Kế hoạch năm 2025 của Nhật Bản nhằm giải quyết khủng hoảng dân số

Nhật Bản đang đứng trước thách thức nhân khẩu học nghiêm trọng khi dân số giảm trong suốt 15 năm liên tiếp, với số ca sinh thấp kỷ lục chỉ đạt 730.000 vào năm ngoái, trong khi số ca tử vong đạt mức cao kỷ lục là 1,58 triệu.

Hiện tại, dân số của Nhật Bản khoảng 125 triệu, nhưng các dự báo cho thấy con số này có thể giảm mạnh xuống chỉ còn 87 triệu vào năm 2070. Tỷ lệ sinh hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1,2 ca sinh trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cần thiết là 2,1. Mặt khác, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ chiếm 30 - 40% dân số vào năm 2070.

Sự suy giảm dân số đang tạo ra những tác động nghiêm trọng và các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cảnh báo rằng đất nước chỉ còn đến năm 2030 để đảo ngược xu hướng này.

 Ảnh minh họa: Unsplash

Ảnh minh họa: Unsplash

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật Bản không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia này mà còn là cảnh báo cho các nước Đông Á, bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc, những quốc gia cũng đang đối mặt với tỷ lệ sinh giảm mạnh và lực lượng lao động già đi.

Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng việc giải quyết vấn đề này không chỉ liên quan đến chính sách dân số, mà còn cần phải thay đổi tư duy về vai trò của gia đình và nơi làm việc.

Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Chính quyền đã dành 5,3 nghìn tỷ yên (khoảng 34 tỷ USD) cho các chương trình hỗ trợ gia đình trẻ, với mục tiêu giúp giảm bớt áp lực tài chính và xã hội.

Trong ba năm tới, sẽ có thêm 3,6 nghìn tỷ yên mỗi năm dành cho trợ cấp trẻ em và tăng cường hỗ trợ chăm sóc cũng như giáo dục trẻ em. Các quan chức hy vọng rằng những biện pháp này sẽ giúp thuyết phục các cặp đôi rằng việc lập gia đình không phải là quyết định tài chính đầy rủi ro.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng bắt đầu nới lỏng chính sách nhập cư. Để đáp ứng nhu cầu lao động trong các ngành như chăm sóc người già và nông nghiệp, chính phủ đã đưa ra các quy định visa linh hoạt hơn, cho phép người lao động nước ngoài ở lại lâu hơn và chuyển đổi công việc. Mục tiêu là tăng gấp ba lần số lượng lao động nước ngoài vào năm 2040 khi lực lượng lao động trong nước tiếp tục giảm sút.

Tuy nhiên, các vấn đề văn hóa và xã hội vẫn là thách thức lớn. Một trong những yếu tố quan trọng khiến phụ nữ Nhật Bản ngần ngại lập gia đình là văn hóa làm việc căng thẳng và không có sự hỗ trợ đầy đủ cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình.

Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày một tuần cho hơn 160.000 nhân viên nhà nước và các biện pháp linh hoạt cho các bậc cha mẹ có con nhỏ. Tuy nhiên, các nhà phân tích như Ekaterina Hertog, Phó giáo sư tại Viện Internet Oxford, cho rằng sự thay đổi thực sự sẽ chỉ đến khi đàn ông tham gia chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái nhiều hơn. Hiện nay, chỉ có hơn 3% nam giới tham gia nghỉ phép chăm con, một con số thấp so với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, tỷ lệ kết hôn cũng đang giảm sút ở Nhật Bản. Năm ngoái, số người kết hôn đã giảm xuống dưới nửa triệu lần đầu tiên sau 90 năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề này liên quan đến các chuẩn mực xã hội và kinh tế, đặc biệt là vai trò giới tính trong gia đình.

Những kỳ vọng truyền thống về nam giới là trụ cột gia đình và các yếu tố kinh tế như thu nhập thấp đã làm tăng xu hướng trì hoãn hoặc từ chối hôn nhân của nam giới. Những yếu tố này tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định lập gia đình và sinh con ở Nhật Bản.

Ngọc Ánh (theo Newsweek, ET)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ke-hoach-nam-2025-cua-nhat-ban-nham-giai-quyet-khung-hoang-dan-so-post328665.html
Zalo