Tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tăng cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật; chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Sở đã xây dựng chương trình giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

Theo đó, Sở đã lấy 176 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, sản phẩm lưu thông trên thị trường theo các địa bàn có vùng sản xuất chủ lực của thành phố; lấy 61 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và sản phẩm làng nghề truyền thống; đã lấy 37 mẫu sản phẩm thực phẩm OCOP và 46 mẫu nông, lâm, thủy sản tại 2 chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối Đền Lừ để giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm; lấy 22 mẫu sản phẩm thực phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản tại các công ty, doanh nghiệp thuộc quản lý của cấp thành phố…

Việc lấy mẫu giám sát chất lượng sẽ cảnh báo nguy cơ, điều tra nguyên nhân triệt để, góp phần giúp các doanh nghiệp, cơ sở khắc phục tồn tại, tăng cường giải pháp giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm…

Hiện nay, việc lấy mẫu kiểm nghiệm nông, lâm, thủy sản còn khó khăn do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh tính thời vụ, doanh số thu hằng ngày rất thấp. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: Giết mổ gia súc, gia cầm, bún, phở, bánh các loại… quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình rất khó kiểm soát. Chủ cơ sở ít quan tâm đến quy định pháp luật, khi bị kiểm tra, xử lý thì không hợp tác, tìm mọi cách tránh né, thậm chí đóng cửa, không tiếp đoàn kiểm tra, không chấp hành quyết định xử phạt. Ngoài ra, còn thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm, nhất là sản phẩm chế biến, phối chế, hỗn hợp gây khó khăn cho việc áp dụng của các cơ sở và cơ quan quản lý khi thực hiện hậu kiểm, kiểm tra, giám sát…

Để kịp thời phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm thông qua lấy mẫu, giám sát chất lượng thực phẩm trên thị trường, Trưởng phòng Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm; duy trì kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm thông qua việc lấy mẫu nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Từ nay đến cuối năm, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp với các xã, phường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức lấy mẫu giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng, phát hiện, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm. Trong đó, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng có lượng cung cấp lớn trên địa bàn thành phố như: Thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau, củ quả… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-cuong-lay-mau-kiem-nghiem-thuc-pham-710457.html
Zalo