Nhận diện tín dụng và tỷ giá 2025

Tín dụng có nhiều động lực để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 16% của năm nay. Trong khi đó, tỷ giá đối mặt với không ít áp lực.

Nhiều lạc quan về mục tiêu tăng tín dụng 16% năm 2025

Tăng trưởng tín dụng 2024 ước đạt được mục tiêu của cả năm là 14% bởi tính đến tính đến 13/12, con số này đã vượt 12% so với cuối năm 2023. Và theo thông lệ, những ngày cuối của tháng 12 tín dụng sẽ tăng rất nhanh. Chia sẻ về mức tăng trưởng tín dụng có thể đạt được của 2024, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, quý III/2024, tăng trưởng tín dụng đã có những chuyển biến tích cực. Ước tính cả năm, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được mục tiêu 14% khi kết thúc năm.

Sang năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ở mức hai con số, thì việc tăng trưởng tín dụng và điều hành chính sách tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, tạo động lực cho các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng.

Với những diễn biến của tỷ giá năm 2024 đã diễn ra, giới phân tích cho rằng, câu chuyện tỷ giá vẫn là áp lực điều hành đối của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025. Ảnh minh họa

Với những diễn biến của tỷ giá năm 2024 đã diễn ra, giới phân tích cho rằng, câu chuyện tỷ giá vẫn là áp lực điều hành đối của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025. Ảnh minh họa

Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Để đạt được con số mục tiêu này, nhà điều hành đã tiến hành phân giao tăng trưởng tín dụng tới từng ngân hàng thương mại. Theo đó, room tín dụng được giao căn cứ vào kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.

Đánh giá về diễn biến tín dụng của năm 2025, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 16% có nhiều khả năng thực hiện được do sức khỏe của nền kinh tế ngày một tốt hơn, đà tăng trưởng của 2024 sẽ là lực đẩy lớn cho các doanh nghiệp. Cụ thể, mức độ lạc quan trong tiêu dùng ngày một cải thiện, và lạm phát được kiểm soát cùng với môi trường lãi suất thấp sẽ là yếu tố thúc đẩy cầu tiêu dùng trong năm 2025. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp cộng hưởng cho tăng trưởng tín dụng. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc nghiên cứu- Trung tâm phân tích, Công ty Cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) năm 2025, nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tương đối khả quan, được hỗ trợ bởi nhu cầu tái cấu trúc nợ của doanh nghiệp bất động sản và nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp sản xuất khác sản xuất khác. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Đồng quan điểm trên, báo cáo mới nhất vừa được Trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research) đưa ra nhiều nhận định lạc quan. Cụ thể, có 2 yếu tố chính thúc đẩy hoạt động tín dụng năm 2025 gồm: Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2025 và tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. Cả hai yếu tố này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025. Đồng thời, với tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao sẽ giúp tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng.

Áp lực tỷ giá vẫn là gánh nặng điều hành

Nếu như kế hoạch tăng trưởng tín dụng của năm 2025 được dự báo là có nhiều tín hiệu tích cực để hiện thực hóa mục tiêu thì với tỷ giá lại được xem là “bài toán khó” cho nhà điều hành trong năm nay.

Năm 2024 ghi nhận sự biến động của thị trường tỷ giá trong và ngoài nước, nhà điều hành đã vài lần phải thực hiện bán ngoại tệ can thiệp thị trường, đồng thời nâng tỷ giá trung tâm để giữ ổn định tiền đồng, đảm bảo các cân đối vĩ mô cũng như giúp ổn định xuất khẩu. Theo báo cáo vĩ mô vừa công bố, VDCS đã đưa ra con số ước tính năm 2024 Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 9,4 tỷ USD để ổn định tỷ giá.

Với những diễn biến của tỷ giá năm 2024 đã diễn ra, giới phân tích cho rằng, câu chuyện tỷ giá vẫn là áp lực điều hành đối của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025.

Theo đó, nhìn từ bên ngoài, triển vọng đồng USD mạnh lên đi theo những kỳ vọng chính sách của chính quyền Tổng thống đắc cử Donal Trump sẽ tạo ra áp lực đối với việc ổn định tỷ giá của các thị trường mới nổi.

Với thị trường trong nước, năm 2025, với bộ đệm dự trữ ngoại hối tiếp tục bị bào mòn và khả năng thu hút/giữ chân dòng ngoại tệ thiếu tính bền vững sẽ khiến cho tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong biên độ +/-5% và kết thúc năm ở mức 26.200 đồng/USD.

Chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng, rà soát các yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD đều cho thấy đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên trong năm 2025. Vì thế, việc kiểm soát sự ổn định tỷ giá trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Khó khăn lớn nhất chính là dòng vốn FDI chỉ giải ngân vừa đủ để bù đắp lợi nhuận chuyển về nước, áp lực về nhu cầu USD vẫn cao khi lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao trong khi dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh.

Đồng quan điểm này, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng sẽ có những áp lực nhất định đối với xu hướng tỷ giá năm nay, đến từ việc sức mạnh của đồng Đô la vẫn được duy trì ở mức cao và các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia sẽ có thể kiên trì chín sách hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị sẽ khiến giới đầu tư tìm các tài sản “trú ẩn” an toàn, trong đó có USD.

Tuy nhiên, nhìn toàn diện, VCBS nhận định rằng vẫn còn nhiều yếu tố tích cực đối với thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2025, đó là thu hút FDI và nguồn kiều hối. Đồng thời, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất nhập khẩu với cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi cũng là “điểm cộng” cho tỷ giá năm nay.

Dự báo, năm 2025, mức giảm giá của VND/USD dao động trong khoảng 3%.

Tại Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-dien-tin-dung-va-ty-gia-2025-367584.html
Zalo