Động lực để GRDP Ninh Thuận tăng trưởng từ 13-14%
Ninh Thuận dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 13 - 14% để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025 như chỉ tiêu đề ra.
Phát huy thành quả đạt được trong năm qua, năm 2025 tỉnh Ninh Thuận quyết tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả để tạo động lực phát triển mới; qua đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 13 - 14%, góp phần vào sự tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025 từ 10 - 11%.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho hay, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Do đó tỉnh sẽ nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh sẽ tập trung ưu tiên, thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Cụ thể, UBND tỉnh sẽ thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách; đẩy nhanhtiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng. Đặc biệt, tỉnh tập trung chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho những ngành, lĩnh vực trọng điểm; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn đến đầu tư tại tỉnh, nhất là tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Song song đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan để đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, phát triển cảng cạn, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh dự kiến kế hoạch 2025 đề ra 18 chỉ tiêu; trong đó, kinh tế phấn đấu đạt 9 chỉ tiêu. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP phấn đấu đạt khoảng 13 - 14% để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025 như chỉ tiêu đề ra; GRDP bình quân đầu người đạt từ 113 - 114 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế các ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 24 - 25%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42 - 43%, dịchvụ 32 - 33%.
Đặc biệt, tỉnh phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 22.500 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với năm 2024. Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 44 - 45%; tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP đạt từ 42 - 43%; tốc độ tăng năng suất lao động khoảng đạt 9 - 10%; tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP khoảng 12% và nỗ lực thu ngân sách đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.250 tỷ đồng so với năm 2024.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, để đạt kết quả trên, UBND tỉnh sẽ bám sát và tiếp tục triển khai 3 đột phá cho phát triển của năm 2024. Đó là: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển; khơi thông nguồn lực đất đai, vấn đề này UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp triển khai; phân công cụ thể từng ngành, từng cấp, tiến độ hoàn thành, xác định rõ vai trò người đứng đầu để tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộtrình phù hợp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó tập trung phát triển 5 ngành lĩnh vực trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng gồm: Năng lượng; du lịch;công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản và kinh tế đô thị.
Để phát triển một cách bền vững, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ cập nhật diễn biến, dự báo sát tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường trong và ngoài nước để chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành phù hợp trong từng quý, sát tình hình thực tiễn địa phương; qua đó kịp thời thích ứng với những khó khăn, biến đổi nhanh chóng, khó lường trong thời gian tới.
Phương châm hành động năm 2024 mà UBND tỉnh Ninh Thuận đưa ra: “Đoàn kết kỷ cương, linh hoạt sáng tạo, tăng tốc hiệu quả” đã để lại dấu ấn tích cực. Sự quyết tâm tạo đột phá phát triển của tỉnh cũng đã để lại nhiều kết quả khá ấn tượng, nhất là trong thực hiện 3 khâu đột phá: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển; khơi thông nguồn lực đất đai và 6 ngành, lĩnh vực trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng: Thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; phát triển năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị.
Thành quả rõ nét là tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi ổn định và tăng trưởng khá, tăng trưởng đạt 8,74%, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và 16/63 tỉnh, thành của cả nước. Một số lĩnh vực chuyển biến tích cực; thu ngân sách đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ, vượt 6,2% so với kế hoạch (4.000 tỷ đồng). Giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đạt mục tiêu; hoạt động doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi.
Ngoài ra, xúc tiến đầu tư của tỉnh Ninh Thuận cũng có nhiều đổi mới, thu hút đầu tư được xếp thứ 10/63 tỉnh, thành. Các dự án trọng điểm, động lực được tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; đường vành đai phía Bắc; đường nối Cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1A và Cảng Tổng hợp Cà Ná; đường liên vùng từ Thị trấn Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) đi Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), góp phần tạo không gian và định hướng phát triển mới của tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.