Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số
Hiện nay, thị trường ngày càng khắt khe, cùng sự tác động của hàng giả, hàng kém chất lượng, đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc nông sản ứng dụng bài bản, chặt chẽ.
Do đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các đơn vị thực hiện quản lý chất lượng trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số. Qua đó, giúp các hộ sản xuất, hợp tác xã thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, còn các ngành chức năng thuận lợi trong kiểm tra, giám sát…

Sản phẩm nông nghiệp an toàn của thành phố Hà Nội được hỗ trợ tạo mã QR để truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hương Giang
Kết nối, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã (xã Trung Giã) Nguyễn Văn Thắng cho biết, đơn vị đang quản lý, canh tác diện tích sản xuất khoảng gần 2ha các loại rau an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại rau trà trộn giữa an toàn và không an toàn, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Để minh bạch chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, đơn vị đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, đóng gói bao bì, nhãn mác và được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhờ đó, sản phẩm rau an toàn VietGAP, hữu cơ của đơn vị cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, được đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, sau khi đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, giá các loại rau, củ của hợp tác xã tăng gấp đôi so với sản phẩm cùng loại…
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (xã Kiều Phú) Nguyễn Đình Tường cho biết, quy mô chăn nuôi lợn an toàn sinh học của đơn vị hiện khoảng 1.000 con lợn thịt. Quy trình chăn nuôi được khép kín từng giai đoạn, từ việc tạo ra nguồn con giống bảo đảm chất lượng đến nuôi dưỡng, giết mổ, sơ chế, đóng gói, chế biến. Để người tiêu dùng có thể hiểu rõ về quy trình sản xuất của hợp tác xã, trên các sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã đều có tem nhãn mác, ghi đầy đủ thông tin đóng gói sản xuất… Nhờ minh bạch thông tin sản phẩm, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường 3-5 con lợn thịt với nhãn hiệu “Thịt lợn sạch Quốc Oai” và các sản phẩm thịt lợn chế biến thông qua các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, bếp ăn tại huyện Quốc Oai và khu vực nội thành, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng.
Thông tin về việc truy xuất nguồn gốc nông sản, Trưởng phòng Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, đến nay, “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn) đã cấp tài khoản tham gia cho 3.572 cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản với 14.635 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm lên hệ thống (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024); cung cấp thông tin kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản trên ứng dụng “công dân Thủ đô số” iHanoi. Hệ thống đã sẵn sàng kết nối vào hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia và hệ thống truy xuất nguồn gốc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Bên cạnh đó, đơn vị đã hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã triển khai, ứng dụng marketing số (digital marketing) để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thông qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo…), website và ứng dụng di động. Việc này giúp tăng cường nhận diện, thu hút nhiều khách hàng từ thị trường trong và ngoài nước…
“Việc sử dụng mã quét QR code không chỉ giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi, mà còn giúp cơ quan nhà nước dễ dàng hơn trong công tác chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra trên thị trường nhằm tạo nên một môi trường kinh doanh, mua sắm thông minh, an toàn và minh bạch”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất
Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc nông sản chưa đồng đều, mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và ở một số hợp tác xã, doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, các sản phẩm đều có mã vạch hoặc mã QR, nhưng phần lớn thông tin trong các mã đó chỉ đơn thuần là tên sản phẩm, nơi trồng, nơi đóng gói, mã lô nguyên liệu, cách sử dụng sản phẩm; chưa có thông tin về chất lượng sản phẩm…
Để thúc đẩy, kết nối tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các địa phương cần chuẩn hóa quy trình sản xuất an toàn bền vững, xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc gắn với số hóa vùng sản xuất. Ngoài ra, hỗ trợ các hợp tác xã thời gian đầu về tem, nhãn mác, xây dựng thương hiệu nhận diện sản phẩm; đồng thời hỗ trợ, tư vấn để các tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm an toàn có ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; sàn thương mại điện tử…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho rằng, việc số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm góp phần mang lại nhiều giá trị, nông sản của Hà Nội không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Hiện nay, truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tiếp tục hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số, tạo lập và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ, đưa sản phẩm chủ lực của Hà Nội lên sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ.