Chuyển đổi số ở phường, xã: Bài toán khó từ hạ tầng và nhân lực
Với quy mô dân số 14 triệu dân, TP.HCM đang đối mặt với những thách thức phức tạp trong công tác chuyển đổi số.
Một nút thắt chính và dai dẳng đối với chuyển đổi số của TP.HCM là tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, ở tất cả các cấp chính quyền. Tại cấp phường, xã, nơi trực tiếp phục vụ người dân, do khan hiếm cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách, nên các nhiệm vụ chuyển đổi số thiết yếu thường được giao thêm cho cán bộ hành chính hiện có. Bên cạnh đó, hạ tầng chưa đồng bộ cũng gây ra nhiều khó khăn. Đây là những vấn đề được bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM chia sẻ thẳng thắn với PV VOV Giao thông.
PV: Thưa bà, trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, công tác chuyển đổi số đã tạo ra những sự chuyển biến rõ rệt nào trong quản lý dữ liệu và phục vụ người dân?

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM
Bà Võ Thị Trung Trinh: Lãnh đạo TP.HCM đã giao cho Trung tâm chuyển đổi số là đơn vị thực thi để tổ chức lại các nền tảng số dùng chung của thành phố. Thành phố cũng tập trung vào 4 hệ thống lớn và bắt đầu đánh giá hệ thống này từ cuối tháng 3/2025.
Đó là hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua tổng đài 1022; và hội nghị truyền hình trực tuyến của thành phố. Chúng tôi phối hợp với công tác đào tạo cũng như thử nghiệm vận hành hệ thống trước khi vận hành chính thức ba lần.
Thành phố cũng ghi nhận một số kết quả nổi bật. Ví dụ từ 01/7 đến 12/7 hệ thống giải quyết thủ tục hành chính đã tiếp nhận hơn 110.000 (khoảng 1/3 hồ sơ là trực tuyến, 2/3 là trực tiếp) trên các lĩnh vực. Trong đó, có khoảng 71.000 hồ sơ là do chính quyền ở cấp phường, xã, đặc khu tiếp nhận. Những kết quả bước đầu cho thấy rất rõ hệ thống ứng dụng nền tảng số của thành phố đã đi vào hoạt động.

Phường Cầu Kiệu cũng đang đối mặt với những khó khăn chung của toàn thành phố về hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực
Tương tự, hệ thống quản lý văn bản tại các phường, xã, thị trấn đã gửi khoảng 15.000 văn bản và nhận về hơn 158.000 văn bản, đánh dấu sự thông suốt trong triển khai chuyển đổi số.
Để thực hiện hiệu quả, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM phối hợp với các tập đoàn công nghệ, đồng thời tổ chức đào tạo, huấn luyện cán bộ, công chức tại các phường, xã và khu vực đặc thù. Đây là lực lượng trực tiếp tương tác với người dân thông qua các trung tâm hành chính công và ứng dụng số, đảm bảo cung cấp dịch vụ hiệu quả và tiện lợi.
PV: Ghi nhận tại các phường, xã của TP.HCM, sau khi vận hành chính quyền 2 cấp, một số cán bộ còn lúng túng khi chuyển từ thói quen xử lý hồ sơ giấy sang tiếp cận hồ sơ điện tử, đồng thời gặp khó khăn trong tương tác trên môi trường số. Vậy đâu là nguyên nhân?
Bà Võ Thị Trung Trinh: Bên cạnh những kết quả ban đầu, TP.HCM cũng ghi nhận một số khó khăn trong công tác chuyển đổi số. Thứ nhất, hạ tầng công nghệ thông tin tại các phường, xã và khu vực đặc thù chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Những nơi sử dụng hạ tầng cũ của Ủy ban Nhân dân quận, huyện có phần thuận lợi hơn, nhưng tại các trụ sở khác hoặc phường cũ, hạ tầng chỉ tạm ổn trong giai đoạn đầu. Do đó, cần đầu tư đồng bộ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Robot phục vụ người dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủ Đức
Thứ hai, việc liên thông kết nối với hệ thống thông tin của các Bộ, ngành còn gặp trở ngại. Hệ thống định danh điện tử VNEID, phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp, phần mềm đăng ký kinh doanh của Bộ Tài chính, và các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố chưa vận hành thông suốt. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan Trung ương để hoàn thiện hệ thống này.
