Doanh nghiệp lo giữ chân công nhân dù thiếu đơn hàng
Ông Trần Văn Tắc, Chủ tịch Công ty giầy Tuấn Việt ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, kinh tế thế giới và khu vực đang khó khăn, chỉ số tiêu dùng thấp, thị trường bị thu hẹp khiến nhiều doanh nghiệp phân phối hàng hóa ở các nước châu Âu, Nam Mỹ và đặc biệt là Đông Âu không thể bán hàng nên chấp nhận chịu lỗ và hủy đơn hàng.
Do thị trường truyền thống của các doanh nghiệp may mặc, da giầy, gỗ… trong nước lại chủ yếu là các khu vực này nên đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không chịu được đành phải chuyển ngành nghề hoặc tạm dừng sản xuất, những doanh nghiệp có thâm niên mỗi năm cũng chỉ nhận vài ba đơn hàng nhưng với hy vọng năm sau sẽ khá hơn năm trước nên vẫn giữ công nhân làm việc theo chế độ làm một ngày, nghỉ một ngày.
Cụ thể như Công ty của ông trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh và sau dịch vẫn cố gắng duy trì 1.500-1.600 công nhân, nhưng do thiếu đơn hàng triền miên nên nay đành phải cắt giảm một nửa, chỉ còn trên 700 công nhân là người địa phương với mức lương từ 9-10 triệu đồng một tháng. Rút kinh nghiệm từ những năm trước đây khi sử dụng nhiều công nhân từ các tỉnh khác đến làm việc nên cứ gần Tết là lo vì sau khi về ăn Tết, nhiều người không trở lại làm việc dẫn đến sản xuất đình trệ nên ông chỉ ưu tiên sử dụng nhân công tại chỗ…
Cũng bị ảnh hưởng do thị trường châu Âu, Nam Mỹ hủy đơn hàng, ông Nguyễn Tú, Giám đốc công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu được cung cấp cho thị trường Đông Âu. Do xung đột nổ ra khiến nhiều nhà phân phối ở khu vực này đã cắt giảm đơn đặt hàng xuống còn 40-50% so với trước đây. Để phát triển sản xuất, ông Tú đã tìm thị trường mới ở nhiều nơi khác ngoài Đông Âu và đã được một số nhà phân phối quan tâm.
Trong suốt thời gian gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp của ông vẫn phải gồng mình giữ chân công nhân để hy vọng sẽ có nhiều đơn hàng mới trong tương lai. Năm nay, mặc dù đã cố gắng mời công nhân tại chỗ vào làm việc nhưng vấp phải sự cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp khác nên công ty của ông Tú vẫn phải sử dụng nhân công từ các tỉnh khác.
Chưa có đơn hàng mới cho năm sau và sản xuất cũng chỉ ở dạng cầm cự nhưng hy vọng năm 2025 sẽ khả quan hơn nên dù khó khăn cũng phải tìm mọi cách xoay xở mang lại phúc lợi tốt nhất để sau Tết công nhân sẽ trở lại làm việc đầy đủ. Tuy vậy cho đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm công nhân thông báo sau kỳ nghỉ Tết sẽ không trở lại làm việc nữa mà tìm việc ngay tại quê.
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ ngắn hạn, giữ chân công nhân để chờ đơn hàng mới nhưng không thể ngăn được làn sóng những người muốn trở về quê tìm việc, nhất là những người đã có gia đình, con cái, có chi tiêu hết sức tằn tiện thì đồng lương cũng chưa chắc đủ trang trải cho chi phí thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt và học hành cho con cái…
Theo chia sẻ của chị Thùy Dương, công nhân may mặc trong khu công nghiệp Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, mấy năm nay công ty của chị gặp nhiều khó khăn nên việc làm của công nhân cũng giảm nhiều. Trước đây vợ chồng chị liên tục tăng ca và làm cả thứ 7, Chủ nhật nên thu nhập ngoài chi phí ăn, ở, sinh hoạt, mỗi tháng cũng để dư được vài ba triệu, nhưng vài năm trở lại đây có khi làm một ngày thì nghỉ hai ngày, tháng nào nhiều việc cũng chỉ làm ngày 8 tiếng nên không đủ chi phí.
“Chồng em về quê tìm việc trước rồi. Em còn ở lại vì con nhỏ còn đang học năm cuối cấp một nên vừa làm công nhân vừa làm thêm bán mấy món ăn vặt để hàng tối mang ra lề đường bán kiếm tiền trang trải chờ đến hè sẽ về quê luôn…”, chị Thùy Dương chia sẻ.