanh nghiệp khác; và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp bị sáp nhập. "Sáp nhập giúp mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trên thị trường" - Cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam thông tin.
Trong khi đó, hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới; đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh, hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất. Đây là bước đi quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể kết hợp sức mạnh và tài nguyên tạo thành một tổ chức mới với năng lực tài chính và kỹ thuật lớn hơn.
Còn mua lại cổ phần hoặc phần vốn góp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới theo quy định.
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế cần tuân thủ một số yêu cầu quan trọng: Đầu tiên, nếu giá trị giao dịch đạt ngưỡng thông báo do Luật Cạnh tranh quy định, thì doanh nghiệp bắt buộc phải thông báo với cơ quan cạnh tranh. Điều này áp dụng cho các trường hợp mà thị phần kết hợp của các bên sau tập trung kinh tế vướt quá một mức cụ thể, hoặc giá trị tài sản, doanh thu của doanh nghiệp đạt ngưỡng nhất định.
"Thời hạn nộp thông báo là trước khi thực hiện giao dịch, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định gồm: Thông tin chi tiết về các bên tham gia tập trung kinh tế, hợp đồng sáp nhập hoặc thỏa thuận mua bán và các tài liệu liên quan khác" - đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
Ngoài ra, thời gian xử lý hồ sơ cũng cần lưu ý cơ quan cạnh tranh sẽ có thời gian kiểm tra sơ bộ và ra quyết định trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu cần đánh giá chi tiết hơn, thời hạn này có thể kéo dài đến 90 ngày.
Đảm bảo sự phát triển bền vững và tuân thủ pháp luật
Mặc dù tập trung kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm với một số hạn chế và rủi ro nếu doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động này và sẽ phải đối mặt với chế tài nghiêm khắc.
Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp thực hiện các giao dịch tập trung kinh tế mà không thông báo, hoặc không được phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính lên đến 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước vi phạm. "Đây là một mức phạt rất nặng, nhấn mạnh sự quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ các quy trình pháp lý trong hoạt động tập trung kinh tế" - Cơ quan quản lý cạnh tranh nhấn mạnh.
Không chỉ bị phạt tiền, các giao dịch tập trung kinh tế không tuân thủ quy định còn có thể bị tuyên bố vô hiệu. Điều này có nghĩa là giao dịch sẽ không được công nhận về mặt pháp lý và các tài sản, quyền lợi chuyển nhượng trong giao dịch đó sẽ không còn giá trị. "Việc bị vô hiệu hóa giao dịch có thể gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong các trường hợp đã thực hiện chuyển nhượng tài sản hoặc cổ phần nhưng không được pháp luật công nhận" - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
Để khắc phục hậu quả của việc không tuân thủ quy định, doanh nghiệp cần thực hiện một số biện pháp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Các biện pháp này có thể bao gồm hoàn trả lại cổ phần, tài sản hoặc lợi ích đã chuyển nhượng. Điều chỉnh lại cơ cấu sở hữu để phù hợp với quy định pháp luật, hoặc thậm chí giải thể các bộ phận nếu cần thiết.
Việc thực hiện các biện pháp khắc phục không chỉ giúp các doanh nghiệp tránh các hậu quả pháp lý nghiêm trọng hơn mà còn thể hiện sự tuân thủ và trách nhiệp trước pháp luật. "Doanh nghiệp hãy tuân thủ đúng quy định khi thực hiện tập trung kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững và tuân thủ pháp luật" - Cơ quan quản lý cạnh tranh khuyến nghị.
Trong năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tăng cường triển khai công tác giám sát cạnh tranh, kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường. Cụ thể, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý gần 170 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. Quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện quy định về thông báo tập trung kinh tế theo quy định pháp luật cạnh tranh thông qua việc ban hành và công bố công khai hướng dẫn quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.