Thứ ba, nguồn nhân lực tại các phường, xã, cần thời gian đào tạo. Dù đã có các chương trình đào tạo trước, việc huấn luyện trực tiếp tại từng vị trí công việc vẫn rất cần thiết để sử dụng hiệu quả các ứng dụng số, đảm bảo triển khai thành công các nền tảng số dùng chung của thành phố.
Khi thao tác thuần thục, năng suất công việc mới cải thiện. Còn khi chưa quen, việc thao tác và khai thác dữ liệu trên môi trường điện tử sẽ mất nhiều thời gian hơn, dễ dẫn đến chậm trễ trong giải quyết hồ sơ.
Ngoài yếu tố kỹ năng, giai đoạn đầu còn tồn tại vướng mắc về sự liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các phần mềm của Bộ, ngành với hệ thống của thành phố chưa thực sự thông suốt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho cán bộ công chức.
PV: Với địa bàn 14 triệu dân như hiện nay, việc triển khai đồng bộ cho công tác chuyển đổi số rõ ràng cần thời gian và giải pháp, không thể trơn tru trong ngày một ngày hai. Bà có thể cho biết những giải pháp dài hạn cụ thể để tháo gỡ những khó khăn?
Bà Võ Thị Trung Trinh: Với dân số 14 triệu người và diện tích gấp khoảng 5 lần Singapore, TP.HCM cần áp dụng triệt để công nghệ số để quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi nhận diện một số khó khăn.
Thứ nhất, nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các phường, xã, khu vực đặc thù còn khan hiếm. Để đảm bảo chuyển đổi số đồng bộ và xuyên suốt, cần xây dựng phương thức tập trung nguồn nhân lực.
Thứ hai, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là tiến tới cung cấp dịch vụ hành chính công không phụ thuộc vào địa giới, đòi hỏi ba yếu tố phối hợp hài hòa. Đó là cải cải cách thủ tục hành chính triệt để, tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu.
Các thủ tục hành chính triển khai trên môi trường điện tử, đòi hỏi những tài liệu này được biến thành những tài liệu điện tử có giá trị pháp lý theo quy định. Kế đến là vấn đề ấp dụng công nghệ để hồ sơ được tiếp nhận và luân chuyển dễ dàng theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc để người dân và doanh nghiệp chỉ cần tiếp cận đến địa bàn nào thuận lợi nhất.
Cán bộ tại các phường, xã và trung tâm hành chính công cần được đào tạo để tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. Thành phố cũng hướng tới sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo, như chatbot, để hỗ trợ cán bộ trong quá trình tương tác.
PV: Để tăng sự hài lòng, tin tưởng của người dân và sự tham gia của doanh nghiệp, cần tư duy chuyển đổi mạnh mẽ như thế nào, thưa bà?
Bà Võ Thị Trung Trinh: Phong trào “bình dân học vụ số” cần được đẩy mạnh để người dân nắm bắt các hệ thống số dùng chung, như cổng dịch vụ công, ứng dụng không gian số, hoặc kênh phản ánh 1022. Đồng thời, cần hoàn thiện các ứng dụng này, tăng cường tương tác để người dân tin tưởng rằng ý kiến và hồ sơ của họ được tiếp nhận và xử lý triệt để.
Công tác đào tạo, hướng dẫn cũng đóng vai trò quan trọng để người dân tiếp cận dịch vụ số dễ dàng hơn, đặc biệt tại các địa bàn đặc thù như xã đảo Thạnh An, nơi cần sự quan tâm đặc biệt để vượt qua khó khăn về điều kiện tự nhiên và kỹ năng số. Đây là nhiệm vụ dài hạn, đòi hỏi thực hiện thường xuyên, không thể đạt được trong một sớm một chiều, để đảm bảo sự gắn kết bền vững của người dân.
Điều quan trọng nhất là nhận thấy lợi ích của việc chuyển đổi từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường số, dù quá trình này gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi thay đổi tư duy.
Khi hệ thống số vận hành ổn định, cán bộ và công chức có thể xử lý hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Bên cạnh đó, có thể làm việc tại địa phương nhưng vẫn giải quyết được hồ sơ từ xa, thay vì phải chuyển công việc đến các sở, ngành hoặc tỉnh thành khác.
Việc áp dụng công nghệ số giúp đơn giản hóa quy trình, thay đổi thói quen làm việc, và tăng cường minh bạch trong các thủ tục hành chính công.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!