Doanh nghiệp lương thực thực phẩm 'tiến thoái lưỡng nan' khi in bao bì sản phẩm
Không ít doanh nghiệp rơi vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan', dùng bao bì cũ thì sai địa chỉ thực tế, muốn chủ động thay bao bì mới cũng không được vì chưa điều chỉnh giấy phép kinh doanh.
Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), kể từ 1/7, địa chỉ thực tế của các doanh nghiệp sản xuất đã thay đổi khi TP.HCM mới hình thành và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp.
Hội nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp lương thực thực phẩm về việc, sau sáp nhập, đến nay phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa được cấp đổi Giấy phép kinh doanh cập nhật theo địa chỉ mới, gây phát sinh nhiều vướng mắc trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa và các thủ tục pháp lý liên quan.
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 29/2023/TT-BYT ngày 30/12/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm, kể từ ngày 1/1/2026, tất cả bao bì thực phẩm lưu thông trên thị trường đều phải thể hiện đầy đủ các thông tin theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị in mới bao bì sản phẩm để đáp ứng yêu cầu Thông tư nhưng lại lúng túng trong việc lựa chọn ghi địa chỉ cũ hay mới, vì chưa được cấp đổi Giấy phép kinh doanh. Một số doanh nghiệp còn phản ánh cụ thể, nếu in nhãn theo địa chỉ cũ thì sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh mới sẽ phải hủy toàn bộ bao bì in sẵn, gây lãng phí và phát sinh chi phí đáng kể. Nhưng nếu muốn in nhãn theo địa chỉ mới, thì lại không có cơ sở pháp lý nếu Giấy phép kinh doanh chưa được cấp đổi.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đang chuẩn bị tung sản phẩm mới ra thị trường, việc không rõ được ghi địa chỉ nào đã làm trì hoãn tiến độ ra mắt sản phẩm và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn băn khoăn nếu đã được cấp Giấy phép kinh doanh mới thì bao bì cũ có địa chỉ hành chính cũ còn được phép tiếp tục sử dụng hay không, và thời hạn chuyển đổi bắt buộc là bao lâu kể từ khi có giấy phép kinh doanh mới, vì hiện nhiều đơn vị đã đầu tư in ấn khối lượng bao bì lớn để đáp ứng Thông tư số 29/2023/TT-BYT.

Doanh nghiệp lương thực thực phẩm TP.HCM đang gặp cảnh "tiến thoái lưỡng nan" trong in ấn bao bì sản phẩm
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn gặp thêm rất nhiều bất cập liên quan đến việc cập nhật địa chỉ mới trên các chứng nhận trong nước và quốc tế liên quan như chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch, USFDA (Hoa Kỳ), HALAL, ISO, FSSC, BRC...
Các tổ chức chứng nhận quốc tế yêu cầu bắt buộc phải có văn bản xác nhận chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam để công nhận địa chỉ mới. Nếu không có, tổ chức chứng nhận nước ngoài sẽ xem đây là thay đổi cơ sở khác hoặc mới và yêu cầu doanh nghiệp phải làm lại toàn bộ thủ tục xin cấp chứng nhận lại từ đầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch xuất khẩu trong các quý cuối năm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đình trệ sản xuất, chậm tiến độ giao hàng, không đáp ứng yêu cầu về giấy chứng nhận tại các thị trường xuất khẩu, tác động trực tiếp đến kim ngạch và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Từ đó, FFA kiến nghị cơ quan chức năng liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn ghi nhãn trong giai đoạn chuyển tiếp, cho phép doanh nghiệp in ấn và sử dụng địa chỉ mới trên bao bì sản phẩm kể từ sau ngày 15/7/2025, trong trường hợp không thay đổi địa điểm sản xuất thực tế, kể cả khi Giấy phép kinh doanh chưa được điều chỉnh theo địa chỉ mới. Việc này nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tiến độ thực hiện Thông tư số 29/2023/TT-BYT của Bộ Y tế.
Cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng bao bì in theo địa chỉ cũ trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh mới, để tránh lãng phí bao bì đã in, đồng thời đề nghị hướng dẫn cụ thể về thời hạn bắt buộc chuyển đổi bao bì ghi theo địa chỉ mới.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, đề nghị không xử phạt hành chính đối với các trường hợp doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh thông tin địa chỉ.
Về vướng mắc này, theo tìm hiểu của chúng tôi, Phó chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Lộc Hà đã có văn bản giao sở ngành liên quan xem xét nội dung phản ánh, kiến nghị của FFA để khẩn trương hướng dẫn, giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho hiệp hội, doanh nghiệp theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố trước ngày 20/7.
Nhưng đến ngày 23/7, FFA cho biết, vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ các sở ngành.