Giá vàng có trở lại đỉnh 92 triệu đồng/lượng năm 2025?
Chuyên gia dự báo giá vàng năm 2025 có nhiều biến động khó đoán vì chính sách kinh tế, tình hình địa chính trị vì thế khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng và đa dạng hóa tài sản.
Dù đã giảm gần 200 USD tính từ đỉnh mọi thời đại ghi nhận được hồi cuối tháng 10 (trên 2.800 USD/ounce), giá vàng thế giới giao ngay vẫn đang đứng trước cơ hội khép lại năm 2024 với đà tăng tích cực nhất hơn một thập kỷ.
Hiện mỗi ounce vàng thế giới phổ biến được giao dịch ở mức 2.616 USD, giảm 6,6% so với đỉnh lịch sử trước đó nhưng vẫn cao hơn 27% so với giá đầu năm.
Nhờ động thái mua ròng của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tình hình địa chính trị bất ổn tại Trung Đông và châu Âu, giá vàng thế giới đã ghi nhận năm 2024 tăng trưởng vượt trội.
Hướng tới năm 2025, thị trường vàng thế giới dự kiến tiếp tục là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức rủi ro chiến tranh thương mại, xung đột địa chính trị cho đến xu hướng các nước giảm phụ thuộc vào đồng USD... Điều này khiến các chuyên gia cho rằng rất khó để dự báo xu hướng của kim quý trong năm tới đây.
Giá vàng thế giới có thể đạt 3.000 USD/ounce
Nói Tri Thức - Znews, ông Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, cho rằng việc dự báo thị trường vàng là bài toán khó bởi kim loại quý luôn phải chịu tác động từ nhiều biến số vĩ mô.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của năm tới, yếu tố quan trọng sẽ định hình giá kim quý sẽ là sức mạnh của đồng USD. Khi các chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump được triển khai, dòng vốn đầu tư toàn cầu có thể bị thu hút về Mỹ, khiến đồng USD mạnh lên. Do vàng được định giá bằng USD, giá vàng thế giới có thể chịu áp lực giảm.
Một yếu tố khác theo vị chuyên gia là tình hình địa chính trị phức tạp, nếu căng thẳng ở các khu vực như Ukraine hoặc Trung Đông giảm nhiệt, vai trò trú ẩn của vàng trước các rủi ro này sẽ giảm theo.
Ngoài ra, kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi sẽ khiến các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn, từ đó làm giảm sức hút của vàng.
"Việc tăng thuế nhập khẩu vàng tại Ấn Độ hoặc các biện pháp hạn chế giao dịch vàng ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu vàng toàn cầu. Và với mức tăng mạnh trong hai năm qua, không ít nhà đầu tư sẽ chốt lời, là nguyên nhân tạo áp lực giảm giá vàng", ông Huy nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Huy không loại trừ kịch bản nếu căng thẳng ở Đông Âu, Trung Đông, hoặc châu Á - Thái Bình Dương gia tăng, vàng vẫn có thể tiếp tục tăng giá và đạt đỉnh cao mới.
Dù lạm phát đã hạ nhiệt, nhiều quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều này khiến vàng tiếp tục là công cụ bảo toàn giá trị để có điều kiện tăng giá.
"Các ngân hàng trung ương hiện vẫn tăng cường dự trữ vàng nhằm giảm phụ thuộc vào USD, tạo lực cầu lớn trên thị trường. Cùng với đó, nỗi lo suy thoái kinh tế kéo dài hoặc các biến động khó lường của thị trường chứng khoán cũng sẽ là động lực hỗ trợ cho giá vàng năm tới", ông Huy nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia quốc tế cũng có cái nhìn lạc quan với giá kim loại quý trong năm 2025. Trong đó, Ngân hàng UBS cho rằng giá vàng giao ngay sẽ đạt mốc 2.900 USD/ounce vào năm tới. Còn Goldman Sachs thì dự báo kim quý sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce.
Ông John Reade, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường tại World Gold Council nhận định giá vàng có thể tăng lên 2.750 USD/ounce ngay đầu năm 2025.
Chuyên gia Eric Sepanek của Scottsdale Bullion & Coin thì đánh giá kim quý đã tăng xấp xỉ 30% năm nay và có thể tăng cao hơn nữa. Vị chuyên gia này dự báo năm tới giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD/ounce.
Đứng trước các kịch bản tăng giá này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhận định giá vàng năm 2025 sẽ vẫn là một ẩn số nhưng chắc chắn sẽ phải chứng kiến nhiều biến động. Việc giá vàng thế giới có thể trở lại vùng đỉnh 2.800 USD/ounce hay thậm chí chạm mốc 3.000 USD/ounce trong năm tới, theo ông Hiếu, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Giá vàng trong nước sẽ ra sao?
Tại thị trường trong nước, ông Nguyễn An Huy đánh giá năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Vì thế, năm 2025, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục biến động “đồng pha” với giá quốc tế nhờ vai trò điều tiết hiệu quả của nhà điều hành.
Trong đó, tỷ giá USD/VND vẫn sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. "Nếu tỷ giá tăng, giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo, và ngược lại", ông nói.
Mặt khác, ông Huy đánh giá nếu thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, chứng khoán đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, trong khi thị trường trái phiếu cần thêm thời gian lấy lại niềm tin thì người dân sẽ có xu hướng tích trữ vàng, đặc biệt trong các giai đoạn bất ổn. Hiện tượng "sốt vàng" cũng có thể khiến biên độ chênh lệch giá mua - bán trong nước tăng cao.
Tuy nhiên, đứng trước những biến động ngắn hạn này, nhà đầu tư cá nhân vẫn chỉ nên đặt 5-10% tổng tài sản vào vàng để đa dạng hóa rủi ro. Tỷ trọng này có thể điều chỉnh linh hoạt tùy thuộc vào tình hình thị trường.
“Người dân có thể tăng lên 10% tổng tài sản nếu rủi ro địa chính trị leo thang và giảm về 5% khi quan sát thấy tình hình kinh tế và chính trị ổn định hơn. Không mua vào vàng miếng SJC nếu giá mặt hàng này chênh lệch quá cao so với giá thế giới”, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại FIDT đưa lời khuyên.
Năm 2025, người dân không nên mua vào vàng miếng SJC nếu giá mặt hàng này chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới
Chuyên gia tài chính Nguyễn An Huy từ FIDT
Ông khuyến nghị với nhà đầu tư lớn tuổi hoặc cần dòng tiền đều hàng tháng không nên đầu tư quá nhiều vào vàng. Nếu đã nắm giữ tỷ trọng vàng lớn, nên xem xét giảm bớt để tránh rủi ro mất cân đối tài sản.
Trong ngắn hạn, vào ngày Vía Thần tài 2025, ông Huy lưu ý người dân chỉ nên mua vàng với số lượng nhỏ (0,5-1 chỉ) để lấy may, tránh bị cuốn vào "sóng" đầu cơ khi giá vàng tăng mạnh.
Đồng ý với nhận định này, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn trong nước có thể quay lại vùng đỉnh 92 triệu đồng/lượng năm 2025 là không dễ.
Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi giá vàng thường xuyên. Hiện tại, khi giá vàng đang ở mức tương đối thấp, đây có thể là cơ hội để mua vào, nhưng cần làm điều này một cách thận trọng.
"Điều quan trọng là không nên đặt tất cả trứng vào một giỏ, mà nên phân bổ tài sản ra các kênh đầu tư khác như tiền gửi, chứng khoán hay bất động sản để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận", vị chuyên gia tài chính nhấn mạnh.